Đái tháo đường thai kỳ những điều mẹ cần biết

Theo thống kê từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khoảng 9.2% số phụ nữ mang thai bị đái tháo đường trong thai kỳ.

1. Đái tháo đường thai kỳ là gì?
– Là tình trạng rối loạn dung nạp đường (glucose) ở mọi mức độ, xuất hiện hoặc phát hiện lần đầu tiên ở phụ nữ trong khi có thai. Tình trạng rối loạn này có thể hồi phục hoàn toàn sau khi sinh.
– Đái tháo đường thai kỳ thường xảy ra từ tuần 24 – 28 của thai kỳ.
– Trong quá trình mang thai, các hocmon sản xuất từ nhau thai làm rối loạn chức năng insuline của tuyến tụy, kéo theo sự gia tăng nồng độ glucose máu, đặc biệt là glucose máu sau khi ăn. Do đó, tuyến tụy phải sản xuất insuline nhiều hơn có khi gấp nhiều lần so với bình thường, dẫn đến hiện tượng đề kháng insulin.

2. Phân biệt đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường thực sự?
Có hai dạng tăng đường máu hay gặp trong thời gian mang thai:
– Một là: Người bệnh ĐTĐ từ trước bây giờ mang thai, gọi là ĐTĐ thật sự, thai phụ có thể đang điều trị hoặc chưa phát hiện trước đó.
– Hai là: Thai phụ hoàn toàn không có ĐTĐ từ trước, trong thời gian mang thai glucose máu tăng lên, gọi là đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK). Các tiêu chuẩn xét nghiệm glucose máu sau đây giúp phân biệt ĐTĐ thật sự hoặc ĐTĐ thai kỳ.

– Đối với sản phụ đái tháo đường thật sự hoặc đái tháo đường khi mang thai có mức glucose máu cao hơn đái tháo đường thai kỳ cần được theo dõi, điều trị tích cực hơn trong khi mang thai và sau sinh.

3. Yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ?
– Mẹ bầu thừa cân béo phì BMI ≥ 25 kg/m2.
– Phụ nữ lớn tuổi, khi mang thai từ 35 tuổi trở lên.
– Đã từng sinh con với cân nặng bất thường từ ≥ 4 kg.
– Gia đình có tiền sử bị đái tháo đường.
– Bản thân có tiền sử đái tháo đường trong lần mang thai trước đó.

4. Phương pháp chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, đái tháo đường thật sự?
– Từ tuần 24 – 28 khuyến cáo mọi phụ nữ có thai nên được sàng lọc ĐTĐTK bằng nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g đường.
– Những xét nghiệm đái tháo đường rất đơn giản, không gây đau đớn, không ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ bầu và thai nhi.

5. Một số lưu ý mẹ bầu cần biết trước khi làm nghiệm pháp dung nạp đường?
– Không cần ăn kiêng trước đó.
– Cần nhịn đói khoảng 8h (nhưng không quá 14h).
– Nên thử đường huyết ngay và thử huyết thanh (serum).
– Sau khi làm nghiệm pháp sản phụ phải ngồi tại chỗ, hạn chế đi lại để kết quả xét nghiệm chính xác nhất.

6. Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng tới mẹ, thai và trẻ sơ sinh như thế nào?
– ĐTĐTK nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ gây nhiều tai biến cho cả mẹ và con.

6.1. Hậu quả đối với mẹ
– Tăng huyết áp – tiền sản giật gặp 10 – 25%.
– Tăng nguy cơ nhiễm trùng ối và viêm nội mạc tử cung sau sinh.
– Làm nặng thêm các biến chứng võng mạc, thận nếu xuất hiện từ trước.
– Có thể tiến triển thành đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 vĩnh viễn sau sinh.
– Khoảng 30 – 50% phụ nữ mắc ĐTĐTK sẽ tái phát ở lần mang thai tiếp theo.
– 20 – 50% bà mẹ mắc ĐTĐTK sẽ chuyển thành ĐTĐ type 2 trong 5- 10 năm sau khi sinh.
– Nguy cơ mắc ĐTĐ type 2 tăng 7,4 lần.

