1. Ngưng thở khi ngủ là gì?
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một rối loạn đặc trưng bởi sự ngưng hoặc giảm thở từng cơn khi ngủ. Điều này có nghĩa là dòng khí dừng hoặc giảm lưu thông qua đường hô hấp của người bệnh hơn 10 giây và xuất hiện trên 05 lần/giờ trong lúc đang ngủ.
2. Ngưng thở khi ngủ có bao nhiêu loại?
Ngưng thở khi ngủ có 03 loại:
- Ngưng thở tắc nghẽn: thường gặp nhất và chiếm 80% các trường hợp, biểu hiện bởi sự ngừng luồng khí thở do tắc nghẽn đường hô hấp trên và các cử động ngực – bụng được duy trì. Một số nguyên nhân phổ biến của sự tắc nghẽn này có thể kể đến như:
– Giảm kích thước về mặt giải phẫu của đường thở trên: quá phát amidan, bất thường cấu trúc hàm mặt,…
– Tăng khả năng xẹp đường thở trên (thường gặp ở những bệnh nhân béo phì)
– Giảm hiệu quả hoạt động của các cơ giãn đường thở trên - Ngưng thở trung ương: ít gặp hơn và do bệnh lý thần kinh cơ
- Ngưng thở hỗn hợp: phối hợp hai loại trên
3. Ngưng thở khi ngủ có nguy hiểm không?
Ngưng thở khi ngủ là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh lý này còn gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, trầm cảm,…
- Bệnh nhân mắc phải ngưng thở khi ngủ thường ngủ gật vào ban ngày, dẫn đến tăng nguy cơ tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt.
- Giảm chất lượng cuộc sống, hiệu suất công việc và học tập do giảm trí nhớ, mất tập trung, mệt mỏi kéo dài, cáu kỉnh, dễ nóng giận,…
- Tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch bao gồm tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim do giảm nồng độ oxy trong máu khi ngủ.
- Tăng nguy cơ các bệnh lý về chuyển hóa bao gồm đái tháo đường, đề kháng insulin và rối loạn mỡ máu.
- Nguy cơ trầm cảm tăng gấp 2,6 lần ở những bệnh nhân có chỉ số ngưng giảm thở >15/h.
- Có đến 50% bệnh nhân mắc ngưng thở khi ngủ cần điều trị có phàn nàn về cương dương và ham muốn tình dục.
- Ngưng thở khi ngủ thường xuất hiện nhiều hơn theo tuổi tác, khiến nguy cơ té ngã tăng gấp đôi, đồng thời làm trầm trọng các vấn đề về trí nhớ và giảm khả năng sống tự lập ở người lớn tuổi.
- Ở trẻ em, ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn cũng rất phổ biến nhưng ít khi được quan tâm. Bệnh lý này ở trẻ em có thể dẫn đến tăng động, giảm tập trung, học kém, giảm trí nhớ, mộng du.
4. Làm sao để chẩn đoán ngưng thở khi ngủ?
Ngưng thở khi ngủ được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng và phương pháp Đo đa ký.
Chẩn đoán ngưng thở khi ngủ khi có sự hiện diện tiêu chuẩn A và/hoặc B + tiêu chuẩn C:
4.1. Tiêu chuẩn A: Buồn ngủ ban ngày quá mức không giải thích được bằng các nguyên nhân khác
4.2. Tiêu chuẩn B: Có ít nhất hai trong số các tiêu chuẩn sau:
- Ngáy nặng (ngáy to và hoặc ngáy thường xuyên)
- Dừng thở ban đêm
- Thức giấc ban đêm nhiều lần
- Khó ngủ lại
- Mệt mỏi ban ngày
- Giảm tập trung
- Tiểu đêm (> 2 lần/ đêm)
4.3. Tiêu chuẩn C: tiêu chuẩn Đo đa ký hô hấp hoặc Đo đa ký giấc ngủ khi chỉ số ngưng giảm thở ≥ 5/h
5. Điều trị ngưng thở khi ngủ như thế nào?
Các biện pháp điều trị ngưng thở khi ngủ bao gồm:
- Kiểm soát cân nặng và tình trạng béo phì: Chế độ dinh dưỡng và vận động
- Thay đổi lối sống
- Hạn chế các thuốc hoặc những chất làm nặng thêm tình trạng ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn: thuốc an thần, thuốc giảm đau tác dụng lên hệ thần kinh trung ương (morphine và dẫn xuất)
- Sử dụng dụng cụ hỗ trợ:
– CPAP: hiệu quả cao
– Dụng cụ đẩy hàm
- Phẫu thuật: tùy trường hợp
- Thay đổi tư thế ngủ nếu ngưng thở khi ngủ liên quan đến tư thế
Bệnh viện Đa khoa Gia Đình đến nay đã trang bị hệ thống đo đa ký tiên tiến cùng đội ngũ bác sỹ, kỹ thuật viên được đào tạo chuyên sâu và giàu kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị, theo dõi tình trạng ngưng thở khi ngủ. Giờ đây, quý thân chủ không cần phải đi xa để khám và điều trị tình trạng ngưng thở khi ngủ, đặt lịch ngay tại FAMILY qua hotline 19002250.
ThS.BS. Lê Thị Hồng Duyên, Phó trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình