Thay khớp háng có cần nằm viện điều trị không?
Điều trị sau phẫu thuật thay khớp háng chiếm một vai trò quan trọng tương đương với phẫu thuật. Thông thường bệnh nhân thay khớp háng cần nằm viện từ 3-5 ngày cho đến khi bạn độc lập trong sinh hoạt, các tiến bộ y khoa đang mong muốn rút ngắn thời gian này thậm chí là ra viện trong ngày.
Sau phẫu thuật, ngoài kháng sinh để chống nhiễm trùng, quản lý cơn đau đóng một vai trò quan trọng giúp bệnh nhân mau chóng quay lại vận động.
Cần lưu ý dự phòng huyết khối tĩnh mạch.
Vật lý trị liệu sớm và phục hồi chức năng sau khi xuất viện giúp ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch, giúp bệnh nhân khôi phục sức mạnh vùng hông và nhanh chóng quay trở lại sinh hoạt bình thường. Thời điểm bắt đầu thực hiện, cường độ tập và bài tập nên được tham khảo bởi cả phẫu thuật viên và bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng để phòng ngừa trật khớp.
Thời gian phục hồi của mỗi bệnh nhân là rất khác nhau. Thông thường, bệnh nhân chấm dứt đau và quay lại hoạt động trong 3 tháng đến 6 tháng, tuy nhiên cũng có trường hợp cần đến 1 năm. Bạn có thể quay lại các hoạt động như đi bộ, leo cầu thang hay đi xe đạp. Tuy nhiên cần tránh các hoạt động nặng, môn thể thao cường độ cao hay yoga với các động tác đặc biệt.
Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn quay lại tái khám thường xuyên để kiểm tra xương và tư vấn chế độ luyện tập.
Các biến chứng có thể xảy ra khi thực hiện thay khớp háng?
- Gãy xương đùi trong phẫu thuật: Do sự tiếp cận khó khăn của xương đùi, do tình trạng loãng xương quá nặng làm xương dễ gãy, do xương đã gãy trước đó…
- Tổn thương dây thần kinh đùi: gồm các nhánh của thần kinh đùi đi gần vùng mổ
- Mất máu và tổn thương mạch máu: Thay khớp háng có thể gây mất máu đáng kể cần phần truyền máu, làm nặng thêm các bệnh lý có sẵn như tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, thiếu máu não…Khác biệt về chiều dài chi: Mong muốn của phẫu thuật luôn là giúp 2 chân có chiều dài bằng nhau, tuy nhiên một vài trường hợp viêm khớp có thể làm giảm chiều dài chi vốn có. Việc thay đổi chiều dài của khớp háng nhân tạo có thể gây mất ổn định khớp háng gây dễ trật khớp háng.
- Hao mòn khớp: Là diễn tiến phải chấp nhận và là vấn đề phổ biến gây phá vỡ bề mặt khớp nhân tạo hay phá hủy cấu trúc khớp nhân tạo.
- Trật khớp háng nhân tạo có thể xảy ra, tỷ lệ ít hơn 2%. Các bác sĩ cần thiết nắn lại khớp khi bệnh nhân được cho an thần, cố định lại khớp háng trong một thời gian hay thậm chí là phẫu thuật lại khi tái phát nhiều lần.
- Cứng khớp: Do hình thành xương thêm ở mô mềm xung quanh khớp.
- Tử vong: Nói chung rất thấp, dưới 1% thường gặp ở bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ
Tuổi thọ của khớp háng nhân tạo là bao nhiêu?
Thay khớp háng nhân tạo đem lại kết quả lâm sàng và chức năng tuyệt vời. Tuy nhiên kết quả này phục thuộc vào bệnh lý được chỉ định, kỹ thuật phẫu thuật, loại khớp háng, chất liệu khớp háng, tuổi của bệnh nhân, chức năng khớp háng trước phẫu thuật và vô số yếu tố khác.
Thay khớp háng có thể chỉ định từ bệnh nhân trẻ tuổi đến người cao tuổi (trên 80). Với các vật liệu hiện đại, rủi ro cần can thiệp là 0,5% cho 20 năm đầu tiên. Giá trị sử dụng và sự hài lòng của bệnh nhân cũng tăng lên khi bệnh nhân trẻ hơn. Tính chung 90% các ca phẫu thuật sẽ thành công, không đau và không có biến chứng trong 15 năm đầu tiên.
BS. Nguyễn Đình Hòa
Khoa Ngoại – BV Gia Đình (Đà Nẵng)