1. Ung thư vú là gì?
– Ung thư vú là tình trạng khối u ác tính phát triển ở các tế bào vú.
– Là bệnh lý ác tính thường gặp nhất, chiếm 18% ung thư ở phụ nữ, và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ trong độ tuổi từ 40-50 tuổi.
– Tỉ lệ mắc bệnh đang có xu hướng ngày càng tăng.
2. Tầm soát ung thư vú là gì? Tại sao cần phải tầm soát?
– Tầm soát ung thư vú là tìm ra ung thư vú trước khi bệnh thể hiện ra ngoài bằng các triệu chứng như sờ thấy khối u.
– Khả năng sống sau 5 năm của ung thư vú tuỳ thuộc vào giai đoạn ung thư lúc phẫu thuật. Vì thế, tầm soát ung thư vú đóng vai trò quan trọng trong phát hiện và điều trị sớm ung thư vú.
– Có nhiều phương pháp tầm soát như tự khám vú, khám lâm sàng tuyến vú, sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên việc áp dụng phương pháp sàng lọc cụ thể sẽ phụ thuộc vào nhóm đối tượng và khả năng của cơ sở y tế.
3. Ung thư vú có di truyền không?
– Trong các trường hợp ung thư vú thì chỉ có khoảng dưới 15% phụ nữ có yếu tố gia đình (người thân bị ung thư vú).
– Gen bệnh lý nhận được từ di truyền làm tăng nguy cơ ung thư thường gặp nhất là các đột biến gen BRCA1 và BRCA2.
4. Các yếu tố nguy cơ của ung thư vú?
– Gia tăng tuổi tác: Nguy cơ ung thư vú gia tăng theo độ tuổi.
– Bệnh lý lành tính tuyến vú bao gồm tăng sản không điển hình ống tuyến.
– Tiền sử bản thân về ung thư vú: Nếu bệnh nhân đã từng bị ung thư ở một bên vú, bệnh nhân sẽ dễ có nguy cơ bị ung thư ở bên vú còn lại.
– Yếu tố liên quan tiền sử gia đình: Nếu mẹ, chị hoặc con gái của bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư vú, đặc biệt là khi còn trẻ, nguy cơ của bệnh nhân sẽ tăng gấp 2-3 lần.
– Yếu tố liên quan phơi nhiễm bức xạ: nếu bệnh nhân có điều trị bức xạ vùng ngực khi còn nhỏ, trẻ tuổi nguy cơ ung thư vú của bệnh nhân sẽ tăng.
– Yếu tố liên quan chế độ dinh dưỡng:
+ Béo phì.
+ Chế độ ăn nhiều dầu mỡ.
+ Uống nhiều rượu, hút thuốc lá.
– Các yếu tố liên quan đến sinh nở và hocmon
+ Bắt đầu thời kỳ kinh nguyệt ở độ tuổi nhỏ hơn so với bình thường, đặc biệt trước 11 tuổi.
+ Bắt đầu thời kỳ mãn kinh ở độ tuổi lớn hơn thông thường.
+ Có con đầu tiên ở độ tuổi lớn hơn hơn thông thường.
+ Chưa từng mang thai: Phụ nữ chưa từng mang thai có nguy cơ ung thư vú cao hơn những phụ nữ đã từng mang thai một hoặc hai lần.
+ Liệu pháp nội tiết tố sau mãn kinh: Phụ nữ sử dụng thuốc nội tiết tố có kết hợp estrogen và progesterone nhằm điều trị các dấu hiệu và triệu chứng mãn kinh có nguy cơ ung thư vú tăng.
+ Thuốc tránh thai đường uống: phụ nữ đang sử dụng hoặc đã ngừng dưới 10 năm có tăng nhẹ nguy cơ.
5. Những đối tượng cần sàng lọc ung thư vú?
– Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
– Gia đình có tiền sử bị ung thư vú, ung thư buồng trứng (bà ngoại, mẹ, dì, con gái).
– Người được xác định có đột biến gen di truyền BRCA1 và BRCA2.
– Có người thân (bố mẹ ruột, anh chị em hoặc con ruột có đột biến gen BRCA1 và BRCA2).
– Có điều trị xạ vùng ngực trong giai đoạn từ 10-30 tuổi.
6. Các kỹ thuật hình ảnh giúp sàng lọc ung thư vú là gì?
6.1. Chụp nhũ ảnh (Mammography)
– Được xem là tiêu chuẩn vàng trong sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, giúp làm giảm tỷ lệ tử vong.
– Là phương pháp sử dụng tia X để thu hình ảnh bên trong vú.
– Độ nhạy của nhũ ảnh là 80 – 94% và sẽ tăng lên theo tuổi.
