Được xuất bản vào năm 2010, phiên bản thứ V của cuốn cẩm nang do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) biên soạn cho phòng xét nghiệm đánh giá và xử lý tinh dịch người được xem là một trong những tài liệu quan trọng nhất trong lĩnh vực nam học và vô sinh. Phân tích tinh dịch theo tiêu chuẩn của WHO 2010 được áp dụng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các phòng xét nghiệm nam khoa trên toàn thế giới.
Vào tháng 7 năm 2021, phiên bản thứ VI của cuốn cẩm nang này đã được WHO ban hành (gọi tắt là WHO 2021). Sự ra đời của cuốn cẩm nang này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong quy trình thực hiện và kết quả của xét nghiệm tinh dịch đồ (TDĐ). Sơ lược một số thay đổi lớn trong xét nghiệm tinh dịch đồ bao gồm:
1. Thay đổi hệ thống phân loại khả năng di động của tinh trùng. Tỷ lệ di động của tinh trùng được phân làm bốn nhóm: tiến tới nhanh; tiến tới chậm; không tiến tới và bất động (ký hiệu lần lượt là a, b, c, d).
2. Các đặc điểm tỷ lệ sống, mật độ và hình dạng tinh trùng đều có sự điều chỉnh về cách đánh giá. Các bất thường về hình dạng của tinh trùng cũng được mô tả chi tiết hơn.
3. Các thông số tham chiếu có sự thay đổi so với phiên bản WHO 2010. Các thông số này là kết quả phân tích số liệu thu nhận từ các nghiên cứu trên 3500 nam giới có khả năng sinh sản bình thường, từ 12 quốc gia, 5 châu lục. Kết quả này mang tính đại diện toàn cầu hơn cho nam giới so với phiên bản trước.
4. Sử dụng khái niệm “giới hạn quyết định” trong lâm sàng nhằm giải thích rằng: Một kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ không được dùng để nhận định rằng một nam giới có khả năng sinh sản hay vô sinh mà nhằm cung cấp những thông tin để đưa ra các quyết định liên quan đến việc can thiệp, điều trị hoặc khảo sát sâu hơn.
Ngoài ra theo cập nhật WHO 2021: “Không nên dùng máy xét nghiệm tinh trùng tự động trong lâm sàng”. Máy xét nghiệm tinh trùng tự động (CASA) với rất nhiều phiên bản khác nhau đã được giới thiệu trên thế giới từ gần 30 năm qua. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của WHO 2021, các loại thiết bị đắt tiền này ít có giá trị trên lâm sàng do có rất nhiều sai số, chỉ nên sử dụng trong các nghiên cứu chuyên sâu, để thu thập thêm một số các chỉ số tinh trùng bổ sung thêm khi làm nghiên cứu.
Theo chia sẻ của Thạc sĩ Bác sĩ Hồ Mạnh Tường – Tổng thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh thành phố Hồ Chí Minh về giá trị tham khảo khi đọc một kết quả Tinh dịch đồ theo WHO 2021:
“Nhiều đồng nghiệp và các cặp vợ chồng không hiểu giá trị ngưỡng tham khảo khi đọc Tinh dịch đồ, dