1. Thế nào là thoái hóa khớp gối?
Là tình trạng sụn khớp và xương dưới sụn bị bào mòn gây mất sự trơn láng của khớp, khi bệnh nhân vận động 2 mặt khớp chạm vào nhau khiến bệnh nhân đau đớn và làm hẹp khe khớp gây hạn chế vận động khớp. Bệnh tiến triển nặng sẽ gây cứng khớp, đi lại khó khăn và đau đớn kéo dài.
2. Bệnh xảy ra do nguyên nhân gì?
– Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng do quá trình lão hóa khớp.
– Chấn thương khớp gối nếu không được điều trị tốt.
– Các bệnh về khớp gối: Gút, viêm khớp gối.
– Hoạt động quá mức.
– Béo phì.
– Lười vận động.
3. Thoái hóa khớp gối sẽ trầm trọng hơn khi nào?
– Thường xuyên đi giày cao gót
– Luyện tập ở cường độ cao
– Lối sống không lành mạnh: Rượu, bia, thuốc lá, thức khuya, không khám sức khỏe thường xuyên.
– Tăng cân.
4. Triệu chứng nhận biết thoái hóa khớp gối là gì?
– Đau mặt trước hoặc trong khớp gối, đau tăng khi vận động hoặc khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng
– Khớp cứng và khó cử động sau khi bất động lâu.
– Khi đi lại, vận động khớp gối nghe tiếng lạo xạo.
– Khớp gối có thể bị sưng to.
– Chân bị lệch trục kiểu vòng kiềng (chân chữ O) hoặc kiểu chân chữ X, người bệnh có thể bị mất chức năng vận động.
5. Thoái hóa khớp gối có thể gây ra những biến chứng gì?
– Teo cơ, cứng khớp, hạn chế vận động
– Khớp gối bị biến dạng
– Yếu liệt hoặc tàn phế
6. Hiện nay có những phương pháp nào giúp điều trị thoái hóa khớp gối?
– Nội khoa: Dùng thuốc giảm đau, giãn cơ, kháng viêm, thuốc hỗ trợ sụn khớp, thuốc bổ sung chất nhờn cho khớp, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân.
– Phục hồi chức năng: Sóng ngắn, Siêu âm, điện xung, tập vận động, đạp xe, đi bộ, bơi lội.
– Ngoại khoa: thay khớp nhân tạo, nội soi cắt lọc, bào rửa khớp.
7. Thoái hóa khớp gối có chữa khỏi được không?
Thoái hóa là một quá trình lão hóa tự nhiên của con người, do đó không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, các biện pháp điều trị và tập luyện đúng cách sẽ giúp khớp giảm đau, lấy lại chức năng của khớp, ngăn ngừa thoái hóa nặng hơn và có thể làm lành một phần tổn thương.
8. Chế độ dinh dưỡng nào phù hợp với người bị thoái hóa khớp gối?
– Tăng cường các thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, rau xanh và hoa quả tươi, những loại giàu chất nhớt.
– Hạn chế những thực phẩm dầu mỡ, chất béo, bia rượu, chất kích thích.
– Uống nhiều nước.
9. Chế độ luyện tập nào phù hợp với người thoái hóa khớp gối?
Nên luyện tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên, các bài tập cho xương khớp như bơi lội, thể thao dưới nước, đạp xe,…
10.Thoái hóa khớp gối có thể dự phòng bằng cách nào?
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ, nên chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh lý xương khớp.
– Phát hiện điều trị chỉnh hình sớm các dị tật khớp (lệch trục khớp, khớp gối vẹo trong, vẹo ngoài..).
– Tập thể dục đều đặn và đúng cách
– Kiểm soát cân nặng tốt, tránh thừa cân, béo phì.