Trám răng – Những điều cần biết

1. Trám răng là gì?
– Trám răng là một thủ thuật nha khoa, giúp phục hồi lại hình dáng và chức năng của răng bằng các vật liệu nhân tạo thích hợp.

2. Chỉ định trám răng trong trường hợp nào?
– Răng bị sâu.
– Răng bị mòn cổ.
– Răng bị mẻ, gãy, vỡ.
– Răng bị thưa, dị dạng.
– Các trường hợp khác: Răng bị vỡ, bong sút miếng trám,…

3. Chống chỉ định trám răng trong trường hợp nào?
– Bệnh nhân bị dị ứng với các vật liệu trám (GIC, Composite, Eugenate,…)
– Phần mất mô răng ở những vị trí thẩm mỹ mà trám không thể đạt thẩm mỹ như mong muốn.
– Răng bị nứt, vỡ mất mô răng quá nhiều mà trám không đảm bảo sự bền vững, cần có hình thức xử lý khác bền hơn.
– Răng bị nứt, vỡ mất mô răng quá nhiều vào đến tuỷ, cần điều trị tủy hoặc che tủy trước khi trám nếu không sẽ gây hiện tượng đau nhức và viêm tủy.
– Bệnh nhân không hợp tác.

4. Thời gian điều trị mất bao lâu?
– Thủ thuật trám răng có thể kéo dài từ 10- 45 phút cho một răng.
– Tuỳ thuộc vào các yếu tố:
+ Đặc trưng răng sữa hay răng vĩnh viễn.
+ Trám răng thẩm mỹ hay răng thường.
+ Khoang sâu đơn giản hay phức tạp, răng ngoài hay răng trong.
+ Vị trí lỗ sâu mặt nhai hay mặt bên.
+ Vật liệu trám răng: GC9 GC2, Composite, Eugenate,…
+ Sự hợp tác của bệnh nhân.

5. Quy trình điều trị?
– Thăm khám xác định vị trí và mức độ của lỗ sâu.
– Làm sạch lỗ sâu và lấy bỏ hết phần men không có ngà nâng đỡ.
– Đối với răng có nhu cầu thẩm mỹ, phần ngà cứng chắc nhưng đã đổi màu sậm trên răng cũng sẽ được loại bỏ.
– Etching và bonding nếu trám bằng vật liệu Composite.
+ Etching: Làm mất khoáng bề mặt men/ngà bằng dung dịch acid.
+ Bonding: Liên kết mô răng với vật liệu trám, bằng các mononer kỵ nước.
– Sát khuẩn xoang trám.
– Trám lót nếu lỗ sâu quá lớn, sát tủy hoặc có nhiều loại chất trám không tương thích với nhau.
– Đặt vật liệu trám vào xoang, nhồi chặt và tạo hình khi chất trám chưa đông cứng hoàn toàn.
– Chờ vật liệu tự đông cứng hoặc chiếu đèn huỳnh quang.
– Kiểm tra, điều chỉnh và đánh bóng miếng trám.

6. Biến chứng xảy ra nếu không điều trị?
– Lỗ sâu sẽ mở rộng, nhồi nhét thức ăn, gây khó chịu hoặc đau nhức, đôi khi gây nứt hoặc vỡ răng.
– Gây mất thẫm mỹ đối với các răng phía trước.
– Tiến triển nặng hơn sẽ gây nên các bệnh lý về tủy răng, bệnh lý nha chu, bệnh lý về các vùng quanh chóp răng,… thậm chí mất răng sớm.

7. Biến chứng có thể gặp sau điều trị?
– Những biểu hiện tạm thời, hết sau vài ngày, vài tuần:
+ Cảm giác cộm vướng.
+ Trong trường hợp lỗ sâu quá lớn, sau khi trám có thể sẽ có tình trạng ê buốt nhẹ khi ăn nhai hoặc nhạy cảm với thức ăn lạnh.
– Trong trường hợp các răng mẻ, vỡ hoặc sâu lớn, miếng trám có thể bị bong, sút, vỡ,… trong quá trình ăn nhai.
– Khi mô răng không tương hợp với chất trám hoặc tủy răng không thể hồi phục. Có thể xuất hiện hiện tượng đau nhức hoặc sưng nướu do viêm tủy và bệnh lý quanh chóp.

8. Những điều cần biết trước khi trám răng?
– Trước khi trám bác sỹ sẽ tiến hành thăm khám, kiểm tra những răng cần trám xem mức độ tổn thương của răng.
– Tùy vào mức độ tổn thương và vị trí răng, chi phí trám dao động từ 120.000 đến 900.000.
– Thủ thuật trám có thể kéo dài từ 10- 45 phút cho một răng.

9. Những điều cần biết trong khi trám răng?
– Trám răng thường không đau.
– Tuy nhiên nếu lỗ sâu lớn. Trong quá trình làm sạch lỗ sâu, loại bỏ các yếu tố nguyên nhân, tạo hình xoang trám có thể sẽ ê buốt.
– Cảm giác ê buốt sẽ hết sau khi trám hoặc kéo dài vài ngày tùy vào cơ địa từng người.
– Trong khi trám cần thả lỏng người và hít thở bằng mũi để giảm căng thẳng và không bị ngạt nước.
– Nếu có vấn đề vướng cộm, khó chịu trong & sau khi trám, cần báo ngay để bác sỹ kiểm tra lại khớp cắn.

10. Những điều cần biết sau khi trám răng?

– Có thể ăn nhai ngay đối với vật liệu Composite và sau 30 phút với vật liệu GIC, EU,….
– Chải răng sạch sau khi ăn, tránh ăn nhai đồ quá cứng đối với miếng trám lớn.
– Hạn chế ăn đồ ngọt, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi,… để tránh sâu răng.
– Tái khám nếu cảm thấy vướng cộm khó chịu hay đau nhức,…
– Có thể xuất hiện cảm giác ê buốt do kích thích (nóng, lạnh, chua, ngọt, thức ăn lọt vào,…).
– Cần tái khám thay thế khi có tình trạng nứt, vỡ, bong miếng trám.
– Kiểm tra răng định kỳ 6 tháng/lần.

Với đội ngũ Bác sỹ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại, Đơn vị Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng đã và đang chăm sóc sức khỏe răng miệng cho rất nhiều người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Nha khoa Family:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...