6.2. Hậu quả đối với thai và trẻ sơ sinh
– Nguy cơ dị tật bẩm sinh tăng: bất thường về tim mạch, bất thường về thận, đại trực tràng, u nang thận,…
– Thai to gây đẻ khó, sang chấn sau đẻ.
– Tăng tỷ lệ mổ đẻ lấy thai.
– Tăng tỷ lệ tử vong sau khi sinh.
– Hạ Glucose máu sơ sinh những ngày đầu sau sinh.
– Hạ Calci máu do suy cận giáp trạng chức năng.
– Đa hồng cầu do giảm oxy huyết.
– Tăng billirubin máu do tăng erythropoietin.
– Tăng nguy cơ sinh non, mắc hội chứng suy hô hấp sơ sinh.

7. Lợi ích của việc quản lý tốt đái tháo đường thai kỳ?
Đái tháo đường thai kỳ nếu được quản lý tốt có thể đưa đến những kết cục rất tốt cho thai phụ và thai nhi như:
– Giúp làm giảm tỷ lệ trẻ nhập viện khoa sơ sinh từ 71% – > 61%.
– Tỷ lệ đẻ chỉ huy giảm từ 39% – > 29%.
– Giảm tỷ lệ trầm cảm.
– Nâng cao chất lượng cuộc sống trong thời gian mang thai.
– Giảm cân nặng sơ sinh, thai to, đẻ mắc vai.
– Giảm nguy cơ tăng huyết áp (THA) thai kỳ và sản giật.

8. Cần quản lý đái tháo đường thai kỳ như thế nào?
Mục tiêu Glucose máu trong thời gian mang thai đối với ĐTĐ thai kỳ hay ĐTĐ thật sự như sau:

– Xét nghiệm HbA1c nên duy trì < 6,0 % kiểm tra 1 tháng 1 lần đối với ĐTĐ thật sự.

Để đạt được mục tiêu như trên các bà mẹ cần phải tuân thủ và điều chỉnh một số chế độ sinh hoạt hàng ngày như chế độ ăn, tập luyện, theo dõi đường máu mao mạch tại nhà theo những khuyến cáo sau:
– Kiểm soát glucose máu đạt mục tiêu càng gần bình thường càng tốt, nhưng không gây hạ glucose máu hoặc nguy cơ hạ glucose máu.
– Khuyến cáo xử trí ban đầu các sản phụ bị ĐTĐTK bao gồm việc điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện mức vừa phải trong 30 phút hoặc hơn.
– Khuyến cáo dùng các liệu pháp làm hạ glucose máu nếu việc thay đổi lối sống không đủ để duy trì glucose máu đạt mục tiêu ở các phụ nữ bị ĐTĐTK.
– Thai phụ cần được theo dõi bởi các bác sỹ chuyên khoa Nội Tiết – Đái tháo đường và phối hợp với các bác sỹ Sản khoa để hội chẩn khi cần thiết.

9. Các phương pháp điều trị đái tháo đường thai kỳ không dùng thuốc?
Việc thực hiện chế độ ăn phù hợp kèm với tập luyện thay đổi lối sống có ý nghĩa cải thiện đến 80% chỉ số đường máu ở đối tượng đái tháo đường thai kỳ. Cụ thể các phương pháp điều trị không dùng thuốc như sau:

9.1. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng đúng và đủ năng lượng
– Việc thay đổi chế độ ăn được khuyến cáo đối với tất cả các phụ nữ bị ĐTĐ thai kỳ, giúp đạt được và duy trì glucose máu theo mục tiêu trong khi vẫn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng giúp thai nhi phát triển.
– Chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng, trong đó phải bao gồm 4 nhóm thực phẩm: Chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trên nguyên tắc chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Mẹ bầu có thể lựa chọn các nhóm thực phẩm sau đây:

9.1.1. Nhóm tinh bột
– Tinh bột khi ăn vào được chuyển hóa thành đường, cần ăn tinh bột để có sức khỏe và giúp cho thai nhi phát triển. Tuy nhiên ăn nhiều tinh bột sẽ làm tăng đường huyết.
– Lượng tinh bột ăn vào chiếm khoảng 35- 45% tổng lượng calo, chia làm 3 bữa ăn chính và 3 bữa phụ.
– Ưu tiên sử dụng thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI ≤ 55) hay trung bình (GI từ 56- 69) như:
+ Gạo lứt còn vỏ nguyên cám.
+ Bún tươi, miến dong.
+ Ngũ cốc nguyên cám.
+ Bánh mì nâu.
+ Đậu nguyên hạt.

