Những vấn đề sức khỏe phụ nữ hội chứng buồng trứng đa nang có thể đối mặt

Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovarian syndrome – PCOS) là rối loạn nội tiết thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản chiếm tỉ lệ từ 10 -20% trong dân số. Biểu hiệu của PCOS rất đa dạng, đặc trưng nhất là tình trạng rối loạn phóng noãn dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, cường androgen và hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm.

Dưới đây là những vấn đề sức khỏe phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang phải đối mặt:

Rối loạn kinh nguyệt, chậm con và các vấn đề trong thai kỳ

Các bằng chứng hiện nay đã cho thấy, phụ nữ có PCOS thường có rối loạn phóng noãn dẫn đến rối loạn kinh nguyệt biểu hiện ở triệu chứng lâm sàng kinh thưa, thậm chí là vô kinh thứ phát dẫn đến chậm con.

PCOS là bệnh lý hàng đầu liên quan đến tình trạng khó khăn trong việc mang thai ở nữ giới. Trung bình cứ 10 phụ nữ gặp vấn đề về hiếm muộn thì có 1 phụ nữ mắc PCOS. Và ước tính cứ trong 100 phụ nữ mắc PCOS thì có từ 25 đến 50 phụ nữ gặp vấn đề về mong con.

Bên cạnh đó, phụ nữ PCOS còn đối mặt với nhiều biến chứng trong thai kỳ như đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ, nguy cơ sanh non và tăng nguy cơ sẩy thai sớm hơn gấp 3 lần so với những phụ nữ bình thường. Hiện tại, việc kết hợp điều trị cùng các chuyên gia nội tiết và thay đổi lối sống cũng đang góp phần giúp cải thiện kết cục điều trị chậm con cũng như kết cục thai kỳ.

Cường androgen và nguy cơ bệnh lý

Phụ nữ PCOS có kiểu hình cường androgen, tác động tiêu cực lên khả năng sinh sản và gây các rối loạn chuyển hoá như đề kháng Insulin, rối loạn chuyển hoá lipid, gan nhiễm mỡ, các bệnh lý tim mạch,… Ở phụ nữ PCOS có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hoá, dễ tăng cân béo phì và tăng nguy cơ đái tháo đường.

Chất lượng cuộc sống của phụ nữ PCOS cũng bị ảnh hưởng thông qua những biến đổi về ngoại hình thứ phát theo sau sự mất cân bằng các nội tiết tố sinh dục, thể hiện bằng những hình ảnh vốn chỉ đặc trưng cho nam giới như rậm lông, hói đầu hay mụn trứng cá và thừa cân, béo phì.

Rậm lông

Trên lâm sàng, các dấu hiệu nam hoá rất đa dạng, có thể xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng cùng lúc. Một phụ nữ được gọi là rậm lông khi có những đặc điểm phân bố lông trưởng thành tương tự một người đàn ông. Hiện nay thang điểm Ferriman-Gallway sửa đổi được sử dụng để đánh giá bất thường về phân bố lông trên 9 vùng cơ thể và có thể nghĩ đến rậm lông khi tổng điểm từ 6 trở lên. Cơ chế bệnh sinh phổ biến của rậm lông là sự tăng quá mức nồng độ androgen trong máu. Nội tiết tố này góp phần làm tăng kích thước các nang lông, tăng khẩu kính và chiều dài của lông.
Lựa chọn đầu tay cho điều trị rậm lông ở những phụ nữ không có nhu cầu mang thai là thuốc tránh thai phối hợp đường uống (COCs). Bên cạnh đó, có thể dùng các antiandrogen để cạnh tranh với thụ thể androgen như spironolactone, finasteride, CPA…Tuy nhiên tất cả antiandrogen đều chống chỉ định khi mang thai do tác động lên quá trình biệt hoá giới tính ở thai nam, do vậy nên được dùng kèm với thuốc tránh thai. Bên cạnh đó, có thể lựa chọn biện pháp tẩy lông bằng laser hay các phương pháp cơ học khác vì dùng thuốc phải mất từ 6 tháng để thấy được hiệu quả trên lâm sàng.

Thang điểm Ferriman-Gallway đánh giá tình trạng rậm lông ở nữ giới

Mụn trứng cá

Chỉ có khoảng 15-30% phụ nữ PCOS trưởng thành gặp vấn đề về mụn trứng cá nhưng lại ảnh hưởng đến ngoại hình đặc biệt khi xuất hiện ở mặt. Triệu chứng mụn trứng cá được lý giải bởi sự tăng hoạt các tuyến bã do cường androgen máu, do đó thuốc tránh thai phối hợp đường uống và antiandrogen cũng có hiệu quả và cách sử dụng tương tự như điều trị rậm lông. Hiệp hội Nội tiết Mỹ cũng khuyến cáo nên sử dụng thuốc tránh thai phối hợp đường uống trong vòng 3-6 tháng, lượng mụn giảm 30-60% với sự cải thiện thấy được ở 50-90% bệnh nhân. Khi không thể cải thiện mụn bằng COCs phối hợp antiandrogen việc dùng kháng sinh, isotretinoin và quang trị liệu nên được cân nhắc.

Rụng tóc, hói đầu

Khi sự tăng quá mức các androgen lưu hành dẫn tới kích thích các đơn vị nang lông tuyến bã tăng sản xuất bã nhờn và trong một số trường hợp có thể bít hẹp các nang lông này gây thiểu dưỡng tóc, rụng tóc và hình thành triệu chứng hói đầu kiểu nam.

Béo phì

Phụ nữ bị PCOS dường như cũng có khả năng cao mang các kiểu gen nhạy cảm với nguy cơ béo phì. Béo phì ảnh hưởng đến các kiểu hình của PCOS, làm nặng hơn các triệu chứng về chuyển hoá, sinh sản, và các biểu hiện tâm thần. Tỷ lệ của tình trạng không dung nạp glucose và đái tháo đường type 2 cũng tăng cao hơn ở các phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang kèm thừa cân, đặc biệt là ở các nhóm chủng tộc nguy cơ cao. Trái lại, việc giảm cân giúp giảm mỡ vùng bụng và tình trạng đề kháng insulin, cải thiện các triệu chứng lâm sàng của hội chứng buồng trứng đa nang.

Béo phì có liên quan đến các tình trạng như rối loạn phóng noãn, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, thời gian mong con, vô sinh và mức độ đáp ứng với các biện pháp gây phóng noãn. Tình trạng béo phì cũng liên quan đến sự gia tăng các biến chứng trong thai kỳ như sẩy thai, tăng đường huyết, tiền sản giật, tử vong chu sinh, thai to; cũng như tăng nguy béo phì và rối loạn chuyển hoá ở trẻ sinh ra. Bệnh nhân béo phì nếu kèm tình trạng đề kháng insulin, đái tháo đường type 2 và hội chứng buồng trứng đa nang, các kết cục xấu có thể tồi tệ hơn so với từng bệnh lý cộng lại.

Các chuyên gia cho rằng đối với các bệnh nhân PCOS kèm béo phì nên trì hoãn việc điều trị vô sinh nếu có thể, nhằm tăng hiệu quả điều trị hiếm muộn đồng thời phòng tránh các biện chứng có thể xảy ra. Lối sống lành mạnh được khuyến cáo ở tất cả các phụ nữ PCOS nhằm duy trì cân nặng lý tưởng, tránh tăng cân. Bên cạnh đó, thay đổi chế độ ăn, tăng cường tập thể dục cũng giúp phụ nữ PCOS duy trì cân nặng lý tưởng, giảm tình trạng đề kháng insulin, giảm các nguy cơ về bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, một số trường hợp tự giảm cân rất khó và còn gây áp lực stress cho bệnh nhân, khi đó phụ nữ PCOS có thể tham vấn cùng bác sĩ dinh dưỡng nội tiết để điều trị béo phì bằng thuốc mang lại hiệu quả nhanh chóng và an toàn hơn thay vì tự sử dụng các thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Đối với phụ nữ nói chung, ngoại hình làm nên danh xưng phái đẹp và hoàn thiện về ngoại hình là một đòi hỏi chính đáng. Những phụ nữ không may có hội chứng buồng trứng đa nang, họ không chỉ đối mặt với vấn đề vô sinh hiếm muộn mà việc chăm sóc về ngoại hình cũng nên được chú trọng nhằm cải thiện đời sống tinh thần và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, còn là những vấn đề ảnh hưởng đến sức khoẻ về lâu dài do rối loạn chuyển hoá nội tiết gây ra.

Tuy nhiên, các triệu chứng cũng như biến chứng do PCOS gây ra có thể hoàn toàn đẩy lùi bằng cách thay đổi lối sống, duy trì cân nặng và thay đổi chế độ ăn. Do đó, cần phải đánh giá đúng, tiếp cận đúng cũng như cung cấp thông tin và tư vấn điều trị bằng thuốc kết hợp thay đổi lối sống cho phụ nữ có PCOS. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình đang tư vấn điều trị các vấn đề do Hội chứng buồng trứng đa nang gây ra với sự phối hợp đa chuyên khoa: Nội tiết, Thẩm mỹ, Dinh dưỡng, IVF, Sản phụ khoa nhằm mang lại một cuộc sống chất lượng về cả sức khoẻ và tinh thần cho phụ nữ.

BS. Nguyễn Đỗ Thị Phương Thảo, BS. Mai Đức Tiến
Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình

Tài liệu tham khảo:

[1] H. J. Teede et al., “Recommendations from the international evidence-based guideline for the assessment and management of polycystic ovary syndrome,” Fertil Steril, vol. 110, no. 3, pp. 364–379, Aug. 2018, doi: 10.1016/j.fertnstert.2018.05.004.

[2] D. Lizneva, L. Suturina, W. Walker, S. Brakta, L. Gavrilova-Jordan, and R. Azziz, “Criteria, prevalence, and phenotypes of polycystic ovary syndrome,” Fertil Steril, vol. 106, no. 1, pp. 6–15, Jul. 2016, doi: 10.1016/j.fertnstert.2016.05.003.

[3] “Partner Guideline: International Evidence-based Guideline for the Assessment and Management of Polycystic Ovary Syndrome 2023 | ESE.” Accessed: Aug. 20, 2024.