1. Viêm âm hộ – âm đạo là gì?
– Viêm âm hộ – âm đạo là tình trạng gây ra các triệu chứng ở âm hộ, âm đạo như ngứa, nóng rát, khó chịu và ra dịch âm đạo bất thường.
– Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến bệnh nhân đến khám phụ khoa.
2. Những tác nhân nào gây viêm âm hộ – âm đạo?
– Vi khuẩn: 22% – 50%.
– Nấm: 7 – 39%, thường gặp là Candida abicans.
– Trichomonas vaginalis (trùng roi âm đạo): 4 – 35%.
3. Những điều cần biết về viêm âm hộ – âm đạo do nấm
3.1. Các yếu tố nguy cơ của viêm âm hộ – âm đạo do nấm là gì?
– Tại chỗ: âm hộ – âm đạo ẩm ướt thường xuyên, có đặt dụng cụ tránh thai.
– Toàn thân:
+ Dùng kháng sinh phổ rộng, kéo dài.
+ Rối loạn hệ vi khuẩn thường trú ở âm đạo.
+ Suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV.
+ Rối loạn chuyển hóa: đái tháo đường, rối loạn chức năng tuyến giáp, rối loạn chuyển hóa sắt.
+ Tăng nồng độ estrogen: do thuốc tránh thai phối hợp, nội tiết tố thay thế (estrogen), có thai.
3.2. Những triệu chứng thường gặp của viêm âm hộ – âm đạo do nấm?
– Khí hư bất thường: lượng khí hư ra nhiều hơn bình thường, khí hư có màu trắng đục, không mùi, đặc và lợn cợn dính thành mảng như sữa chua.
– Ngứa rát âm hộ, âm đạo. Đôi khi có cảm giác nóng, tiểu rát, đau khi giao hợp.
– Âm hộ và niêm mạc âm đạo viêm đỏ.
– pH âm đạo 4 – 5.
Ngoài ra có khoảng 20% phụ nữ nhiễm Candida không có triệu chứng.
3.3. Viêm âm hộ – âm đạo do nấm gây ra những biến chứng gì?
– Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: khi nhiễm nấm Candida bệnh nhân sẽ phải thường xuyên đối mặt với tình trạng ngứa rát nhiều ở vùng kín, cảm giác bứt rứt không yên.
– Mất tự tin: khí hư ra nhiều khiến bệnh nhân mất tự tin và lo lắng khi quan hệ tình
dục.
Viêm âm đạo ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân
3.4. Phương pháp điều trị viêm âm hộ – âm đạo do nấm?
– Điều trị viêm âm hộ – âm đạo do Candida không biến chứng chủ yếu là hai nhóm thuốc: imidazole và Nystatin.
– Các đường dùng của thuốc bao gồm:
+ Đặt âm đạo (Miconazole, Clotrimazole, Econazol, Nystatin).
+ Uống (Fluconazole, Itraconazole).
+ Bôi (Clotrimazole).
– Trong đó, đặt âm đạo là dạng phổ biến nhất, đường uống có liên quan đến nguy cơ tăng men gan. Fluconazole liều thấp và Nystatin sử dụng an toàn trong thai kỳ.
– Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc rửa âm hộ: Natri hydrocarbonate 5%, Povidin iodin 10%.
Đối với viêm âm hộ – âm đạo có biến chứng, cần xác định các yếu tố nguy cơ. Bác sỹ sẽ chỉ định nuôi cấy định danh loại Cadida và làm kháng sinh đồ nấm trong trường hợp cần thiết.
3.5. Khi nào cần thiết điều trị cho “đối tác”?
Chỉ điều trị cho “đối tác” khi:
– Có triệu chứng viêm ngứa quy đầu.
– Có nấm trong nước tiểu.
– Viêm âm hộ – âm đạo bị tái phát nhiều lần.
3.6. Thời gian bạn cần điều trị kéo dài bao lâu?
– Thời gian điều trị được khuyến cáo:
+ Với nhóm thuốc imidazole: 7 ngày.
+ Nystatin: 14 ngày.
– Mặc dù tỷ lệ điều trị thành công cao nhưng nguy cơ tái phát sau 1 tháng điều trị là 20-30%, đối với những trường hợp này cần điều trị thời gian dài hơn.
– Điều trị với fluconazole 150 mg, 1 viên/tuần trong 6 tháng theo chỉ định của bác sỹ có thể giúp hạn chế tái phát.
4. Những điều cần biết về viêm âm âm đạo do Trichomonas vaginalis?
4.1. Những triệu chứng thường gặp đối với viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis?
– Có đến 70 – 85% bệnh nhân mắc bệnh không có triệu chứng hoặc chỉ một vài triệu chứng. Một số triệu chứng thường gặp như:
– Ra huyết trắng nhiều, màu vàng hay xanh, có bọt, có mùi hôi, có thể kèm theo ngứa rát âm hộ.
– Có thể ngứa, tiểu rát hoặc ra máu sau quan hệ.
– Trong trường hợp nặng, niêm mạc âm đạo phía trên và cổ tử cung có điểm xuất huyết nhỏ, lấm tấm (dạng trái dâu tây).
– pH âm đạo > 4,5.
– Xét nghiệm: soi tươi dịch âm đạo có hình ảnh trùng roi di động và nhiều bạch cầu.
– Có thể kết hợp với nhuộm Gram.
4.2. Viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis gây ra những biến chứng gì?
– Tăng nguy cơ ối vỡ non, sinh non, thai nhẹ cân.
– Tăng tỷ lệ kết cục xấu cho thai kỳ.
– Tăng nguy cơ nhiễm HIV lên gấp 2 – 3 lần.
4.3. Điều trị viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis bằng phương pháp nào?