– Độ nhạy sẽ giảm đáng kể ở những phụ nữ trẻ tuổi và người có mô vú đặc.
6.2. Siêu âm
– Siêu âm vú là phương pháp đơn giản, tiện lợi trong chẩn đoán bệnh lý tuyến vú, có thể ghi lại hình ảnh của những vùng vú khó nhìn thấy bằng chụp nhũ ảnh.
– Là phương pháp sàng lọc dành cho phụ nữ trẻ tuổi và phụ nữ có mô vú đặc.
– Siêu âm hỗ trợ cho nhũ ảnh trong trường hợp cần phân biệt giữa u nang và khối đặc.
– Siêu âm hỗ trợ cho việc hướng dẫn chọc hút tế bào và sinh thiết.
6.3. Chụp cộng hưởng từ (MRI)
– Là phương pháp khảo sát hình ảnh tuyến vú rất hữu ích trong việc tìm kiếm những bất thường không thể nhìn thấy bằng chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm.
– Được sử dụng ở những phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú.
6.4. Xét nghiệm gen BRCA1, BRCA2
– BRCA1 và BRCA2 là các gen ức chế khối u, giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tăng trưởng không kiểm soát của các tế bào, dẫn đến việc xuất hiện các khối u gây ung thư.
– Xét nghiệm gen ung thư vú (BRCA) là xét nghiệm máu để kiểm tra sự thay đổi đột biến trong các gen được gọi là BRCA1 và BRCA2, giúp biết nguy cơ bị ung thư vú và ung thư buồng trứng.
– Phù hợp cho đối tượng:
+ Có người thân ruột thịt bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng.
+ Những bệnh nhân đã mắc một trong những ung thư này.
6.5. Bạn có thể khám vú tại nhà bằng cách nào?
– Tự khám vú được thực hiện ít nhất là một lần mỗi tháng, tốt nhất là vào ngày thứ 8 của chu kỳ.
– Bao gồm: tự quan sát và tự sờ nắn.
– Tự quan sát tốt nhất là đứng trước gương, ở nhiều tư thế nhằm bộc lộ các bất thường:
+ Hai tay để sau gáy.
+ Hai tay chống trên hông.
+ Hai tay buông xuôi theo thân.
Cách tự kiểm tra vú tại nhà
– Tự sờ nắn: được thực hiện lúc tắm, khi nằm thư giãn:
+ Bước 1: Nhìn
Cởi áo ra, ngồi thẳng lưng hoặc đứng trước gương với tư thế xuôi hai tay và quan sát tuyến vú 2 bên. Tìm xem những dấu hiệu bất thường như: thay đổi kích thước, hình dạng và sự đối xứng của 2 vú, da vú dúm dó, lõm xuống, nổi sẩn.
+ Bước 2: Nhìn
Hai cánh tay dang rộng, bàn tay để sau đầu. Tìm các dấu hiệu bất thường của vú như bước đầu tiên.
+ Bước 3: Khám
Nằm ngửa trên giường, đưa tay trái ra sau gáy, dùng tay phải khám ngực trái.
Dùng 3 ngón tay xòe thẳng, vừa ấn nhẹ lên bầu vú, vừa xoay tròn tìm khối u hoặc mảng dày bất thường. Bắt đầu từ trong núm vú di chuyển theo hình xoắn ốc.
– Bước 4: Khám nách
Di chuyển dần lên vùng nách tới hõm nách tìm u cục, hạch bất thường.
– Bước 5: Kiểm tra núm vú
Dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp nhẹ đầu núm vú xem có dịch bất thường chảy ra hay không.
– Khám tương tự với vú còn lại.
7. Các dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay?
– Sờ thấy khối u bất thường ở vú.
– Đau vùng ngực: vùng ngực có cảm giác đau âm ỉ, không có quy luật rõ ràng.
– Thay đổi vùng da: hầu hết những người mắc phải căn bệnh này thường thay đổi màu sắc và tính chất da ở vùng ngực. Vùng da thường có thể xuất hiện nhiều nếp nhăn hoặc lõm giống như lúm đồng tiền.
– Núm vú tiết dịch bất thường (có thể tiết dịch máu) hoặc tụt núm vú.
– Sưng hoặc nổi hạch nách.
Đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa tại FAMILY có trình độ chuyên môn cao, tận tâm giàu kinh nghiệm. Thường xuyên cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật y tế tiến tiến nhất trong điều trị bệnh lý phụ khoa cùng với sự hỗ trợ của hệ thống phòng bệnh tiện nghi và chế độ chăm sóc đặc biệt giúp chăm sóc phục hồi sức khỏe toàn diện cho chị em phụ nữ và sản phụ.