– Không nên sử dụng thực phẩm làm tăng đường huyết như:
+ Gạo trắng, bánh mì trắng.
+ Khoai tây, bí đỏ.
+ Nước ngọt, nước trái cây, chè, trà sữa.
+ Kem, bánh ngọt, đồ ăn nhanh.

9.1.2. Nhóm chất đạm Protein
– Tăng chế độ ăn giàu Protein và chất béo trong thức ăn thường ít ảnh hưởng tới Glucose máu sau ăn và góp phần làm giảm cảm giác thèm ăn cho thai phụ.
– Nên sử dụng: Cá, cá hồi, thịt nạc, thịt gà, các loại đậu, trứng, tôm, cua,…

9.1.3. Nhóm chất béo Lipid
– Nên sử dụng các loại dầu thực vật như: Dầu mè, dầu đậu nành, dầu oliu.
– Không nên sử dụng mỡ động vật, dầu cọ, dầu đã chiên đi chiên lại nhiều lần.

9.1.4. Nhóm rau xanh
– Rau xanh không thể thiếu trong khẩu phần ăn của phụ nữ đái tháo đường thai kỳ. Bởi ăn rau xanh nhiều có tác dụng hạn chế tình trạng tăng đường huyết sau khi ăn và cung cấp lượng vitamin, acid folic. Một số loại rau nên sử dụng như:
+ Rau mồng tơi, rau khoai lang, rau dền.
+ Súp lơ xanh.
+ Măng tây.
+ Rau xà lách.
+ Đậu bắp, đậu hà lan.
+ Ớt chuông xanh đỏ.
– Một số loại rau quả không nên ăn như:
+ Rau ngót.
+ Rau răm.
+ Rau sam.
+ Rau chùm ngây.
+ Đu đủ xanh.
+ Mướp đắng.
+ Rau ngãi cứu.

9.1.5. Nhóm trái cây
– Nên chọn các loại trái cây ít ngọt và chỉ số đường huyết thấp, sử dụng khoảng 200g/ ngày như: bơ, thanh long, dâu tây, dưa gang, bưởi, cam, lê táo,…
– Nên chọn trái cây ít ngọt có chỉ số đường huyết thấp (GI ≤ 55) hay trung bình (GI từ 56 – 69), nên ăn cả múi miếng không nên ép lấy nước.

– Một số loại trái cây không nên sử dụng:
+ Táo mèo.
+ Quả nhãn.
+ Quả thơm.

9.1.5. Nhóm sữa
– Đây là nguồn cung cấp năng lượng, chất đạm, canxi và một số vi chất khác.
– Nên sử dụng sữa tách béo/ít béo, không đường và giàu canxi, sữa đậu nành không đường, sữa chua không đường, phô mai,…
– Nếu phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ ăn uống kém, suy dinh dưỡng hoặc ít lên cân, có thể cân nhắc việc bổ sung dinh dưỡng bằng sữa chuyên biệt có chỉ số đường huyết thấp dành cho bệnh nhân tiểu đường (theo chỉ định của bác sỹ hoặc chuyên gia dinh dưỡng).
– Nên tránh sử dụng các sản phẩm sữa dành cho phụ nữ mang thai vì chúng có thể làm tăng đường huyết.
– Tuân theo khuyến cáo về lượng vitamin và muối khoáng ăn vào giống như phụ nữ không bị đái tháo đường. Ngoại trừ việc bổ sung acid folic 5mg/ ngày bắt đầu từ 3 tháng trước khi ngừng các biện pháp tránh thai. Từ tuần thứ 12, liều acid folic nên giảm còn 0,4 – 1mg/ ngày, và tiếp tục cho đến khi hết cho con bú.

