1. Thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?
– Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh mạn tính tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động, biến dạng cột sống thắt lưng mà không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống phối hợp với những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch.
2. Những nguyên nhân nào gây thoái hóa cột sống thắt lưng?
Thoái hóa đốt sống lưng không phải là bệnh khớp có viêm nhiễm mà là do quá trình lão hóa, khi sụn khớp và đĩa đệm phải chịu áp lực lớn kéo dài gây tổn thương, giảm hoặc mất tính đàn hồi của đĩa đệm và xơ cứng dây chằng bao khớp, khiến cho cột sống thắt lưng bị biến dạng. Thắt lưng bị thoái hóa là hậu quả của nhiều yếu tố khác nhau, cụ thể:
– Tuổi tác: là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh này. Theo thời gian, chức năng và cấu trúc xương khớp dần bị suy giảm. Đến một giai đoạn nhất định, tế bào sụn ở cột sống sẽ bị mất dần độ đàn hồi và khả năng chịu lực.
– Tính chất công việc: người thường xuyên làm việc mang vác nặng, ngồi hoặc đứng quá lâu ở một tư thế,… khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh và mạnh hơn, từ đó có nguy cơ khởi phát bệnh.
– Vận động sai tư thế: ngồi làm việc sai tư thế, nằm ngủ sai tư thế,… những tư thế vận động sai vừa gây áp lực đến cột sống, đặc biệt là vùng cổ và lưng, vừa ảnh hưởng tiêu cực đến các chức năng nội tạng trong cơ thể.
– Dinh dưỡng không cân đối: Người có chế độ dinh dưỡng kém hay bị rối loạn chức năng trao đổi chất trong cơ thể sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp cao hơn người bình thường.
– Các yếu tố khác: di truyền, dị tật bẩm sinh, thừa cân, béo phì, chấn thương, người đã từng phẫu thuật,…
3. Những ai có nguy cơ cao bị thoái hóa cột sống thắt lưng?
– Người trung niên và lớn tuổi: 2 đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.
– Những người làm công việc văn phòng thường xuyên tiếp xúc với máy tính, công nhân may, công nhân bốc vác, tài xế lái ô tô,…
– Người thừa cân, béo phì.
– Người gặp tai nạn giao thông hoặc va đập khiến cột sống bị tổn thương.
– Người có chế độ dinh dưỡng không khoa học và ít vận động.
– Có người thân mắc các bệnh lý về thoái hóa cột sống.
4. Triệu chứng của thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?
Các triệu chứng thường diễn tiến thành nhiều đợt, có thể tự thoái lui nhưng đợt sau thường đau hơn đợt trước, bao gồm:
– Cứng cột sống (buổi sáng).
– Đau cột sống khu trú, âm ỉ (tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi).
Khi thoái hóa ở giai đoạn nặng, sẽ có biến chứng và các biểu hiện:
– Đau liên tục và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
– Cảm thấy tiếng lục khục khi cử động cột sống.
– Thoát vị đĩa đệm :đau theo rễ dây thần kinh tê chân, yếu chân
– Biến dạng cột sống: như gù, vẹo cột sống.
– Hẹp ống sống, đau cách hồi thần kinh: đau theo đường đi của dây thần kinh tọa, xuất hiện khi đi lại, nghỉ ngơi đỡ đau.
5. Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể gây ra các biến chứng nào?
Biến chứng nguy hiểm của thoái hóa cột sống thắt lưng là:
– Đau dây thần kinh tọa: các cơn đau chèn ép lên rễ thần kinh gây cơn đau nhức vùng thắt lưng, có xu hướng lan xuống vùng hông, cẳng chân khiến người bệnh gặp khó khăn trong di chuyển.
– Thoát vị đĩa đệm, bệnh gai cột sống.
– Biến dạng cột sống: gây cong, gù, gây mất thẩm mỹ.
– Chèn ép tủy sống.
– Teo cơ.
– Tàn phế, bại liệt: là hậu quả của thoái hóa đốt sống cổ nghiêm trọng nhất.
– Gây trở ngại thị lực: đây là rủi ro nguy hiểm, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: mắt sưng đau, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, thị lực giảm mạnh, thậm chí là mù.
6. Điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng bằng cách nào?
6.1. Nguyên tắc điều trị
– Điều trị triệu chứng (thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ,…) kết hợp với các thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm.
– Nên phối hợp các biện pháp điều trị nội khoa, vật lý trị liệu – phục hồi chức năng. Trường hợp nặng hoặc biến chứng có thể chỉ định ngoại khoa.
