1. Thai giáo là gì
– Thai giáo được hiểu đơn giản là sự gắn kết tình cảm với con và dạy con từ trong bụng mẹ, thai giáo mang đến những hiệu quả tích cực về phát triển thể chất cũng như trí tuệ của con.
– Y học đã chứng minh, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bố mẹ đã có thể tác động tới thai nhi thông qua 5 giác quan: mắt, mũi, tai, miệng và cảm xúc. Sự kết nối này giúp con yêu hình thành nhịp sinh học, dễ hòa nhập với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Có 2 phương pháp thai giáo áp dụng phổ biến:
+ Thai giáo trực tiếp: gồm những biện pháp tác động đến thai nhi thông qua các bài tập năm giác quan giúp thai nhi tiếp nhận những cảm xúc tích cực như vui vẻ, hưng phấn.
+ Thai giáo gián tiếp: thông qua việc chăm sóc trực tiếp cơ thể người mẹ như dinh dưỡng, vận động, tinh thần, gián tiếp giúp thai nhi tiếp nhận được mọi hành động, suy nghĩ và cảm xúc của mẹ bầu.
2. Thai giáo trực tiếp
2.1. Thính giác
– Từ lúc được 4 tuần tuổi, thai nhi đã bắt đầu phát triển thính giác. Sang tuần thứ tám, tai ngoài hình thành và đến tuần 16 bắt đầu phản ứng với âm thanh. Đến tuần 24 -25 hệ thống truyền âm thanh của thai nhi sẽ hoàn chỉnh.
– Bố mẹ có thể thai giáo âm thành bằng cách trò chuyện, kể chuyện, hát ru, cho con nghe nhạc.
– Khuyến khích bố nói chuyện với thai nhi. Việc thường xuyên nói chuyện, kể chuyện và hát cho thai nhi nghe có tác dụng giúp tăng tình cảm cha mẹ và con.
– Mặc dù cho thai nhi nghe nhạc là hình thức tốt cho phát triển trí não và tinh thần ở trẻ nhưng mẹ vẫn nên chú ý không để thai nhi nghe nhạc quá nhiều. Số lần và thời gian hợp lý cho thai nhi nghe nhạc vào khoảng 2 – 3 lần/ ngày, mỗi lần 10-20 phút.
2.2. Thị giác
– Bé phát triển thị giác từ tuần 26 của thai kỳ.
– Mẹ chọn chỗ ngồi thoải mái sau đó dùng đèn pin di chuyển dọc theo bụng. Tốc độ di chuyển chậm và nhẹ nhàng, chờ xem phản ứng của trẻ. Thời gian thực hiện 5 phút hoặc di chuyển 3 vòng.
– Mẹ vừa dùng đèn soi bụng và vừa nói chuyện với bé để bé cảm nhận được tình mẫu tử. Thai giáo bằng ánh sáng đúng cách có thể giúp kích thích thị giác của bé, là tiền đề vững chắc để bé có đôi mắt khỏe mạnh khi chào đời.
– Không sử dụng đèn có ánh sáng mạnh. Thời gian thai giáo bằng ánh sáng nên ngắn (khoảng 5 phút). Thực hiện 2 – 3 lần/ tuần để đạt hiệu quả tốt nhất cho bé.
2.3. Vị giác
– Vị giác của thai nhi hình thành và phát triển từ tuần thứ 13 của thai kỳ, đến tuần thứ 16, bé đã bắt đầu có gai lưỡi để cảm nhận các mùi vị khác nhau.
– Do vậy nếu muốn thai giáo vị giác cho thai nhi, từ lúc này mẹ cần lựa chọn những thức ăn bổ dưỡng cho cả mẹ và bé nhằm kích thích vị giác ở trẻ. Những mùi vị mẹ sử dụng hôm nay sẽ quyết định phần lớn đến sở thích về vị giác của bé khi lớn lên.
2.4. Xúc giác
– Ngay từ tháng thứ 4, thai nhi đã mút tay và tự xoay người được trong nước ối. Khi bé cử động, bề mặt da sẽ cảm nhận được sự tiếp xúc và truyền tín hiệu lên não. Do đó, thai nhi có thể nhận biết cảm giác dễ chịu, nhẹ nhàng hay quá mạnh.
– Khi thai nhi được 5 tháng tuổi, có hiện tượng đạp bụng mẹ (thai máy), thai phụ vỗ nhẹ hoặc xoa nhẹ vào vùng bụng bị đạp và xem phản ứng của thai nhi.
* Lưu ý: Mẹ không nên xoa/ vuốt mạnh tay nhiều lần trên thành bụng. Không nên dùng cả bàn tay mà chỉ dùng ngón tay vuốt nhẹ thành bụng từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, một hoặc hai lần một ngày và mỗi lần không quá 10 phút… Mẹ bầu cần nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
2.5. Khứu giác
Từ tháng thứ 7, khứu giác của thai đã phát triển nhưng thai nằm trong buồng ối nên khứu giác chưa phát huy tác dụng. Mẹ nên chọn các loại thức ăn có mùi vị dễ chịu. Tránh dùng các đồ cay, nóng, nhiều gia vị gây khó chịu cho thai.
Vào tuần thứ 9 của thai kỳ, khoang mũi của bé đã được hình thành đầy đủ, các dây thần kinh kết nối khứu giác với não bộ bắt đầu làm việc từ tuần thứ 13. Tuần thứ 36 khứu giác của bé mới hoàn thiện và phản ứng với mùi qua nước ối của mẹ. Để kích thích, phát triển khứu giác của bé, mẹ nên tìm các loại hương dịu nhẹ, chiết xuất từ thiên nhiên.
3. Thai giáo gián tiếp
3.1. Thai giáo về mặt tinh thần
Trong quá trình mang thai, người mẹ cần chú ý giữ cho tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ, tạo cho mình môi trường nhẹ nhàng, loại bỏ những lo lắng và phiền não, sinh hoạt điều độ. Ngoài ra người mẹ nên thưởng thức những giai điệu âm nhạc du dương, cảnh đẹp của thiên nhiên, cùng những tác phẩm nghệ thuật tao nhã, nên đọc các bài thơ cùng những cuốn sách nói về giáo dục trẻ em.
3.2. Thai giáo về mặt dinh dưỡng
Bắt đầu từ thời điểm tiền mang thai đến khi thai nhi được hình thành, chế độ dinh dưỡng của người mẹ ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển của thai nhi. Mẹ bầu cần ăn đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, không nên kiêng khem quá mức. Áp dụng chế độ ăn uống khoa học và cần đạt mức tăng cân phù hợp trong thai kỳ.
Tài liệu tham khảo
1. Astralian Government Department of Health and Aged Care (2022), Bonding with your baby during pregnancy.
URL: https://www.pregnancybirthbaby.org.au/bonding-with-your-baby-during-pregnancy
2. Phạm Thị Thúy (2020), Thai giáo – Phương pháp khoa học dạy con từ trong bụng mẹ, Nhà xuất bản Phụ nữ.