1. Phục hình răng sứ là gì?
– Phục hình răng sứ là một dạng phục hình, nhằm phục hồi lại một hay nhiều răng đã mất hoặc phục hồi lại cấu trúc răng bị mất chất, mang lại chức năng ăn nhai và thẩm mỹ cho răng.
Phục hình răng sứ khôi phục lại chức năng ăn nhai và thẩm mỹ cho răng
2. Mục đích phục hình răng sứ là gì?
– Phục hồi chức năng ăn nhai.
– Phục hình lại được hình dạng giải phẫu chức năng và chiều hướng thân răng tốt hơn, giúp vệ sinh răng miệng dễ hơn.
– Phục hồi lại thẩm mỹ về hình dạng cũng như màu sắc của răng, đặc biệt là vùng răng trước.
– Bảo vệ răng trụ khỏi sâu răng, tác động xấu của môi trường miệng và lực nhai không tốt.
3. Chỉ định phục hình răng sứ trong trường hợp nào?
– Răng bị mất chất lớn.
– Răng bị thiểu sản men ngà, nứt men răng, men răng hay bị vỡ, mẻ.
– Răng bị nhiễm màu, đậm màu
– Răng đã được điều trị tủy.
– Phục hồi lại một hoăc nhiều răng đã mất trong trường hợp vẫn còn đủ răng trụ.
– Điều chỉnh lại vị trí thân răng và khớp cắn cho những răng mọc lệch lạc, xoay, răng thưa mà không thể chỉnh nha được.
– Nâng cao khớp cắn trong trường hợp mòn nhiều răng hoặc mất răng xen kẽ.
– Phục hình trên trụ Implant.
– Phục hình trên hàm khung kim loại (ít dùng).
4. Những trường hợp chống chỉ định phục hình răng sứ?
– Bệnh nhân không muốn mài răng thật.
– Răng đang bị bệnh nha chu tiến triển.
– Chiều cao thân răng còn quá thấp không đảm bảo khả năng lưu giữ phục hình.
– Răng nghiêng lệch quá nhiều, việc mài răng có thể ảnh hưởng tủy răng và bệnh nhân không muốn diệt tủy.
– Cầu răng với nhiều răng phía xa.
– Bệnh nhân còn quá trẻ, các răng mọc chưa hết chiều dài, cung xương hàm chưa ổn định.
– Bệnh nhân có bệnh toàn thân chưa ổn định, đang điều trị tia xạ.
– Bệnh nhân có tật nghiến răng chưa được điều trị dứt điểm.
5. Các loại răng sứ phổ biến hiện nay?
– Sứ kim loại thường: Mão răng bên trong là hợp kim Crom – coban hoặc Crom – Niken, bên ngoài phủ sứ.
– Sứ Titan: Lớp sườn bên trong làm bằng hợp kim titan và ngoài phủ sứ.
– Toàn sứ Ziconia, Cercon, Cercon HT: Lớp sườn bên trong làm bằng hợp chất Cacbon, bên ngoài phủ sứ đắp hoặc không sứ.
– Sứ veneer: Mặt dán sứ.
6. Phương pháp thực hiện như thế nào?
* Thời gian điều trị:
– Thời gian dự kiến của phục hình răng sứ diễn ra qua 2-3 lần thực hiện.
– Trong thời gian khoảng 1 – 5 ngày.
– Mỗi lần hẹn có thể kéo dài 30 phút – 2 giờ.
6.1. Lần hẹn đầu tiên
– Bệnh nhân được thăm khám và chụp X quang răng nếu cần.
– Các điều trị tiền phục hình cần được thực hiện trước nếu có: Cạo vôi răng, trám răng sâu, điều trị tủy răng viêm tủy, mài điều chỉnh khớp cắn,…
– Sau đó, bác sỹ tiến hành:
+ Sửa soạn cùi răng.
+ So màu răng.
+ Lấy dấu mẫu hàm, ghi dấu khớp cắn nếu cần và gửi labo, làm răng tạm.
6.2. Lần hẹn 2: Sau 2-3 ngày
– Bệnh nhân được tiến hành thử răng, kiểm tra màu sắc, chỉnh khớp cắn và gắn răng nếu đã đạt yêu cầu.
