Suy thận cấp – Những điều cần lưu ý

1. Suy thận cấp là gì?
Suy thận cấp là hội chứng gây ra bởi nhiều nguyên nhân, có thể là nguyên nhân ngoài thận hoặc tại thận, làm suy sụp hoặc mất chức năng tạm thời, cấp tính của cả hai thận, do ngừng hoặc suy giảm nhanh chóng mức lọc cầu thận.
Suy thận cấp có tỉ lệ tử vong cao, nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì chức năng thận có thể hồi phục hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn.

2. Nguyên nhân gây suy thận cấp?
Nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy thận cấp tính. Tuy nhiên, có thể chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính là nguyên nhân trước thận, nguyên nhân tại thận, nguyên nhân sau thận.
Nguyên nhân suy thận cấp trước thận:
– Xuất huyết.
– Mất dịch qua đường tiêu hóa: ói, tiêu chảy…
– Mất dịch qua thận: thuốc lợi tiểu, đái tháo đường (lợi tiểu thẩm thấu), đái tháo nhạt, suy thượng thận…
– Mất nước qua khoang thứ ba: bỏng, viêm tụy, viêm phúc mạc, giảm albumin nặng…
– Mất qua da: bỏng, đổ mồ hôi, tăng thân nhiệt
– Lượng nhập giảm: ăn uống ít, rối lọan tâm thần.
– Giãn mạch hệ thống trong sốc (sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng).
– Bệnh mạch máu lớn gồm kẹp động mạch chủ khi phẫu thuật, phình tách động mạch chủ, huyết khối tắc mạch, tắc hoặc hẹp động tĩnh mạch thận.
Nguyên nhân suy thận cấp tại thận:
– Bệnh cầu thận nguyên phát, nguyên nhân suy thận cấp có thể là biến chứng của viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu.
– Bệnh cầu thận thứ phát: Viêm cầu thận lupus trong đợt tiến triển cấp tính. Hội chứng Goodpasture…
– Các nguyên nhân gây viêm ống kẽ thận cấp tính: Truyền nhầm nhóm máu ABO, nhiễm độc, hóa chất…
– Chấn thương thận.
– Tắc mạch thận do xơ vữa động mạch, huyết khối…
Nguyên nhân suy thận cấp sau thận:
– Sỏi bể thận, sỏi niệu quản.
– Khối u chèn ép: u bàng quang, u niệu quản
– Nguyên nhân do viêm xơ, chít hẹp đường tiết niệu

3. Triệu chứng bệnh suy thận cấp?
Triệu chứng của suy thận cấp tiến triển qua 4 giai đoạn:
– Giai đoạn khởi đầu: Đây là giai đoạn tấn công của các tác nhân gây bệnh. Diễn biến dài ngắn tùy theo từng nguyên nhân.
– Giai đoạn đái ít, vô niệu: Vô niệu có thể diễn biến từ từ, bệnh nhân có thể đái ít dần rồi vô niệu nhưng nguyên nhân vô niệu, có thể xảy ra đột ngột, nhất là trong trường hợp ngộ độc hoặc do các nguyên nhân cơ giới.
– Giai đoạn tiểu trở lại: Số lượng nước tiểu tăng nhanh dần có trường hợp tiểu 4 – 5 lít/ ngày hoặc hơn, kéo dài 5 – 7 ngày. Urê, Creatinin máu giảm dần, Urê và Creatinin niệu tăng dần, suy thận chuyển sang giai đoạn hồi phục.
– Giai đoạn hồi phục: Khả năng cô đặc nước tiểu của ống thận tốn rất nhiều thời gian có khi tới hàng năm mới hồi phục hoàn toàn, mức lọc cầu thận hồi phục nhanh hơn. Thường sang tháng thứ hai đã có thể bình thường, sự hồi phục nhanh, chậm tùy thuộc vào từng nguyên nhân, chế độ điều trị trung bình khoảng 4 tuần.

4. Đối tượng nguy cơ suy thận cấp?
– Những người lớn tuổi.
– Tăng huyết áp.
– Đái tháo đường.
– Bệnh tim mạch.
– Bệnh lý ở gan, thận.
– Bệnh lý mạch máu.

5. Các phương pháp chẩn đoán suy thận cấp?
– Tìm được nguyên nhân có thể gây suy thận cấp (tuy nhiên đôi khi không tìm được nguyên nhân).
– Có tình trạng vô niệu hoặc thiểu niệu xảy ra ở mức độ cấp tính.
– Tốc độ gia tăng creatinin huyết thanh > 42.5 μmol trong vòng 24 – 48 giờ so với creatinin nền, nếu creatinin nền của người bệnh < 221 μmol/l. Hoặc: Tốc độ gia tăng creatinin huyết thanh > 20% trong vòng 24 – 48 giờ so với creatinin nền, nếu creatinin nền của người bệnh > 221 μmol/l.
– Mức lọc cầu thận giảm < 60ml/ph, xảy ra sau tình trạng vô niệu. Kali máu thường tăng.
– Có thể có toan chuyển hoá.

6. Điều trị suy thận cấp?
– Nhanh chóng loại bỏ nguyên nhân gây suy thận cấp nếu có (tuỳ từng nhóm nguyên nhân mà có biện pháp điều trị phù hợp).
– Điều chỉnh các rối loạn tuần hoàn, trong đó quan trọng nhất là phục hồi lại lượng máu và dịch, duy trì huyết áp tâm thu 100 – 120mmHg.
– Phục hồi lại dòng nước tiểu
– Điều chỉnh các rối loạn nội môi do suy thận cấp gây ra
– Điều trị triệu chứng phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.
– Chỉ định lọc máu ngoài thận khi cần thiết.
– Chú ý chế độ dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.

7. Các biện pháp phòng ngừa suy thận cấp?

– Có lối sống lành mạnh khoa học: Ăn uống đủ chất, hạn chế muối, hạn chế chất béo, uống đủ nước hàng ngày, tập thể dục đều đặn, hạn chế bia rượu, kiêng thuốc lá.
– Khám sức khỏe định kỳ, hoặc đi khám khi bản thân có các dấu hiệu bất sức khỏe bất thường, việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp thận phục hồi được hoàn toàn.
– Điều trị tốt các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, u xơ tuyến tiền liệt,… các bệnh lý này có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng thận, do đó kiểm soát tốt các bệnh mạn tính là cách giúp phòng ngừa bệnh thận.
– Sử dụng các thuốc đúng liều lượng, hướng dẫn của nhân viên y tế. Thông báo cho thầy thuốc nếu có các vấn đề về sức khỏe gan, thận để được điều chỉnh liều, tránh nguy cơ quá liều làm tăng tác dụng phụ của thuốc.
– Ở các bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh thận từ trước, có bệnh mạn tính kèm theo như đái đường, suy gan, tăng huyết áp, suy đa tạng, chấn thương.. khi bị suy thận cấp, tiên lượng bệnh sẽ nặng và khó điều trị hơn. Do đó, trước khi phẫu thuật cần phải dự phòng suy thận cấp cho bệnh nhân, bù đủ dịch và kiểm soát tốt huyết áp khi phẫu thuật.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...