1. Bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì?
– Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên.
– Trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Aedes Aegypti.
– Bệnh xảy ra quanh năm và thường gia tăng vào mùa mưa.
– Gặp ở cả trẻ em và người lớn.
– Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
2. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết
– Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.
– Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
– Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
– Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây,… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa,…
– Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.
Muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết
3. Những triệu chứng và các giai đoạn bệnh
– Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
+ Giai đoạn ủ bệnh: 3-10 ngày có thể kéo dài đến 14 ngày.
+ Giai đoạn sốt: Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Da xung huyết. Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
+ Giai đoạn nguy hiểm: Thường xảy ra vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh còn sốt hoặc đã giảm sốt. Có thể có các biểu hiện lừ đừ, phù mi mắt, tràn dịch màng phổi, màng bụng, gan to, có thể đau, dấu hiệu của xuất huyết da niêm và tạng.
+ Giai đoạn hồi phục: Sau 24-48 giờ của giai đoạn nguy hiểm. Người bệnh hết sốt, tổng trạng tốt lên, thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều.
Phòng bệnh bằng cách uống nhiều nước, tốt nhất là uống Oresol
4. Những biến chứng có thể gặp?
Trong giai đoạn nguy hiểm có thể gặp các biến chứng sau:
– Xuất huyết niêm mạc mũi, miệng, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng,…
– Sốc giảm thể tích do thoát huyết tương, hoặc mất máu cấp .
– Suy gan, thận, thậm chí tử vong.
5. Các phương pháp điều trị thế nào?
– Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên điều trị chủ yếu của bệnh là điều trị triệu chứng.
– Thời gian điều trị: Từ 7 – 10 ngày tính từ ngày sốt đầu tiên.
+ Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây.
+ Khi người bệnh sốt: Lau mát, uống thuốc hạ sốt Paracetamol. Không dùng Aspirin, Ibuprofen để điều trị sốt.
+ Nếu xuất hiện biến chứng thì tuỳ mức độ có thể áp dụng các phương thức điều trị khác nhau như: bù dịch, truyền dịch chống sốc, truyền máu và các chế phẩm của máu,…
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được lấy máu để làm xét nghiệm: công thức máu, chức năng gan, thận,… Tuỳ vào tình trạng bệnh mà số lần xét nghiệm trong ngày có thể nhiều hơn 1 lần.
6. Cách thức phòng bệnh và chăm sóc khi mắc bệnh
6.1. Cách thức phòng bệnh
Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tránh muỗi đốt và diệt muỗi bằng cách:
+ Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng,bọ gậy.
+ Phòng chống muỗi đốt: Mặc áo dài tay, ngủ trong mùng, màn, dùng bình xịt diệt muỗi, tẩm hóa chất diệt muỗi lên mùng, màn,…
+ Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6.2. Cách thức chăm sóc và theo dõi
– Chế độ dinh dưỡng:
+ Nên: Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ dinh dưỡng, ăn mỗi lần một ít, tăng cường uống nhiều nước, tốt nhất là Oresol.
+ Không nên: Ăn thức ăn hay nước uống có màu nâu hoặc đỏ (huyết động vật, sô cô la, cà phê, nước xá xị, các loại đậu sẫm màu,…), vì dễ gây nhầm với triệu chứng xuất huyết tiêu hoá.
– Các dấu hiệu cần chú ý và theo dõi:
+ Theo dõi thân nhiệt tối thiểu 3 lần/ ngày, số lượng nước tiểu trong24 giờ mỗi ngày, tình trạng đau bụng, nôn, tiêu chảy,…
+ Chú ý tình trạng tri giác: tỉnh táo hay kích thích, lơ mơ,… và tình trạng xuất huyết ( nếu có): như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu âm đạo, đi cầu ra máu, đi cầu phân đen, nôn ra máu, tiểu ra máu,…
7. Cần lưu ý những dấu hiệu nào để tái khám?
– Tự nhiên bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì .
– Nôn tăng.
– Tự dưng kêu đau bụng hoặc tăng cảm giác đau.
– Tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn.
– Chảy máu bất kỳ chỗ nào: chân răng, máu cam, chảy máu âm đạo,…