6.3. Lần hẹn 3
– Bệnh nhân tái khám tinh chỉnh khớp cắn nếu có thể, đặc biệt trong trường hợp phục hình nhiều răng.
7. Biến chứng xảy ra nếu không điều trị?
– Giảm chức năng ăn nhai, dẫn đến khó tiêu, dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá và không hấp thụ được chất dinh dưỡng.
– Các răng bên cạnh khoảng mất răng lâu ngày sẽ tự di chuyển và xô lệch, trồi dài gây cản trở khớp cắn.
– Thời gian mất răng càng lâu thì tình trạng tiêu xương diễn ra càng nghiêm trọng.
– Mất răng lâu ngày sẽ làm biến dạng khuôn mặt như má hóp, lão hoá sớm, xuất hiện nhiều nếp nhăn,… gây mất thẩm mỹ.
8. Những biến chứng có thể gặp sau khi phục hình răng sứ?
– Ê buốt khi ăn nhai sau khi mài răng và lắp răng: Tình trạng này sẽ được cải thiện theo chiều hướng tốt dần theo thời gian.
– Gây tổn thương tủy.
– Nếu kỹ thuật mài không đúng có thể gây tổn thương mô nha chu, gây tụt nướu. Dần dần đưa đến răng lung lay, mất răng trụ nếu không can thiệp kịp thời.
9. Những điều gì cần biết trước khi phục hình răng sứ?
– Khi đã có chỉ định phục hình răng sứ của bác sỹ, thì việc thực hiện phục hình là cần thiết.
– Thủ thuật phục hình răng sứ thường không đau, bệnh nhân sẽ được gây tê tại vị trí thực hiện.
– Cần lấy cao răng, tẩy trắng răng trước khi làm phục hình răng sứ.
– Bệnh nhân sẽ được chụp phim kiểm tra chân răng trước khi thực hiện.
– Một số trường hợp răng nghiêng lệch, xoay, cần chỉnh lại trục răng, thì cần phải điều trị tủy răng này trước hoặc sau khi mài.
– Một số răng bị mất chất nhiều có thể cần phục hồi lại chiều cao thân răng.
– Bệnh nhân sẽ được tư vấn chi tiết về các loại mão sứ và chi phí trước khi thực hiện.
10. Những điều cần biết trong khi phục hình răng sứ?
– Thủ thuật mài răng thường ít đau, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ ở những răng còn sống tủy, trong khi gây tê có thể có cảm giác đau nhẹ.
– Các loại mũi khoan được sử dụng để mài mô răng.
– Trong quá trình thực hiện lấy dấu hai hàm và lấy dấu thêm khớp cắn, chất lấy dấu có thể làm bệnh nhân thấy khó chịu và buồn nôn.
– Bệnh nhân hạn chế ăn nhai thức ăn cứng, thức ăn quá dính, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh sau khi gắn răng tạm trong thời gian chờ mão sứ.
– Bệnh nhân nên quay lại tái khám ngay nếu bong sút răng tạm hoặc tình trạng ê buốt tăng, răng đau nhiều.
11. Những điều cần biết sau khi phục hình răng sứ?
– Sau 1h có thể ăn uống.
– Hạn chế lực ăn nhai quá cứng với mão sứ răng cửa.
– Có thể ê buốt răng nhẹ một vài ngày, nếu tình trạng kéo dài cần phải thăm khám và điều trị tủy răng nếu cần.
– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, lấy cao răng và khám kiểm tra răng miệng định kì 6 tháng/lần.
– Dùng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ làm sạch vùng kẽ răng.
Chăm sóc răng miệng cẩn thận sau phục hình
– Nhận và bảo quản thẻ bảo hành từ nhân viên y tế.
– Tái khám hoặc liên lạc với bác sỹ ngay khi có những dấu hiệu bất thường như: Đau nhức nhiều, mắc thức ăn, vướng cộm,…
Với đội ngũ Bác sỹ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại, Đơn vị Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng đã và đang chăm sóc sức khỏe răng miệng cho rất nhiều người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung.
- Tổng Đài: 19002250
- Fanpage: Trung tâm Nha khoa Thẩm mỹ Family
- Zalo: Family Hospital