1. Thế nào là Tăng huyết áp cấp cứu?
– Tăng huyết áp cấp cứu là khi huyết áp tâm thu ≥ 180mmHg, và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 120mmHg, kèm theo tổn thương cơ quan đích (não, tim, thận, mạch máu, mắt).
2. Nguyên nhân gây nên Tăng huyết áp cấp cứu là gì?
2.1. Nguyên nhân thường gặp
– Tăng huyết áp (THA) mạn tính không được điều trị hoặc điều trị không đúng.
– Viêm cầu thận và viêm thận bể thận mạn tính.
– Sỏi thận, ứ nước bể thận, thận đa nang.
2.2. Nguyên nhân hiếm gặp khác
– Hẹp động mạch thận.
– Bệnh tổ chức tạo keo.
– U thượng thận (tủy, vỏ).
– Hội chứng Cohn.
2.3. Các bệnh cấp tính
– Bệnh nhiễm độc thai nghén.
– Viêm cầu thận cấp.
– Tắc động mạch thận.
– Tai biến điều trị.
3. Triệu chứng nào để bạn nhân biết cơn Tăng huyết áp cấp cứu?
– Chỉ số huyết áp: Huyết áp tâm thu ≥ 180mmHg, và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 120mmHg.
– Đau đầu, đau lan tỏa hay đau vùng chẩm.
– Rối loạn thị giác, thoáng mù, buồn nôn, nôn.
– Rối loạn ý thức, rối loạn thần kinh.
Các biểu hiện thường bắt đầu ban đêm và toàn phát sau 24 – 48 giờ.
Tổn thương có thể hoàn toàn hồi phục được nếu được điều trị kịp thời.
Nếu không được điểu trị, bệnh nhân sẽ tử vong vài giờ sau khi hôn mê.
4. Biến chứng của Tăng huyết áp cấp cứu là gì?
– Đột qụy, thiếu máu não thoáng qua, sa sút trí tuệ, hẹp động mạch cảnh.
– Phì đại thất trái (trên điện tâm đồ hay siêu âm tim), suy tim.
– Nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực.
– Bệnh mạch máu ngoại vi.
– Xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù gai thị.
– Protein niệu, tăng creatinin huyết thanh, suy thận, …
– Tử vong.
5. Điều trị Tăng huyết áp cấp cứu bằng phương pháp nào?
– Xử trí cơn THA cấp cứu: Labetalol, Sodium Nitroprusside, Nicardipin, Nitrates và lợi tiểu
– Điều trị sau khi cơn THA cấp cứu ổn định:
+ Duy trì chỉ số huyết áp (HA) phù hợp cá nhân hóa.
+ Điều trị nguyên nhân nếu có.
6. Bạn cần làm gì để dự phòng cơn Tăng huyết áp cấp cứu?
6.1. Điều trị bệnh lý
– Biết được nguyên nhân, các yếu tố thuận lợi, cách phát hiện các triệu chứng THA.
– Tái khám định kì để phát hiện sớm THA hay các bệnh lý liên quan.
– Điều trị bệnh lý THA và các bệnh lý liên quan nếu có.
– Uống thuốc theo toa, không tự ý ngưng thuốc khi chưa có y lệnh của bác sỹ chuyên khoa.
6.2. Thay đổi lối sống
– Hạn chế rượu: Trong mỗi ngày không quá 30ml ethnol ~ 270ml bia ~ 300ml rượu vang ~ 60ml whisky đối với nam giới, nữ giới và người nhẹ cân uống bằng 1 nửa nam giới.
– Tăng hoạt động thể lực 30- 40ph/ ngày: Khuyến khích tập thể dục mức độ vừa hoặc đi bộ.
– Ngừng hút thuốc lá.
– Khuyến khích áp dụng chế độ dinh dưỡng giúp kiểm soát tăng huyết áp (DASH diet).
– Giảm lượng muối ăn vào (<2,4 g Natri/ ngày tương đương với khoảng 6 g muối ăn).
– Duy trì đủ chế độ kali qua chế độ ăn.
– Duy trì calci và magnesi cần thiết.
– Giảm ăn các chất béo và mỡ bão hòa.
– Khuyến khích ăn nhóm thực phẩm giàu chất xơ. Lượng chất xơ cung cấp từ khẩu phần ăn khoảng 14g/1000kcal: gạo lứt, ăn nhiều rau xanh, quả chín. Nên ăn quả chín dạng miếng/múi, không ép/xay hay vắt lấy nước để tăng cường chất xơ.
– Nên ăn các loại thực phẩm nhiều acid béo omega 3: cá hồi, cá thu,…
– Không nên ăn mỡ, nội tạng động vật, các loại sản phẩm chế biến sẵn: cá hộp, thịt muối, dưa cà muối, các món kho, rim, muối, các loại nước sốt, nước chấm mặn,…
7. Khi nào bạn cần phải tái khám/ nhập viện
– Đo HA trị số huyết áp tâm thu ≥ 180mmHg, và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 120mmHg
– Có một số triệu chứng kèm theo:
+ Thay đổi tri giác: lơ mơ, ngủ gà, lẫn lộn, hôn mê, có thể kèm theo co giật.
+ Than đau đầu nhiều, chóng mặt, buồn nôn, nôn vọt, mắt nhìn mờ.
+ Méo miệng, nói khó (nói ngọng không rõ chữ), yếu (tê), liệt chi tay hoặc chân 1 hoặc 2 bên.
+ Đau tức ngực từng cơn hoặc liên tục.
Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc với đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, khả năng chẩn đoán xử lý nhanh chóng, chuyên nghiệp; điều dưỡng viên giàu kinh nghiệm kết hợp trang thiết bị y khoa hiện đại; tiếp nhận, chăm sóc và điều trị 24/24 cho tất cả các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nặng có nguy cơ đe dọa tới tính mạng; giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe.