Những điều cần biết về thủ thuật bóc u mỡ ngoại trú

1. U mỡ là bệnh gì?
– U mỡ là một lớp chất béo tích tụ dần dần dưới da, nằm ở giữa da và lớp cơ. Chúng thường xuất hiện nhất ở cổ, lưng, vai, cánh tay, đùi và cũng có thể phát triển ở các bộ phận khác của cơ thể như ruột.
– Các khối u phần lớn là u lành tính, ít khi gây đau và thường gặp nhất ở người trưởng thành. Một người có thể có 1 hoặc vài khối u và u mỡ có đa dạng về kích cỡ nhưng hiếm khi lớn hơn 8cm.

2. Nguyên nhân gây ra u mỡ
– Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u mỡ:
+ Độ tuổi: Những người có độ tuổi từ 40-60 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
+ Bị các bệnh lý khác như: Hội chứng Cowden, hội chứng Gardner.
+ Tiền sử gia đình: Có người trong gia đình mắc bệnh này.

Hình ảnh u mỡ

3. Triệu chứng nhận biết u mỡ?
3.1. Triệu chứng lâm sàng
– Ban đầu u mỡ thường xuất hiện dưới da dạng một cục bướu mềm, tròn và không gây đau đớn.
– Bệnh nhân thường không biết rằng mình có u mỡ.
– Hầu hết các khối u có thể hơi nhão như cao su và có thể mềm hoặc cứng. Chúng có thể di chuyển sang những khu vực xung quanh dễ dàng.
– Chúng xuất hiện thường xuyên nhất ở cẳng tay, cẳng chân, lưng và vùng cổ.
– U mỡ có thể xuất hiện ở các bộ phận khác của cơ thể như: Phổi, ruột, ngực và các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí của chúng.

3.2. Cận lâm sàng
– Nếu u mỡ to có tính chất bất thường hoặc nằm dưới sâu hơn mô mỡ nên bác sỹ sẽ chỉ định thực hiện 1 số cận lâm sàng như:
+ Siêu âm (giúp chẩn đoán chính xác hơn).
+ MRI (có thể phân biệt u mỡ với Liposarcoma).
+ CT Scan (xác định được bản chất khối u, thường được chỉ định ở những khối u nằm sâu mà không thể sờ nắn tốt)
+ Sinh thiết mẫu.

Hình ảnh u mỡ

4. Biến chứng nếu không điều trị là gì?
– Ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ, sinh hoạt của bệnh nhân.
– Các khối u có thể gây đau đớn nếu chúng đè lên dây thần kinh hoặc nếu chúng có nhiều mạch máu bên trong.

5. Hướng điều trị u mỡ như thế nào?
5.1. Thủ thuật bóc u tại phòng tiểu phẫu (điều trị ngoại trú)
– Khối u có kích thước nhỏ, không sâu và không có bất thường.
– Bác sỹ sẽ tư vấn thực hiện bóc u mỡ tại phòng tiểu phẫu.
– Thực hiện ngoại trú trong ngày, sau đó bệnh nhân dùng thuốc tại nhà và chăm sóc vết thương tại cơ sở y tế.

5.2. Điều trị phẫu thuật (nhập viện nội trú thực hiện phẫu thuật tại phòng mổ)
Những trường hợp có chỉ định thực hiện bóc u tại phòng mổ:
– Các khối u gây đau đớn nếu chúng đè lên dây thần kinh hoặc có nhiều mạch máu bên trong.
– Phần da phủ lên u mỡ bị viêm.
– Khối u phát triển nhanh hoặc lớn hơn 5cm gây khó khăn trong sinh hoạt hoặc ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
– Thời gian thực hiện phẫu thuật trong khoảng 1 tiếng và nằm viện theo dõi khoảng 3-5 ngày.

6. Biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị là gì?
– Tác dụng phụ của thuốc gây mê, gây tê lên hệ tuần hoàn, tim mạch như shock, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim… Sẽ xử trí được bằng cấp cứu tùy từng trường hợp cụ thể.
– Nguy cơ do làm thủ thuật/ phẫu thuật:
+ Nhiễm trùng vết mổ: Sưng, đỏ, đau. Lúc này cần dùng kháng sinh điều trị, cắt chỉ vết mổ và chăm sóc vết thương tại chỗ.
+ Chảy máu: Vết mổ có thể chảy máu sau mổ.
+ Xử trí: Dùng gạc vô khuẩn đè ép lên vết mổ và giữ trong vòng 10-15 phút.
+ Tụ máu: Gây nên những vết bầm tím, nhưng vết bầm này sẽ tự biến mất sau vài ngày. Trường hợp máu chảy tạo thành những khối máu tụ dưới da thì nên điều trị nội khoa bằng những thuốc cầm máu. Do đó, cần dặn bệnh nhân khi thấy có các vết bầm dưới da và các vết bầm có xu hướng sưng to lên thì cần phải báo bác sỹ kiểm tra điều trị.
– Tổn thương thần kinh lân cận gây yếu hoặc liệt vĩnh viễn.
– Sẹo lớn gây mất thẩm mỹ.

7. Những điều cần biết khi thực hiện tiểu phẫu bóc u ngoại trú
7.1. Những điều bệnh nhân cần biết trước khi làm thủ thuật bóc u
– Bệnh nhân cần cung cấp tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, nước uống, các bệnh đang mắc phải như: Viêm dạ dày, huyết áp, tiểu đường, tim mạch, hen suyễn, có đang sử dụng thuốc chống đông máu… các thuốc khác đang sử dụng tại nhà.
– Bệnh nhân/ người nhà >18 tuổi (bố/mẹ/vợ/chồng) cần ký cam kết trước khi thực hiện thủ thuật.
– Để đảm bảo an toàn và xử trí nhanh khi xảy ra nguy cơ shock thuốc tê, bệnh nhân sẽ được đặt kim luồn trước khi làm thủ thuật.
– Bác sỹ sẽ đánh dấu vị trí khối u giúp nhầm lẫn, bệnh nhân không được xóa.

7.2. Những điều bệnh nhân cần lưu ý sau thủ thuật bóc u
– Sau thủ thuật bóc u bệnh nhân cần ở lại bệnh viện theo dõi trong khoảng 30 phút đến khi tình trạng ổn định bệnh nhân có thể về nhà.
– Cần dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sỹ. Trong quá trình dùng thuốc tại nhà nếu có những bất thường như: nổi mẩn ngứa, mề đay, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tức ngực, khó thở…. Cần tái khám ngay để được bác sỹ xử trí kịp thời.
– Vết thương cần thay băng hằng ngày, không để nước dính vào vết thương.
– Khi vết thương chưa lành và chưa cắt chỉ. Bệnh nhân nên lau người bằng nước ấm hoặc có thể tắm nhưng sau đó phải thay băng lại ngay.
– Nếu vị trí vết mổ lớn ở tay hoặc chân, bệnh nhân cần treo tay hoặc kê cao chân khi nằm để tránh căng tức và phù nề vùng thủ thuật.
– Cần vận động nhẹ nhàng trong 3 ngày đầu.
– Ăn uống bình thường, hạn chế đồ ăn quá cay nóng, rượu, bia, thuốc lá vì làm giảm tác dụng phụ của thuốc điều trị và chậm lành vết thương.
– Tái khám khi sau khi hết thuốc hoặc sớm hơn khi có bất thường như: Vết thương sưng nề, chảy dịch, sốt.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...