I. TỔNG QUAN VỀ BỆNH LOÃNG XƯƠNG
1.1. Thực trạng:
Khi con người lão hóa – bộ xương cũng già cỗi theo tuổi của họ dẫn đến việc tổn hại cấu trúc của tổ chức xương làm xương giòn và dễ gãy, đó chính là loãng xương.
Loãng xương diễn biến tự nhiên và thầm lặng, triệu chứng lâm sàng không điển hình, người bệnh thường chủ quan cho
đến khi có biểu hiện lâm sàng hay gặp sự cố gãy xương thì khối lượng xương đã mất trên 30%.
Loãng xương ước tính ảnh hưởng đến 200 triệu phụ nữ trên toàn thế giới, hơn 75 triệu người ở Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Tỷ lệ loãng xương ở đàn ông Châu Á trên 50 tuổi là 12,6%.
Ở Việt Nam, con số loãng xương ước tính là 2,8 triệu người, chiếm 30% phụ nữ trên 50 tuổi.
Hậu quả quan trọng nhất của loãng xương là gãy xương. Sau khi bình phục bệnh nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong vận động. Họ không thể lao động bình thường như trước nhất là với người cao tuổi. Chất lượng cuộc sống bị suy giảm, nguy cơ gãy xương lần thứ hai rất cao và đặc biệt nguy hiểm nó còn làm tăng nguy cơ tử vong.
1.2. Khái niệm:
Loãng xương được biết đến từ thời Ai Cập cổ đại năm 990 – TCN. Tuy nhiên, định nghĩa về loãng xương được Tổ chức Y tế Thế giới chính thức đưa ra vào năm 1991, tại Thụy Sĩ, và tiếp tục hoàn thiện cập nhật vào năm 2001.
Loãng xương là một tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm giảm sức mạnh của xương dẫn đến làm tăng nguy cơ gãy xương.
Sức mạnh của xương được phản ánh thông qua hai yếu tố: khối lượng xương và chất lượng xương:
Vai trò của xương:
-Xương là nơi dự trữ calci, nguyên tố rất cần cho nhiều quá trình chuyển hóa của tế bào, đặc biệt là tế bào cơ.
-Xương luôn được đổi mới thông qua CHU CHUYỂN XƯƠNG (CCX là quá trình làm mới liên tục của xương với sự tham gia hoạt động của các tế bào và các yếu tố toàn thân và tại chỗ ( hormon, cytokines…).
1.3. Phân loại loãng xương:
Theo nguyên nhân, loãng xương được chia làm hai loại: Loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát:
1.3.1. Loãng xương nguyên phát:
Là loại loãng xương không tìm thấy căn nguyên nào khác ngoài tuổi tác và/hoặc tình trạng mãn kinh ở phụ nữ.
Cơ chế là do quá trình lão hóa của tạo cốt bào gây nên tình trạng mất cân bằng giữa huỷ xương và tạo xương, kết quả là thiểu sản xương.
LX nguyên phát gồm 2 týp:
+ Loãng Xương týp 1 (hay Loãng xương sau mãn kinh): nguyên nhân là do giảm nội tiết tố estrogen, ngoài ra còn có sự giảm tiết hormon tuyến cận giáp trạng, tăng thải calci niệu, suy giảm hoạt động của enzym 25-OH-vitamin D1- hydroxylase.
+ Loãng Xương týp 2 (hay loãng xương tuổi già): Là Loãng Xương liên quan tới tuổi và tình trạng mất cân bằng tạo xương. Thường xuất hiện ở độ tuổi khoảng trên 70. Cơ chế gây Loãng Xương là do tình trạng giảm hấp thu calci, giảm chức năng tạo cốt bào dẫn tới cường cận giáp thứ phát.
1.3.2. Loãng xương thứ phát:
Nguyên nhân liên quan đến một số bệnh mạn tính, liên quan đến sử dụng một số loại thuốc….:
– Bệnh nội tiết: Cường giáp, đái tháo đường, bệnh to đầu chi…
– Bệnh tiêu hóa: Cắt dạ dày, thiếu dinh dưỡng, bệnh gan mạn tính.
– Bệnh khớp: Viêm khớp dạng thấp, bệnh lý cột sống…
– Bệnh ung thư: Kahler…
– Bệnh di truyền: bệnh nhiễm sắc tố sắt…
– Những trường hợp sử dụng corticoid, heparin, dùng lợi tiểu kéo dài…
1.4. Điều trị
1.4.1. Mục tiêu điều trị:
Ngăn chặn tình trạng gãy xương bằng cách:
– Tăng cường khối lượng xương trong giai đoạn phát triển xương
– Ngăn chặn sự mất xương
– Phục hồi vô cơ hóa xương và cấu trúc xương đã có loãng xương.
1.4.2. Các biện pháp không dùng thuốc
Cần thay đổi lối sống, một số thói quen sinh hoạt là góp phần quan trọng vào việc tăng sức khỏe cho bộ xương của mỗi người.
– Tập luyện thể lực, thể thao thường xuyên:
+ Tập chịu đựng sức nặng của cơ thể như đi bộ, chạy bộ, khiêu vũ…
+ Tập sức mạnh cho cơ
– Đảm bảo chế độ ăn giàu canxi trong suốt cuộc đời.
-Tránh sử dụng chất kích thích như cà phê, rượu, bia, không hút thuốc lá…
1.4.3. Các biện pháp dùng thuốc
* Các thuốc chống hủy xương: Ức chế hoạt động của tế bào hủy xương
– Thuốc nhóm Biphosphonate: là nhóm thuốc lựa chọn đầu tiên để điều trị loãng xương ở người cao tuổi (> 60 tuổi), phụ nữ sau mãn kinh, sau dùng corticosteroid.
ví dụ: Fosamax(uống), Aclasta(truyền TM)….
– Chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen (SERMs) ví dụ: Raloxifen (Evista)
* Các nhóm thuốc khác:
– Nhóm thuốc tăng tạo xương và ức chế hủy xương
– Thuốc làm tăng quá trình đồng hóa
* Thuốc bổ xung bắt buộc:
– Đảm bảo đủ lượng canxi đưa vào cơ thể 1.000 – 1200mg/ ngày
– Đảm bảo đủ lượng vitamin D đưa vào cơ thể 800 – 1.000IU/ ngày
II. GIỚI THIỆU VỀ THUỐC FOSAMAX PLUS (70MG/2800IU)
2.1.Thành phần
Mỗi viên nén chứa:
-91.37mg muối natri alendronat trihydrat, tương đương với 70mg alendronic acid.
-70mcg colecalciferol tương đương với 2800 đơn vị vitamin D3.
-Tá dược vừa đủ.
2.2. Dược động học(Pharmacokinetics)
* Hấp thu(Absorption)
-Sinh khả dụng (Bioavailability)
+ Sinh khả dụng đường uống với những liều trong phạm vi từ 5 – 40 mg, uống sau 1 đêm nhịn ăn và 2 giờ trước một bữa ăn sáng chuẩn: Ở phụ nữ: F = 0.64%. Ở nam giới: F = 0.59%
+ Sinh khả dụng của thuốc giảm 40% khi dùng 0,5-1 giờ trước bữa ăn và 60% khi dùng với cà phê hoặc nước cam.
* Phân bố(Distribution)
-Thuốc được phân phối rộng rãi sau khi uống. Sau đó, phân phối lại nhanh chóng đến các mô xương.
-Thể tích phân bố: V ≥ 28lít
-Liên kết với protein huyết tương: khoảng 78%
* Chuyển hóa(Metabolism)
– Alendronate: không có bằng chứng về sự chuyển hóa.
– Vitamin D: chuyển hóa ở gan thành dạng có hoạt tính
* Thải trừ(Elimination)
– Thuốc được bài tiết chủ yếu qua nước tiểu
– Chu kỳ bán thải
+ Thời gian bán thải cuối phản ánh sự giải phóng khỏi xương của thuốc: T1/2 10 năm
– Ở bệnh nhân suy thận, độ thanh thải của thuốc có thể bị giảm.
2.3. Dược lực học
– Alendronate kết hợp vào xương và ức chế có chọn lọc sự tiêu xương qua trung gian hủy cốt bào theo cách thức phụ thuộc vào liều lượng.
– Alendronate làm tăng mật độ khoáng hóa của xương.
– Không hoạt động về mặt dược lý khi được kết hợp vào chất nền xương.
– Một liều dùng liên tục cho tác dụng dược lý.
2.4. Công dụng – Tác dụng
– Alendronate là một aminobisphosphonat có tác dụng ức chế tiêu xương đặc hiệu. Alendronate tích tụ chọn lọc ở các vị trí tiêu xương đang hoạt động=> ức chế sự hoạt động của các hủy cốt bào.
