Những thay đổi của cơ thể trong 3 tháng đầu thai kỳ

Khi mang thai, cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi lớn về giải phẫu, sinh lý và sinh hóa. Những thay đổi này xảy ra rất sớm, ngay sau khi thụ tinh và tiếp tục suốt thời kỳ thai nghén. Cơ thể lúc này thay đổi để đáp ứng với các kích thích sinh lý do thai và phần phụ của thai gây ra. Dưới đây là một số thay đổi xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ:

1. Thay đổi ở vùng ngực
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở những phụ nữ mới mang thai là vùng ngực sưng, đau; núm vú trở nên sẫm màu và nhô ra; quầng vú lớn hơn. Nguyên nhân do nồng độ hormone hCG (hormone thai kỳ) tăng cao, khiến vùng ngực thay đổi hình dáng và kích cỡ. May mắn là sau 3 tháng đầu thai kỳ, triệu chứng này sẽ giảm dần và mất hẳn vì cơ thể lúc này đã có khả năng tự điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi nội tiết tố.

2. Đi tiểu nhiều lần
Nếu bạn thường xuyên để đi tiểu vào ban đêm, đó có thể là dấu hiệu có thai sớm, do sự thay đổi nội tiết tố (hormone hCG) cùng sự phát triển kích thước của tử cung gây áp lực lên bàng quang.

3. Buồn nôn
Khoảng 2/3 phụ nữ mang thai có cảm giác buồn nôn trong 3 tháng đầu thai kỳ. Đây cũng là một trong những dấu hiệu mang thai rất sớm trong 1-2 tuần đầu tiên. Sang đầu tam cá nguyệt thứ hai, triệu chứng này sẽ giảm dần và mất hẳn. Chỉ có một số ít trường hợp phụ nữ mang thai bị chứng buồn nôn kéo dài đến cuối thai kỳ.

4. Mệt mỏi
Khi bạn có dấu hiệu thụ thai thành công, nồng độ progesterone trong cơ thể bắt đầu tăng nhanh và tiếp tục tăng trong suốt tam cá nguyệt thứ nhất. Progesterone là chất duy trì nội tiết tố của thai kỳ, ngăn ngừa co bóp tử cung và ức chế đáp ứng miễn dịch sớm. Tuy vậy, sự gia tăng đột ngột của progesterone trong thời kỳ đầu mang thai có thể khiến cho phụ nữ mang thai mệt mỏi, đôi lúc kiệt sức.

5. Đầy hơi
Khi nồng độ progesterone tăng lên, nó có thể gây ra những thay đổi lớn cho cơ thể bạn. Một trong số đó là làm cho các cơ, bao gồm các cơ trơn đường tiêu hóa trở nên giảm co bóp. Do đó, quá trình tiêu hóa sẽ chậm lại, gây ra tình trạng đầy hơi, ợ hơi.

6. Cổ tử cung ẩm ướt
Chất nhầy cổ tử cung, còn gọi là dịch tiết, sẽ dày lên trong quá trình rụng trứng để giúp tinh trùng dễ gặp trứng. Nếu trứng không gặp được tinh trùng, chất nhầy cổ tử cung sẽ khô trong vòng 24 giờ sau khi rụng trứng. Nhưng nếu việc thụ thai đã xảy ra, thì chất nhầy cổ tử cung tiếp tục được sản xuất trong nhiều ngày sau đó và khiến bạn có cảm giác ẩm ướt ở khu vực này. Đây chính là một trong những dấu hiệu đầu tiên khi bạn có thai.

7. Chóng mặt, ngất xỉu
Hiện tượng lưu thông máu tăng do thay đổi nội tiết tố làm cho mạch máu giãn ra. Khi các mạch máu giãn ra và huyết áp giảm xuống, bạn sẽ cảm nhận được những cơn nhức đầu, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu.

8. Chảy máu âm đạo
Khi trứng được thụ tinh cấy sâu hơn vào niêm mạc tử cung dày, sẽ xuất hiện tình trạng chảy máu âm đạo. Trên thực tế, khoảng 25-30% phụ nữ mang thai bị chảy máu trong vài ngày đầu của thai kỳ. Nhiều người dễ nhầm lẫn chảy máu do thụ thai với chảy máu kinh nguyệt. Bạn hãy để ý màu sắc và lượng máu. Chảy máu do mang bầu thường ít, máu có màu nâu và hồng nhạt chứ không phải màu đỏ sẫm hay đỏ tươi.