– Viêm âm đạo do T.vaginalis được điều trị bằng phác đồ Metronidazole/ Tinidazole 2g uống 1 liều duy nhất hoặc Metronidazole 500mg x 2 viên/ngày x 7 ngày.
– Khoảng 5% Metronidazole không điều trị hiệu quả viêm âm đạo do gây ra T.vaginalis. Trường hợp này bác sỹ sẽ cân nhắc điều trị với Tinidazole liều cao.
4.4. Trong thời gian điều trị viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis cần lưu ý điều gì?
– Tránh quan hệ tình dục cho đến khi kết thúc liệu trình điều trị và hết triệu chứng.
– Không sử dụng đồ uống có cồn trong vòng 24 giờ khi uống metronidazole hoặc trong vòng 72 giờ khi uống tinidazole.
– Cần điều trị cho cả vợ và chồng hoặc “đối tác”.
– Phụ nữ có thai mắc viêm âm đạo do T.vaginalis được khuyến cáo điều trị với Metronidazole.
– Thời gian điều trị viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis phụ thuộc vào phác đồ điều trị và đáp ứng điều trị.
5. Những điều cần biết về viêm âm đạo do vi khuẩn?
5.1. Viêm âm đạo do vi khuẩn là gì?
– Viêm âm đạo do vi khuẩn hay còn gọi là nhiễm khuẩn âm đạo, xảy ra khi sự cân bằng của hệ vi khuẩn âm đạo bình thường bị phá vỡ: giảm vi khuẩn có lợi (Lactobacilli) và gia tăng vi khuẩn kỵ khí có hại.
5.2. Tác nhân thường gặp nhất trong viêm âm đạo do vi khuẩn?
– Tác nhân thường gặp nhất là Gardnerella vaginalis.
5.3. Các yếu tố nguy cơ của viêm âm đạo do vi khuẩn?
– Có “đối tác” mới.
– Thói quen thụt rửa âm đạo.
– Không dùng bao cao su khi quan hệ.
5.4. Triệu chứng viêm âm đạo do vi khuẩn như thế nào?
– Biểu hiện chính của bệnh là tăng tiết dịch âm đạo nặng mùi.
– Khí hư nhiều, màu trắng xám, rất hôi, đặc biệt là sau quan hệ.
– Khí hư dính nhẹ vào thành âm đạo, pH âm đạo > 4,5.
– Kết quả xét nghiệm:
+ Whiff test dương tính: Nhỏ vài giọt KOH 10% vào dịch âm đạo sẽ có mùi hôi như cá ươn.
+ Phết âm đạo: tăng số lượng bạch cầu, có các cụm vi khuẩn, không thấy vi khuẩn lactobacilli và nhiều “Clue cells”.
* Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm âm đạo do vi khuẩn?
Chẩn đoán viêm âm đạo do vi khuẩn dựa trên tiêu chuẩn Amsel, khi có 3 trong 4 triệu chứng sau:
– Tiết dịch âm đạo nhiều, trắng xám, nặng mùi.
– Hiện diện của tế bào “Clue cells” trên phiến đồ âm đạo.
– pH âm đạo 4,5.
– Whiff test dương tính.
5.5. Biến chứng của viêm âm đạo do vi khuẩn là gì?
– Viêm vòi trứng, viêm vùng chậu, viêm mỏm âm đạo sau cắt tử cung.
– Viêm âm trong thai kỳ: dễ gây ối vỡ non, nhiễm trùng ối, sinh non, viêm nội mạc tử cung sau sinh.
5.6. Điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn như thế nào?
– Kháng sinh Metronidazole hoặc Clindamycin.
– Dạng đường uống hoặc đặt âm đạo.
– Ngoài ra, bệnh nhân có thể vệ sinh âm hộ bằng Povidine iodin 10%, Acid lactic + Lactoserum atomisat.
– Viêm âm đạo do vi khuẩn đáp ứng rất tốt với điều trị. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát ngắn hạn (< 3 tháng) là 15-30% và trung hạn (< 1 năm) là 70%.
– Thời gian điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn trong vòng 7 ngày, bệnh nhân điều trị bằng thuốc và không cần nhập viện.
6. Trong khi điều trị viêm âm hộ – âm đạo bạn cần làm gì?
– Giữ vệ sinh sinh dục sạch sẽ.
– Không quan hệ trong thời gian điều trị.
– Viêm âm đạo do nấm có thể tái phát nên tái khám khi có biểu hiện bất thường.
– Khám phụ khoa định kỳ.
7. Cách dự phòng viêm âm hộ – âm đạo?
– Quan hệ tình dục an toàn (tình dục lành mạnh và chung thủy, sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ).
– Sử dụng nguồn nước sạch để sinh hoạt và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với môi trường nước bẩn, nhiễm bẩn.
– Nếu có biểu hiện của bệnh nên đi khám để điều trị càng sớm càng tốt.
– Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, cân bằng lợi khuẩn và phòng viêm nhiễm.
8. Những dấu hiệu bạn cần biết để tái khám phụ khoa?
– Ra dịch âm đạo nhiều, màu trắng như ván sữa hoặc xanh bợn, có mùi khó chịu.
– Ngứa rát âm đạo: triệu chứng này sẽ xuất hiện nhiều hơn khi quan hệ tình dục, ngứa rát âm đạo có thể gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa tại FAMILY có trình độ chuyên môn cao, tận tâm giàu kinh nghiệm. Thường xuyên cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật y tế tiến tiến nhất trong điều trị bệnh lý phụ khoa cùng với sự hỗ trợ của hệ thống phòng bệnh tiện nghi và chế độ chăm sóc đặc biệt giúp chăm sóc phục hồi sức khỏe toàn diện cho chị em phụ nữ và sản phụ.