1. Tật khúc xạ là gì?
– Khúc xạ là sự gấp khúc ánh sáng khi nó truyền qua vật thể này sang vật thể khác, từ môi trường này sang môi trường khác. Tầm nhìn có được khi các tia sáng bị gấp khúc (khúc xạ) khi đi qua giác mạc và thấu kính. Ánh sáng sau đó tập trung vào võng mạc. Võng mạc chuyển đổi các tia sáng thành các thông điệp được truyền qua dây thần kinh thị giác đến não. Bộ não diễn giải những thông
điệp này thành những hình ảnh chúng ta thấy.
– Mắt khỏe mạnh là sau khi hình ành đi qua võng mạc, và thủy tinh thể sẽ được hội tụ đúng trên võng mạc. Để mắt có thể nhìn được vật ở gần hoặc ở xa, thủy tinh thể phải điều tiết bằng cách phồng lên hoặc xẹp xuống để hình ảnh có thể tập trung đúng trên vọng mạc. Tuy nhiên vì một số lý do khách quan và chủ quan, thủy tinh thể không thể điều tiết chính xác. Điều này dẫn đến việc hình ảnh có thể tập trung ở phía trước võng mạc hoặc phía sau võng mạc, đây được gọi là tật khúc xạ. Tùy vào từng người, có các tật khúc xạ khác nhau, cũng có nhiều trường hợp một người có thể mắc hai tật khúc xạ.
– Tật khúc xạ là hiện tượng mắt không điều tiết được hoặc điều tiết kém dẫn đến các tia sang đi vào mắt không tụ đúng lên võng mạc được làm cho nhìn không rõ ràng, bình thường các tia ánh sáng đi vào mắt được tập trung chính xác vào võng mạc. Khi không đạt được tiêu điểm như vậy, kết quả bạn bị mắc các tật khúc xạ khiến tầm nhìn không rõ ràng. Những khiếm khuyết trong độ tập trung của mắt được gọi là tật khúc xạ.
– Tật khúc xạ là từ chung chỉ các tật cận thị, viễn thị và loạn thị của mắt, trong đó chủ yếu là cận thị chiếm tỉ lệ khá cao trong cộng đồng.
– Những người mắc tật khúc xạ hiện nay thường là trẻ em trong độ tuổi đi học. Tật khúc xạ xảy ra khi một số bộ phận trong mắt bị biến dạng hoặc không giống bình thường.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến tật khúc xạ?
– Để mắt làm việc quá nhiều: Việc tập trung nhìn gần trong khoảng thời gian dài là một trong những nguyên nhân chính.
– Thói quen sinh hoạt không đúng cách: Do tư thế ngồi học không đúng cách, học tập và làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng
– Tiếp xúc quá nhiều nguồn sáng nhân tạo: Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, máy tính, ipad, …
– Di truyền: Trục nhãn cầu dài, mắt to hơn bình thường hay trục nhãn cầu quá ngắn
– Do người già thể thủy tinh đã bị lão hóa, không phồng lên được do mất tính đàn hồi.
3. Tật khúc xạ có những loại nào? và triệu chứng là gì?
3.1. Tật khúc xạ bao gồm các loại sau:
– Cận thị
Tật cận thị xảy ra khi tia sáng (hình ảnh) thay vì hội tụ tại đúng võng mạc thì nó lại hội tụ ở trước võng mạc khiến cho một người bị tật cận thị chỉ có thể nhìn thấy rõ các sự vật ở gần (khi đọc sách hay làm việc trên máy vi tính) nhưng lại khó nhìn thấy các vật ở xa (các ký hiệu giao thông hay số xe buýt).
– Viễn thị
Tật viễn thị xảy ra khi hình ảnh của vật hội tụ sau võng mạc. Do đó, mắt có thể nhìn rõ được vật ở xa nhưng thị lực nhìn gần lại kém.
– Loạn thị
Tật loạn thị là tình trạng giác mạc cong bất thường làm cho thị lực bị móp méo, hình ảnh hội tụ tại nhiều điểm trên võng mạc thay vì một điểm. Người mắc tật loạn thị không thể nhìn rõ vật, hình ảnh bị nhoè. Thông thường, loạn thị hay đi kèm với cận thị hoặc viễn thị.
3.2. Triệu chứng mắt bị tật khúc xạ:
Mờ mắt là triệu chứng phổ biến nhất của các tật khúc xạ. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
– Nhìn nhiều hình ảnh khác nhau
– Tầm nhìn mờ
– Lóa mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng Hay nheo mắt
– Nhức đầu, mỏi mắt
4. Điều trị tật khúc xạ như thế nào?
Tật khúc xạ thường được điều trị bằng kính gọng hoặc kính áp tròng. Ngoài ra những người mắc tật khúc xạ còn có thể phẫu thuật tật khúc xạ bằng tia laser excimer.