9. Rối loạn vị giác
Một trong những dấu hiệu mang thai sớm là biểu hiện loạn vị giác khiến nhiều người cảm giác như mình ngậm tiền kim loại trong miệng. Mùi vị kỳ lạ này tồn tại dai dẳng trong miệng, đọng lại sau khi ăn 1-2 giờ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do nồng độ estrogen tăng khi mang thai có ảnh hưởng đáng kể đến vị giác của chúng ta. Thông thường, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi qua giai đoạn đầu của thai kỳ, lúc đó nội tiết tố đã ổn định và cơ thể đã “quen” với sự xuất hiện của thai nhi trong bụng. Tuy nhiên, một số phụ nữ mang thai cảm thấy chứng loạn vị giác này kéo dài suốt thai kỳ và phải học cách làm quen, sống chung với nó.

10. Nhạy cảm với nhiệt độ
Bà mẹ mang thai có thể thấy lạnh cóng lúc vừa thức dậy, nhưng chỉ nửa giờ sau lại khó chịu vì quá nóng. Đừng ngạc nhiên vì hiện tượng này, sự nhạy cảm với nhiệt độ cũng là biểu hiện của việc thay đổi nội tiết tố khi mang thai.

11. Tiết nhiều nước bọt
Có phải mấy hôm nay, bạn thấy khoang miệng mình tiết nhiều nước bọt hơn bình thường? Hiện tượng dư thừa nước bọt chính là sự khởi đầu của tình trạng trào ngược axit hoặc ợ nóng – các triệu chứng mang thai rất phổ biến mà hầu như bà bầu nào cũng trải qua.

12. Táo bón
Progesterone làm chậm quá trình chuyển động nhu động và dẫn đến táo bón. Để khắc phục vấn đề này, hãy chắc chắn rằng bạn uống đủ lượng nước mà cơ thể cần (2 – 2,5 lít/ngày), ăn nhiều rau xanh và trái cây dễ tiêu.

13. Tâm trạng thất thường
Thay đổi tâm trạng khi mang thai là hiện tượng rất phổ biến, một phần là do sự thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh (chất truyền tin hóa học trong não). Phụ nữ mang thai sẽ phản ứng khác nhau với những thay đổi này. Một số phụ nữ mang thai cảm thấy hưng phấn, trong khi những người khác tuột cảm xúc, trở nên lo lắng và chán nản.
Nếu bạn rơi vào trường hợp thứ hai, không thể kiểm soát những cơn stress, lo âu, buồn chán, hãy tìm đến một người có thể lắng nghe những lời tâm sự của bạn. Nếu không phải từ bạn đời, thì có thể một người bạn thân hoặc bất cứ thành viên nào trong gia đình hoặc chuyên gia tâm lý để tránh rơi vào trạng thái trầm cảm khi mang thai.

14. Đau lưng
Khi có thai, tử cung sẽ phát triển để chuẩn bị cho việc mang thai. Lúc này, cơ thể của bạn sẽ cảm nhận được những cơn đau ở vùng sống lưng, đặc biệt khi thai nhi lớn dần, nó cũng sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

15. Tăng cân bất thường
Bạn đang có mức cân nặng ổn định nhưng tháng này bỗng nhiên cảm nhận cơ thể nặng nề hơn, quần áo chật hơn, cân nặng đã khác tháng trước kèm thêm dấu hiệu thèm ăn, ăn rất ngon miệng, có thể đó là những dấu hiệu của việc mang thai.

16. Khó thở, hụt hơi
Hiện tượng này là dấu hiệu mang thai thường gặp trong lần mang thai đầu tiên, có thể xuất hiện ở những tháng đầu hoặc cuối thai kỳ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do cơ thể của người phụ nữ mang thai cần thêm lượng oxy để nuôi phôi thai phát triển, lượng hormone progesterone cũng tăng lên dẫn đến tình trạng khó thở, hụt hơi.

17. Xuất hiện rôm, sảy
Hiện tượng nổi rôm, sảy sẽ xảy ra và xuất hiện nhiều ở những vùng da có nhiều nếp gấp, do thân nhiệt cơ thể tăng cao hơn bình thường.

18. Đau bụng âm ỉ
Khi mang thai, những cơn đau bụng âm ỉ xuất hiện giống như sắp đến kỳ kinh nguyệt và có thể kèm theo các triệu chứng như: ra máu báo thai, mệt mỏi, buồn nôn, căng tức ngực…
Do đó, để giúp cho cơ thể người phụ nữ mang thai trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ luôn cảm thấy dễ chịu và thoải mái nhất thì cần phải có một chế độ dinh dưỡng khoa học và cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng, kết hợp với một tinh thần thoải mái và chế độ vận động nhẹ nhàng, hợp lý. Bên cạnh đó bạn cũng cần chú ý vấn đề khám thai định kỳ để được bác sỹ Sản khoa theo dõi, kiểm tra và tư vấn chăm sóc trong suốt quá trình mang thai.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...