Hướng dẫn tự theo dõi đường máu tại nhà

1. Lợi ích của việc thử đường huyết tại nhà
– Tự theo dõi được chỉ số đường huyết thường xuyên, phát hiện sớm bất thường.
– Đánh giá được ảnh hưởng của thức ăn, vận động, thuốc.
– Tốn ít máu.
– Kết quả nhanh, tương đối chính xác.
– Kịp thời thảo luận với bác sỹ về đường máu để có hướng điều trị phù hợp.

Tự theo dõi đường tại nhà có vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý sức khoẻ

2. Những thời điểm phù hợp để thử đường máu tại nhà?
Ba thời điểm phù hợp nhất để thử đường:
– Lúc đói, cách thời điểm ăn tối thiểu 8 tiếng. Để thuận tiện có thể thử vào lúc sáng sớm trước khi ăn sáng.
– Sau ăn 2 tiếng.
– Trước khi đi ngủ

3. Những trường hợp cần thử đường định kỳ?
– Thử 3-4 lần/ngày hoặc 2-3 lần/tuần đối với:
+ Người dùng Insuline, thuốc viên.
+ Phụ nữ đang có thai đường huyết chưa ổn định.
+ Người lớn tuổi.
– Thử 1-2 lần/tuần với người có đường huyết ổn định.
– Đối với những người nghi ngờ hạ đường huyết, đổi chế độ tập luyện thể thao, áp dụng thức ăn mới, bệnh lý, chấn thương thì sẽ cần tăng số lần thử trong tuần lên.

4. Cách sử dụng máy thử đường
– Những dụng cụ cần chuẩn bị:
+ Máy thử.
+ Bút thử.
+ Que thử.
+ Kim thử.

4.1. Chuẩn bị bệnh nhân
– Lựa chọn thời điểm thử đường phù hợp.
– Rửa sạch tay và lau khô.

4.2. Chuẩn bị bút thử
– Bước 1: Vặn nắp bút thử, gắn đầu vuông của kim vào bút rồi đóng nắp lại.

– Bước 2: Điều chỉnh độ nông/ sâu của kim bằng các điều chỉnh các con số trên nắp.
Thông thường sẽ lựa chọn mức thứ 3. Đối với những người có da dày, bị chai sạn thì sẽ điều chỉnh lên nấc 4 hoặc nấc 5.
– Bước 3: Sau khi điều chỉnh, kéo phần đuôi của bút đến khi nghe tiếng “cạch” chuẩn bị lấy máu.

4.3. Chuẩn bị máy thử
– Gắn que thử vào máy:
+ Que thử có hai đầu: đầu bằng và đầu nhọn. Đầu bằng gắn vào máy, đầu nhọn đưa ra ngoài.
+ Khi màn hình hiển bị biểu tượng giọt máu có nghĩa là máy đã sẵn sàng.

4.4. Lấy máu
– Trên bàn tay ưu tiên lấy máu ở mép ngoài đầu ngón tay giữa và ngón nhẫn.
– Nhấn nhẹ ống bút vào đầu ngón tay để lấy máu.
– Đưa đầu que thử vuông góc vào vị trí lấy máu.

– Sau khi lấy dùng bông cồn 70 độ ép chặt ngón tay để cầm máu.
– Chờ trong vòng 5s để máy hiển thị kết quả.
Theo dõi video minh hoạ Tại đây

5. Ý nghĩa của kết quả thử đường?
– Tuỳ thuộc vào cài đặt của máy mà đơn vị hiển thị sẽ khác nhau: mmg/dL hoặc mmol/l.
– Công thức để chuyển đổi mmol/l = mmg/ dL ÷ 18.

5.1. Máy hiển thị kết quả có giá trị bình thường
5.1.1. Đọc kết quả
– G0: 3.9 – 7 mmol/l (đối với phụ nữ mang thai G0: 3.9 – 5.6 mmol/l)
– G2: 3.9 – 10 mml/l (đối với phụ nữ mang thai G2: 3.9 – 6.7 mmol/l)
– Nếu G bất kỳ ≤ 3.9 mmol/l thì hạ đường máu xảy ra với các biểu hiện:
+ Cảm giác đói.
+ Cảm giác run.
+ Tim đập nhanh.
+ Lo lắng.
+ Đổ mồ hôi.
+ Tay chân lạnh.
+ Khó tập trung.
+ Nhức đầu, chóng mặt.
+ Lơ mơ, lú lẫn.
+ Hôn mê.

5.1.2. Xử trí hạ đường bằng cách
– Nếu BN còn tỉnh:
+ Cho uống ngay 2-3 thìa đường hoặc 2 muỗng mật ong/½ lon nước ngọt/120-180 mml sữa/2 thìa nho khô.
+ Sau 15 phút tiếp tục thử đường kiểm tra lại.
– Nếu tình trạng bệnh nhân lú lẫn, hôn mê thì ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí.

5.1.3. Các bước trước khi ngủ tránh hạ đường máu ban đêm
– Kiểm tra đường máu trước khi đi ngủ.
– Nhận biết các dấu hiệu hạ đường máu để kịp thời xử trí.
– Không bỏ bữa ăn tối.
– Tránh tập thể dục quá mức vào buổi tối.
– Hạn chế uống bia rượu vào buổi tối
– Chuẩn bị thức ăn sẵn sàng.
Khi giá trị đường huyết tăng cao, G bất kỳ ≥ 11.1 mmol/l thì nên chú ý lại chế độ ăn, thuốc, tập luyện và nếu có triệu chứng bất thường thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám.

5.2. Máy không hiển thị kết quả
– Chú ý hai trường hợp:
+ Hi: đường quá cao so với mức bình thường.
+ Lo: đường quá thấp so với mức bình thường.
Lưu ý: Ghi kết quả vào phiếu theo dõi sau mỗi lần thử để thuận tiện cho việc theo dõi và trao đổi với Bác sỹ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...