6.2. Điều trị cụ thể
6.2.1. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là biện pháp không dùng thuốc, hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống ở tất cả các giai đoạn, cũng như phòng ngừa tiến triển của thoái hóa cột sống.
Các phương pháp: Bài tập thể dục, xoa bóp, kéo nắn, chiếu hồng ngoại, chườm nóng, bùn nóng…
6.2.2. Điều trị nội khoa
– Thuốc chống viêm không steroid.
– Thuốc giãn cơ: như eperison/tolperisone.
– Thuốc điều trị chống thoái hóa tác dụng chậm – kéo dài.
– Tiêm corticoid tại chỗ: tiêm ngoài màng cứng, tiêm cạnh cột sống, tiêm khớp liên mấu giúp giảm đau tích cực.
6.2.3. Điều trị ngoại khoa
Chỉ định khi thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, hẹp ống sống với các dấu hiệu thần kinh tiến triển nặng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Hoặc khi điều trị nội khoa kéo dài – không hiệu quả sẽ được chỉ định ngoại khoa
7. Chế độ ăn uống, luyện tập cho người bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng như thế nào?
Chế độ ăn, chế độ luyện tập ngoài hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống cũng là một biện pháp phòng ngừa quan trọng.
7.1. Chế độ ăn
– Thực phẩm giàu canxi: Các sản phẩm từ sữa (sữa, phô mai, sữa chua ít béo), rau xanh đậm như rau chân vịt, súp lơ xanh, rau mồng tơi, cải xoong,…đậu Hà Lan và các loại đậu, cá hồi…
Liều lượng sử dụng phù hợp nhất là từ 100 đến 120mg/ngày.
– Thực phẩm giàu Vitamin D: nấm, lòng đỏ trứng, cá hồi, cá mòi …
– Thực phẩm giàu Vitamin C: các loại trái cây có màu đỏ và cam, có thể ăn các loại như kiwi, ổi, cam, chanh, nho, đu đủ, cà rốt, bí đỏ…
– Thực phẩm giàu Vitamin E: Dầu hướng dương và dầu mầm lúa mì là những nguồn cung cấp vitamin E dồi dào nên được đưa vào chế độ ăn uống.
– Ngoài ra lựa chọn:
+ Ngũ cốc chọn loại nguyên hạt, ít xay xát.
+ Chế độ ăn giàu chất xơ, nhiều rau lá xanh (300-400g/ngày)
+ Ưu tiên thịt trắng như thịt gà, cá hơn so với thịt đỏ như thịt heo, thịt bò
+ Chất béo: hạn chế chất béo từ động vật, sử dụng dầu thực vật như dầu ô liu (tốt nhất), dầu hạt cải, dầu đậu nành…
+ Hoa quả ăn ở mức 200-300g/ngày, ưu tiên các loại ít ngọt
+ Sữa và các sản phẩm từ sữa: ưu tiên các loại sữa ít béo, sữa chua ít béo, nên dùng vào bữa phụ.
+ Giảm thiểu lượng muối (<5g/ngày) và đường (10% tổng năng lượng/ngày)
+ Uống nhiều nước 40ml/kg/ngày.
7.2. Các bài tập cột sống
7.2.1. Tác dụng
– Hỗ trợ trong quá trình lưu thông, tuần hoàn máu.
– Thúc đẩy sự hấp thụ dinh dưỡng của xương khớp được tốt hơn.
– Cơ thể trở nên linh hoạt, dẻo dai, sức bền tốt hơn, từ đó ngăn ngừa bệnh tật tốt hơn.
– Gia tăng sức mạnh của cơ bụng, cơ lưng, mông và đùi,…
– Giảm lượng mỡ thừa, duy trì vóc dáng cơ thể.
– Khắc phục, giảm thiểu tình trạng đau, nhức mỏi cơ thể, nhức mỏi xương khớp.
– Giảm thiểu căng thẳng, giúp tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn.
7.2.2. Chỉ định
– Cong vẹo cột sống bẩm sinh hay mắc phải.
– Thoái hóa cột sống.
– Hội chứng chèn ép rễ do thoát vị đĩa đệm như đau thần kinh tọa, hội chứng cỗ vai cánh tay.
– Hạn chế vận động cột sống sau can thiệp phẫu thuật.
– Các bệnh lý của cơ liên quan đến độ vững đốt sống, cột sống.
7.2.3. Chống chỉ định
– Tình trạng nhiễm trùng đốt sống, cột sống như lao đốt sống.
– Chấn thương gây gãy, mất vững đốt sống tủy sống.
– Đau lưng cấp.
– Ung thư cột sống.
7.2.4. Thời gian tập
– Mỗi người nên tập các động tác này ít nhất 2 lần trong một ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ, một động tác lặp lại 5 – 10 lần, mỗi lần giữ lại 3 đến 5 giây (thời gian luyện tập có thể thay đổi dựa theo sức khỏe, sức bền, thể lực và sức chịu đựng,…của bệnh nhân).
7.2.5. Tư thế chuẩn bị
– Người tập nằm thư giãn (thả lỏng) trên mặt phẳng cứng hoặc nệm cứng 2 tay dọc thân mình và 2 chân duỗi thẳng, trang phục thỏa mái không gò bó chật chội.
– Bài tập 1: Nghiêng xương chậu ra sau
Gồng cơ bụng, ấn lưng xuống giường đồng thời hít vào, sau đó thư giãn cơ bụng đồng thời thở ra.
Tác dụng: giúp cơ lưng dưới được thư giãn đồng thời góp phần làm mạnh cơ bụng.
– Bài tập 2: Kéo giãn cơ lưng bên chân co
Một chân duỗi thẳng, ngóc bàn chân lên và ấn gan chân xuống mặt giường. Chân còn lại co gối, đan hai tay kéo sát gối về hướng ngực, đồng thời hít vào.
Sau đó duỗi thẳng chân trở về tư thế ban đầu, đồng thời thở ra. Đổi chân và thực hiện như trên.
Tác dụng: kéo dãn cơ vùng thắt lưng, mông và cơ tam đầu đùi.
– Bài tập 3: Kéo giãn cơ lưng 2 bên
Co hai chân, đan hai tay kéo sát hai gối về hướng ngực, đồng thời hít vào. Duỗi thẳng hai chân về vị trí ban đầu, đồng thời thở ra.
Tác dụng: kéo dãn cơ vùng thắt lưng, mông và cơ tam đầu đùi.
Bài tập 4: Kéo giãn cơ bên thân mình
Hai tay đan sau gáy hoặc đặt dọc theo thân mình. Nghiêng hai chân sang cùng một bên đồng thời hít vào. Sau đó trở về tư thế ban đầu, đồng thời thở ra. Đổi bên và thực hiện như trên.
Tác dụng: Kéo giãn cơ lưng và cơ liên sườn đối bên.Thư giãn nhóm cơ lưng và liên sườn cùng bên.
Bài tập 5: Kéo giãn cơ tam đầu đùi (mặt sau đùi)
Một chân duỗi thẳng, chân còn lại nâng lên cao đến mức có thể đồng thơì hít vào, sau đó trở về tư thế ban đầu đồng thời thở ra.
Tác dụng: kéo giãn nhóm cơ mông và cơ tam đầu đùi.
Bài tập 6: Kéo giãn nhóm cơ lưng
Ngồi trên hai gót. Mông giữ trên gót. Cúi đầu sát mặt giường, cúi người về phía trước. Hai tay trượt trên mặt giường hướng tới phía trước. Hít vào thở ra đều đặn.
Bài tập 7: Di động cột sống
– Tư thế chuẩn bị: Bệnh nhân bắt đầu ở tư thế quỳ 4 điểm (tư thế bò).
– Ngẩng đầu lên và hạ lưng xuống đồng thời hít vào, sau đó cúi đầu xuống và uốn cong lưng lên đồng thời thở ra .
– Lưu ý: Không di chuyển tay và chân khi thực hiện bài tập. Động tác này làm luân phiên.
Tác dụng: giúp cột sống trở nên linh hoạt hơn.
Bài tập 8: Giữ thăng bằng và tập nhóm cơ lưng
– Tư thế chuẩn bị: Bệnh nhân bắt đầu ở tư thế quỳ 4 điểm (tư thế bò).
– Thực hiện động tác:Tay phải đưa thẳng về phía trước, ngón tay hướng lên trần nhà, mắt nhìn theo tay, chân trái duỗi thẳng ra sau đồng thời hít vào, sau đó hạ tay và chân xuống về tư thế ban đầu đồng thời thở ra.
– Tác dụng: tập mạnh cơ thân mình.
Bài tập 9: Tập mạnh cơ lưng
– Tư thế chuẩn bị: Bệnh nhân nằm sấp, hai tay dọc theo thân mình.
– Nâng đầu và ngực lên đồng thời hít vào, sau đó hạ người xuống trở về tư thế ban đầu đồng thời thở ra.
– Tác dụng: gia tăng sức mạnh nhóm cơ vùng thắt lưng.
8. Tư vấn điều trị
8.1. Tư vấn trước điều trị
– Tư vấn chi phí buồng giường, phí chăm sóc, phí điều trị.
– Tư vấn nội quy buồng phòng.
– Cung cấp thông tin dịch vụ (Tư vấn theo đối tượng BHYT, BHCC, viện phí,…).
8.2. Tư vấn trong điều trị
8.2.1. Điều dưỡng
– Theo dõi sinh hiệu.
– Theo dõi tình trạng đau các khớp, cột sống.
– Theo dõi tiến triển và biến chứng của bệnh.
– Theo dõi tình trạng dùng thuốc và tác dụng phụ của thuốc.
8.2.2. Bệnh nhân
– Theo dõi tình trạng đau, tiến triển của bệnh để báo cho điều dưỡng hay bác sỹ một cách kịp thời.
8.3. Tư vấn sau điều trị
– Giáo dục tư vấn các bài tập tốt cho cột sống, sửa tư thế xấu.
– Lên kế hoạch tập thể dục.
– Thay đổi chế độ ăn uống.
– Thay đổi lối sống, hoạt động hằng ngày.
– Sử dụng các thiết bị hỗ trợ (nẹp, đai lưng, khung tập đi,…).
– Định hướng nghề nghiệp thích hợp với tình trạng bệnh.
9. Dự phòng
– Theo dõi và phát hiện sớm các dị tật cột sống để điều trị kịp thời.
– Giáo dục tư vấn các bài tập tốt cho cột sống, sửa các tư thế xấu.
– Kiểm tra định kỳ những người lao động nặng.
– Tầm soát: Thoái hóa cột sống có thể được tầm soát bằng việc sờ nắn vùng cột sống bởi bác sĩ chuyên khoa kết hợp chụp phim Xquang cột sống.
– Đối tượng cần tầm soát:
+ Có bố mẹ có tiền sử bị thoái hóa cột sống sớm.
+ Béo phì hoặc thừa cân.
+ Người có lối sống ít vận động, ít tập thể dục.
+ Người có tiền sử bị chấn thương cột sống hoặc trải qua phẫu thuật cột sống hoặc bị viêm khớp vảy nến.
+ Người có thói quen hút thuốc lá.
+ Người làm các công việc đòi hỏi ngồi lâu hoặc các công việc có chuyển động lặp đi lặp lại hoặc chịu sức nặng liên quan đến cột sống như: lái xe, thợ may, công nhân làm dây chuyền, thợ khuôn vác,…
– Phương pháp khám và tầm soát thoái hóa bằng sờ nắn cột sống.
Hình ảnh thoái hóa cột sống có thể ghi nhận trên Xquang
10. Các tư thế đúng và sai của cột sống
10.1. Tư thế nằm
– Tư thế đúng khi nằm ngửa: Nên giữ thẳng trục đầu – cổ – thân – chân. Không nên gối cao.
– Tư thế đúng khi nằm nghiêng: Chân dưới co nhẹ gối và hơi đưa về phía trước. Chân trên hơi đưa về phía trước, gác trên gối ôm. Tay để trước mặt. Lưng thẳng, có thể hơi nghiêng người về phía trước hay phía sau.
10.2 Tư thế ngồi
Tư thế đúng: Hai bàn chân tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất. Hai đầu gối giữ vuông góc. Hông giữ vuông góc với thân người. Lưng thẳng. Đầu cổ giữ thẳng trục với lưng. Mắt nhìn về phía trước.
10.3. Tư thế đứng
Tư thế đúng: Để hai bàn chân tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất. Giữ thẳng hai chân để trọng lực cơ thể cân bằng. Giữ lưng thẳng. Đầu cổ giữ thẳng trục với lưng, mắt nhìn về phía trước (ảnh giữa).
Tư thế sai: Đầu chúi về phía trước lưng phẳng (ảnh trái) hoặc đầu chúi về phía trước, vai cong, cơ bụng yếu, lưng võng (ảnh phải).
10.4. Tư thế khiêng vật nặng
Tư thế đúng: Dang rộng hai chân bằng vai. Cong hai gối, hạ thấp người xuống với lưng thẳng. Kéo sát vật nặng vào người bật thẳng hai chân đứng lên với lưng thẳng.