Tiền sử băng huyết sau sinh

1. Định nghĩa
– Băng huyết sau sinh (BHSS) là tình trạng chảy máu với số lượng từ 500 ml trở lên khi sản phụ sinh thường đường âm đạo và khoảng 1000ml trở lên khi mổ lấy thai.
– Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) lại định nghĩa băng huyết sau sinh là khi lượng máu sản phụ mất ≥ 1000 ml hoặc việc mất máu kèm theo các dấu hiệu và triệu chứng của giảm thể tích tuần hoàn trong vòng 24h sau sinh bất kể sinh thường hay sinh mổ.
– BHSS là tai biến sản khoa thường gặp nhất và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở sản phụ. Tỷ lệ BHSS khoảng 3-8% tổng số các trường hợp sinh.
– BHSS có nhiều nguyên nhân khác nhau, được chia làm 4 nhóm:
(1) Đờ tử cung
(2) Các bất thường về bong, sổ nhau
(3) Chấn thương đường sinh dục
(4) Rối loạn đông máu
– Những trường hợp lần sinh trước có BHSS thì lần sinh này có nguy cơ BHSS cao hơn gấp 2,2 lần so với những thai phụ bình thường.

2. Những việc cần làm nếu lần mang thai trước có băng huyết sau sinh
2.1. Những việc thai phụ cần thực hiện
– Thông báo với bác sỹ về tiền sử băng huyết sau sinh ở lần sinh trước.
– Khám thai định kỳ đầy đủ.
– Bổ sung sắt, acid folic theo chỉ dẫn của bác sĩ để phòng ngừa thiếu máu, có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, lao động nhẹ nhàng.
– Trong quá trình khám thai, bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân gây ra BHSS ở lần sinh trước. Chính vì vậy bên cạnh các xét nghiệm thường quy trong thai kỳ, sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm về huyết học như chức năng gan thận, chức năng đông chảy máu.
– Nếu có dự định sinh tiếp cần tham khảo ý kiến bác sĩ để chuẩn bị và phòng ngừa băng huyết trong lần mang thai tiếp theo.

2.2. Xử trí của nhân viên y tế
– Trước khi sinh: Đánh giá các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn như thai to, đa thai, đa ối, các yếu tố liên quan đến chức năng đông chảy máu.
– Trong quá trình sinh: Theo dõi sát quá trình sinh, thời gian chuyển dạ, chuẩn bị các phương tiện can thiệp kịp thời nếu có tình trạng BHSS diễn ra như: Dịch truyền, thuốc tăng go, máu dự phòng,…
– Sau sinh: Xử trí tích cực giai đoạn III, thăm khám sản phụ khoa định kỳ, theo dõi sát trong thời gian hậu sản.

* Nếu băng huyết do đờ tử cung:
– Xoa bóp tử cung và sử dụng thuốc tăng co bóp để kích thích tử cung co thắt;
– Sử dụng thuốc co hồi tử cung bao gồm oxytocin, methylergonovine, prostaglandin;
– Truyền máu, dịch và các chế phẩm của máu;
– Trong trường hợp nặng, điều trị bao gồm:
+ Phẫu thuật kẹp mạch máu tử cung gây chảy máu
+ Tắc động mạch tử cung: đưa các mảnh nhỏ vào động mạch tử cung để ngăn máu đến tử cung.
– Trong một số trường hợp có thể phải phẫu thuật để cấm máu hoặc cắt tử cung để điều trị.

* Nếu băng huyết do bất thường về bong, sổ nhau:
– Với trường hợp băng huyết do nhau không bong: Nếu chảy máu, tiến hành bóc nhau và kiểm soát tử cung, xoa đáy tử cung, hồi sức chống choáng, dùng kháng sinh.
– Nếu sản phụ bị nhau cài răng lược bán phần chảy máu hoặc nhau cài răng lược toàn phần cần phải cắt tử cung để xử trí.
– Nếu chảy máu nhiều, cần phải hồi sức chống choáng, truyền máu và phẫu thuật. Duy trì go tử cung theo nguyên tắc chung.

* Nếu băng huyết do chấn thương đường sinh dục:
– Khâu phục hồi đường sinh dục.
– Nếu bị tụ máu, tùy theo vị trí, kích thước và sự tiến triển của khối máu tụ, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp xử trí thích hợp.

* Nếu băng huyết do rối loạn đông chảy máu:
– Điều trị nội khoa cho thai phụ bằng truyền máu, các yếu tố đông máu và điều trị từ nguyên nhân.

3. Tầm quan trọng của việc bổ sung sắt và nước cho sản phụ bị băng huyết sau sinh
– Việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong thời kỳ chu sinh (tuần thai thứ 28 đến tuần đầu tiên sau sinh) có vai trò vô cùng quan trọng. Không chỉ để nuôi dưỡng thai nhi khoẻ mạnh mà còn để cung cấp dinh dưỡng cho bà mẹ trong giai đoạn sau sinh.

Bổ sung sắt đóng một vai trò quan trọng cho sức khỏe của mẹ sau sinh

– Sắt được sử dụng để tạo ra huyết sắc tố, một phần của tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Là một thành phần quan trọng trong máu. Khi mất máu quá nhiều trong quá trình sinh, lượng máu tổng thể cũng như tất cả các thành phần của máu sẽ giảm, dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.
Các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt bao gồm:
– Triệu chứng nhẹ như mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung, giảm khả năng lao động hoặc nặng hơn như: hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi lao động gắng sức, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Việc thiếu máu thiếu sắt chồng lấp lên các tình trạng khác như tâm lý mới làm mẹ, áp lực, stress… sẽ làm cho các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt trầm trọng hơn.
– Chế độ ăn uống, bổ sung các chất dinh dưỡng dự trữ, đặc biệt là sắt đóng một vai trò quan trọng trong việc hồi phục sau xuất huyết sau sinh.
– Sắt dạng Heme: dạng sắt có giá trị sinh học cao, khả năng hấp thụ cao được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc động vật, các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt nai, thịt cừu và nội tạng động vật như gan
– Sắt không phải dạng Heme: dù không dễ hấp thụ như sắt dạng Heme nhưng vẫn rất có lợi cho cơ thế. Được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật như bánh mỳ, ngũ cốc, rau quả, đậu lăng, rau bina (rau lá xanh đậm) và hạt điều… Có thể chế biến bằng cách xay sinh tố, salad là những cách tuyệt vời để tận dụng những thực phẩm đó.
– Để tăng cường hấp thu sắt không phải heme từ thực phẩm, nên sử dụng đồng thời các thực phẩm giàu vitamin C. Thực phẩm chứa vitamin C bao gồm bưởi, ổi, cam quýt, ớt và bông cải xanh.
– Ngoài ra, nên tránh sử dụng sữa cùng lúc với thực phẩm giàu chất sắt vì canxi có thể ức chế quá trình hấp thụ sắt.

Lưu ý: Liên quan đến chế độ ăn giàu chất sắt, bổ sung sắt, táo bón là một tác dụng phụ thường gặp. Sản phụ có thể xuất hiện các triệu chứng như đi cầu phân đen, đổi màu răng,….
– Để phòng ngừa táo bón nên áp dụng một chế độ ăn nhiều chất xơ, bổ sung các loại thực phẩm như trái cây và rau quả, luyện tập thể lực phù hợp với độ tuổi và tạo thói quen đại tiện đúng giờ sẽ giúp cải thiện các triệu chứng.
– Đảm bảo cung cấp đủ nước là cực kỳ quan trọng đối với bà mẹ có băng huyết sau sinh. Uống nhiều hơn mức trung bình sẽ có lợi cho quá trình phục hồi lượng máu, uống nhiều nước hơn nữa nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ. Có thể sử dụng: nước lọc, nước pha trái cây, trà thảo mộc, nước dừa.

Tài liệu tham khảo:
1. https://www.merckmanuals.com/professional/hematology-and oncology/anemias-caused-by-deficient-erythropoiesis/iron-deficiency-anemia
2. Johnson-Wimbley TD, Graham DY. Diagnosis and management of iron deficiency anemia in the 21st century. Therapeutic Advances in Gastroenterology. 2011;4(3):177-184. doi:10.1177/1756283X11398736.
3. https://ods.od.nih.gov/factsheets/Iron-HealthProfessional/
4. Nichols, Lily. Real Food for Pregnancy: The Science and Wisdom of Optimal Prenatal Nutrition. USA; 2018.
5. Association of Ontario Midwives: “Life after postpartum hemorrhage Recovering from the unexpected”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...