– Mang kính
+ Mang kính gọng:
Ưu điểm: dễ sử dụng, giá thành hợp lí
Nhược điểm: gây bất tiện, dễ rơi vỡ khi hoạt động thể thao, sinh hoạt
+ Mang kính tiếp xúc( áp tròng): ban ngày hoặc ban đêm Ưu điểm: thuận tiện khi sinh hoạt
Nhược điểm: dễ gây viêm nhiễm ở mắt, giá thành cao
– Phẫu thuật
+ Phẫu thuật giác mạc
Ưu điểm: sẽ hết được được tật khúc xạ phụ thuộc vào mức độ cận, viễn, loạn thị
Nhược điểm: giá thành cao, chỉ phẫu thuật được 1 lần những lần phẫu thuật sau phụ thuộc vào độ dày giác mạc
+ Phẫu thuật nội nhãn ( rất ít thực hiện) Ưu điểm: điều trị được tật khúc xạ
Nhược điểm: nguy cơ tai biến trong phẫu thuật, biến chứng sau phẫu thuật, chi phí cao
5. Để cắt được kính phù hợp với độ khúc xạ cần phải làm gì?
Bệnh nhân cần được đo khúc xạ và đo kính: bệnh nhân sẽ được Bs đo chính xác độ kính và bệnh nhân sẽ mang kính thử trong 15 – 30 phút xem mắt có thích ứng với độ kính vừa đo hay không. Bs sẽ ghi độ kính để bệnh nhân cắt kính.
6. Nếu không điều trị thì sẽ xảy ra những gì?
– Bệnh nhân sẽ nhìn mờ, khó khăn trong sinh hoạt, học tập và ảnh hưởng đến công việc nhất là những công việc đòi hỏi nhiều về thị lực.
– Trẻ em nếu bị tật khúc xạ cần phải đeo kính nếu không có nguy cơ dẫn đến nhược thị
6.1 Không đeo kính sẽ làm tật khúc xạ nặng hơn?
Một số người cho rằng không đeo kính sẽ làm tật khúc xạ ngày càng nặng hơn, điều này không đúng. Trừ khi người đó còn trẻ và mắt vẫn phát triển. Đối với người lớn, không đeo kính mắt sẽ chỉ làm giảm tầm nhìn so với khi đeo kính.
Tuy nhiên, việc không đeo kính sẽ không làm cho mắt của bạn tăng độ và cũng không làm cho tình trạng sức khỏe mắt xấu đi.
7. Làm thế nào để giảm nguy cơ bị tật khúc xạ?
Tật khúc xạ cần được điều trị đúng cách, cha mẹ có con bị tật khúc xạ nên đưa đi khám, theo dõi thường xuyên để tránh bị nhược thị. Các tật khúc xạ nặng và kèm theo lé nên đeo kính thường xuyên để vừa giúp điều chỉnh tật khúc xạ và lé song song. Định kỳ mỗi 6 tháng nên kiểm tra lại độ kính.
– Đảm bảo nơi làm việc và học tập có đủ ánh sáng, ánh sáng dùng làm việc nên sáng gấp 3 lần cường độ ánh sáng trong phòng bình thường. Nếu đọc sách ban đêm, ngoài đèn phòng nên sử dụng thêm đèn chụp phản chiếu. Hướng đèn tốt nhất cho việc đọc sách, học là chiếu sáng từ sau, từ trên xuống, nghịch với bên tay thuận.
– Kích thước bàn ghế ngồi :phải phù hợp với chiều cao của từng người để tránh phải cúi hay gập người khi đọc sách, làm việc. Tư thế ngồi đúng : thằng lưng, hai chân để xuống nền nhà, đầu cúi khoảng 10-15 độ. Khoảng cách lý tưởng để đọc sách là khoảng cách đo từ đầu ngón cái hoặc ngón trỏ cong lại đến cùi chỏ (trung bình khoảng 35cm)
– Tăng cường hoạt động ngoài trời, hạn chế thiết bị điện tử. Giảm mọi căng thẳng của mắt : không bắt mắt làm việc với cường độ quá cao, nghỉ ngơi hợp lý. Không tiếp xúc quá nhiều với màn hình tivi, máy vi tính. Cứ 20 phút làm việc cần cho mắt nghỉ ngơi trong khoảng 20 giây bằng cách
nhìn ra một vật cách xa 5-6m. Không ngồi quá gần màn hình tivi, khoảng cách xem tivi tốt nhất là cách màn hình 7 lần đường chéo (số inch) của màn hình. Không xem tivi ở khoảng cách gần, tránh ánh sáng phản xạ trực tiếp lên màn hình. Nếu ta có tật khúc xạ thì nên đeo kính khi xem tivi.
– Tập luyện thể thao và ăn uống đầy đủ: Ăn các thực phẩm tốt cho mắt, có chứa nhiều các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho mắt. Thường xuyên tham gia các hoạt động thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi.
– Để chăm sóc tốt cho mắt khi có dấu hiệu lạ về mắt như nhìn thấy mờ hơn hoặc mỏi mắt nên đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa mắt để bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời tránh tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn.
7.1 Chăm sóc mắt sau đo kính như thế nào?
– Đối với trường hợp mắt >2diop nên mang kính thường xuyên
– Đối với trường hợp mắt <2diop mang kính khi có nhu cầu
– Tái khám kiểm tra độ kính sau mỗi 6 tháng
7.2 Các dấu hiệu nào cần chú ý và theo dõi?
– Nếu sau mang kính bệnh nhân cảm thấy đau đầu chóng mặt, nhìn mờ cần tái khám để bác sỹ kiểm tra độ kính
– Tái khám kiểm tra độ kính sau mỗi 6 tháng