9.2. Phụ nữ đái tháo đường thai kỳ nên kiểm soát cân nặng như thế nào?
– Phụ nữ bị ĐTĐ cần tuân thủ hướng dẫn về tăng cân. Tuy nhiên có thể thay đổi cho phù hợp với trọng lượng và mức BMI.
– Cần giảm lượng calo ăn vào khoảng 1/3 so với lượng ăn thông thường trước khi mang thai.

9.3. Chế độ tập luyện thể dục thế nào phù hợp trong thời gian mang thai?
– Do glucose máu có xu hướng tăng cao sau ăn, các thai phụ bị ĐTĐ nên đi bộ nhẹ khoảng 15- 20 phút sau ăn 1 giờ nếu không có chống chỉ định.
– Lựa chọn các bài tập nửa trên cơ thể tùy theo tình trạng của thai phụ. Cần có ý kiến tư vấn của bác sỹ chuyên khoa Nội tiết- ĐTĐ và Sản khoa trước khi tiến hành luyện tập.
– Chế độ luyện tập nhẹ nhàng sẽ giúp:
+ Giảm đề kháng insulin.
+ Duy trì cân nặng, sức khỏe, tạo sự dẻo dai.
+ Giúp hồi phục cơ thể tốt hơn sau khi sinh.

9.4. Theo dõi đường máu tại nhà như thế nào?

– Phụ nữ bị ĐTĐTK được cung cấp bảng theo dõi glucose máu, cần chuẩn bị một máy kiểm tra glucose máu cùng mục tiêu điều trị và thực đơn dinh dưỡng áp dụng trong 2 tuần.
– Liên hệ với bác sỹ điều trị hoặc tổng đài của Trung tâm Nội tiết – Đái tháo đường Family: 0944 225 115 về chỉ số xét nghiệm glucose máu và chế độ thực hiện thay đổi lối sống dinh dưỡng tại nhà.
– Việc theo dõi glucose máu tại nhà và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát glucose máu.
– Nếu có hơn 30% tổng số lần vượt qua mục tiêu điều trị bạn cần phải găp lại bác sỹ để tư vấn và quyết định liệu pháp điều trị bằng thuốc.

10. Phương pháp điều trị đái tháo đường thai kỳ dùng thuốc?
– Mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ nếu không đạt mục tiêu glucose máu sau 2 tuần áp dụng thay đổi chế độ ăn, tập luyện, kiểm soát cân nặng thì bác sỹ chuyên khoa nội tiết sẽ quyết định kết hợp với điều trị Insulin.
– Phác đồ điều trị dùng thuốc được cá thể hóa, căn cứ vào nồng độ gluocse máu của mỗi sản phụ.
– Khuyến cáo nên bắt đầu điều trị bằng insulin khi có >30% giá trị glucose máu lúc đói > 5,8 mmol/l và hoặc giá trị glucose máu sau ăn 2 giờ > 6,7 mmol/l.

11. Theo dõi quá trình chuyển dạ và chăm sóc sau sinh?
– Khuyến cáo các thai phụ bị ĐTĐ thai kỳ có điều trị bằng insulin hoặc thuốc viên nên sinh chủ động ở tuần 39 và ở tuần 38 hoặc sớm hơn với các thai phụ kiểm soát glucose máu không tốt hoặc có biểu hiện tiền sản giật hay suy thai.
– Các thai phụ chỉ kiểm soát chế độ ăn và luyện tập có thể chờ chuyển dạ tự nhiên cho đến tuần 40.
– Thời gian chuyển dạ: nếu glucose máu kiểm soát tốt (từ 4 – 7 mmol) và không có biến chứng của mẹ và thai, thời gian sinh lí tưởng là 39- 40 tuần để phòng ngừa các biến chứng do sinh sớm, đặc biệt là suy hô hấp do phổi thai nhi chưa trưởng thành.
– Theo dõi sau sinh.
– Nuôi con bằng sữa mẹ.
– Ngừng tiêm insulin và theo dõi glucose máu sau sinh, nên thảo luận với bác sỹ điều trị về tình trạng sức khỏe hiện tại của mình.
– Thực hiện lại nghiệm pháp dung nạp glucose sau 4 – 8 tuần sau sinh để phát hiện đái tháo đường type 2.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...