– Phòng ngừa loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh với các yếu tố nguy cơ phát triển loãng xương. Các yếu tố nguy cơ bao gồm suy buồng trứng sớm; tiền sử gia đình bị loãng xương; khung thân nhỏ, mỏng; rối loạn nội tiết (ví dụ, nhiễm độc giáp, cường cận giáp, hội chứng Cushing, tăng prolactin máu, đái tháo đường phụ thuộc insulin); hút thuốc lá; sử dụng rượu quá mức; lối sống ít vận động; trọng lượng cơ thể thấp; khối lượng cơ thể thấp vừa phải; chế độ ăn uống ít canxi.
– Điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh và loãng xương ở nam giới.
– Dạng kết hợp cố định Alendronate / cholecalciferol không được khuyến cáo để điều trị thiếu vitamin D.
2.5. Tác dụng phụ
2.6. Chỉ định
– Điều trị loãng xương sau mãn kinh ở phụ nữ có nguy cơ thiếu vitamin D. FOSAMAX PLUS giảm nguy cơ gãy xương cột sống và xương hông.
– Điều trị loãng xương ở nam giới để phòng ngừa gãy xương và để giúp đảm bảo đủ vitamin D.
2.7. Chống chỉ định
– Dị dạng thực quản làm chậm tháo sạch thực quản thí dụ hẹp hoặc không giãn tâm vị thực quản.
– Không có khả năng đứng hoặc ngồi thẳng trong ít nhất 30 phút.
– Quá mẫn với bisphosphonat hoặc với bất kỳ thành phần nào trong chế phẩm.
– Giảm calci máu.
2.8. Liều dùng và cách dùng
2.8.1. Liều dùng
-Điều trị loãng xương: Liều khuyến cáo là 1 viên 70mg/2800IU hoặc 1 viên 70mg/5600IU một lần mỗi tuần.
– Phòng ngừa loãng xương sau mãn kinh: 35mg x 1 lần/tuần
– Người bệnh cần bổ sung canxi và/hoặc vitamin D nếu lượng bổ sung chế độ ăn không đủ.
– Không khuyến cáo dùng FOSAMAX PLUS cho người bệnh suy thận nặng hơn (độ thanh thải <35 mL/minute)
2.8.2. Cách dùng
– Uống thuốc sau khi thức dậy vào buổi sáng và ít nhất 30 phút trước bất kỳ loại thức ăn, đồ uống hoặc các loại thuốc khác.
– Uống thuốc FOSAMAX PLUS với một ly nước đầy, khi bụng đói.
– Nuốt toàn bộ viên thuốc. Không ngậm hoặc nhai viên thuốc vì có thể gây rát cổ họng.
– Không nằm hay ngồi xuống ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc và trước khi ăn thức ăn đầu tiên trong ngày.
2.9. Lưu ý
– Không dùng nước khoáng, cà phê, trà hoặc nước trái cây để uống thuốc => cơ thể giảm hấp thụ thuốc.
– Phải có chế độ ăn uống cân bằng, đủ lượng canxi và vitamin D .
– Không dùng bất kỳ loại thực phẩm, đồ uống hoặc chất bổ sung canxi nào trong vòng 30 phút sau khi dùng thuốc.
– Tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
– Không ngừng sử dụng thuốc đột ngột mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.
III. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Vũ Thị Thanh Hoa, Bệnh loãng xương(osteoporosis): một số điều cần biết [online], viewed 05/09/2020, from : < http://benhvien108.vn/benh-loang-xuong-osteoporosis-:-mot-so-dieu-can-biet.htm >.
[2]. Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Đình Nguyên (2007). Loãng xương- Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa, NXB Y Học.
[3]. Gerald K. McEvoy, Pharm.D (2011). AHFS Drug Information Essentials [online], American Society of Health- System Pharmacists® Bethesda, Maryland, viewed 05/09/2020, from: < www.ahfsdruginformation.com>.
[4]. Bệnh viện Bạch Mai (2006), Dược Thư Quốc Gia Việt Nam [online], Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, viewed 05/09/2020, from : <duoc_thu_VN.chm>.
[5]. Drugsite Trust (2000), Fosamax Plus: Drug Infomations [online], viewed 05/09/2020, from :< https://www.drugs.com/international/fosamax-plus.html>.