Không những 3 tháng đầu thai kỳ mà ở giai đoạn 3 tháng giữa cơ thể sản phụ cũng có những thay đổi cần được chú ý và theo dõi
1. Triệu chứng tiêu hóa
Các triệu chứng nghén trong 3 tháng đầu bắt đầu giảm dần: cơ thể sản phụ cảm giác khỏe hơn, giảm nôn, ăn uống ngon miệng và ăn được nhiều hơn.
Thời gian tiêu hoá ở dạ dày và ruột non thường kéo dài hơn do ảnh hưởng của các nội tiết tố hoặc yếu tố thực thể. Phụ nữ mang thai trong giai đoạn này có thể xuất hiện chứng táo bón, trĩ.
2. Sự tăng kích thước vòng bụng và ngực
Vòng bụng to dần lên vì kích thước tử cung tăng lên theo tuổi thai. Sự tăng kích thước này dẫn đến vùng da ở bụng bắt đầu giãn ra nên có thể khiến cho cơ thể phụ nữ mang thai có cảm giác căng và ngứa. Bên cạnh đó có thể thấy những đường rạn da, thường thấy ở hai hố chậu, bụng, ngực và mặt trong đùi.
Vú cũng tăng tăng dần kích thước bởi vì sự phát triển của mô tuyến vú bên trong.
3. Sự thay đổi về da
Dưới tác dụng của hoocmon có thể gây ra sự biến đổi về da cụ thể như:
– Da mặt phụ nữ mang thai có thể xuất hiện các đốm tăng sắc tố đặc biệt ở vùng gò má.
– Ở thành bụng, các sắc tố tập trung ở đường trắng giữa, có màu nâu đen gọi là đường nâu.
– Vùng da quầng vú 2 bên có thể sẫm màu hơn và rộng ra. Nếu tuyến vú phát triển quá to và nhanh, da vú sẽ có vết rạn da giống như ở da bụng.
4. Sự thay đổi về hệ tim mạch và hô hấp
Vì cung lượng tim tăng nhiều hơn nên nhịp tim của sản phụ có thể tăng lên. Sự chèn ép tĩnh mạch chủ dưới vì tử cung mang thai nên có thể dẫn đến tình trạng trĩ, giãn tĩnh mạch chi dưới.
Tần số thở: tăng vừa phải, thai phụ thường thở nhanh và nông.
5. Thần kinh
Phụ nữ mang thai giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ có thể gặp các hiện tượng khó ngủ, thức giấc nhiều lần, giấc ngủ ngắn hơn và giảm hiệu suất của giấc ngủ nói chung.
Ngoài ra có tình trạng giảm sự chú ý, tập trung và trí nhớ trong suốt giai đoạn thai nghén và giai đoạn đầu của thời gian sau đẻ.
6. Một số thay đổi khác
– Phụ nữ mang thai giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ thỉnh thoảng có cảm thể cảm thấy căng đau ở một bên bụng hoặc vị trí khác vì hệ thống dây chằng nâng đỡ tử cung bị kéo căng.
– Chuột rút ở chân là phổ biến khi thai kỳ phát triển, thường xảy ra vào ban đêm.
– Có thể thấy khí hư màu trắng đục ra nhiều hơn, không kèm theo triệu chứng ngứa hay mùi bất thường. Đây là tình trạng tăng tiết dịch âm đạo sinh lý trong thai kỳ.
Do đó, để giúp cho cơ thể người phụ nữ mang thai giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ luôn cảm thấy dễ chịu và thoải mái nhất thì cần phải có một chế độ dinh dưỡng khoa học và cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng, kết hợp với một tinh thần thoải mái và chế độ vận động nhẹ nhàng, hợp lý. Bên cạnh đó bạn cũng cần chú ý vấn đề tái khám thai định kỳ để được Bác sỹ Sản khoa khám, kiểm tra và tư vấn chăm sóc thai kỳ tốt trong suốt quá trình mang thai.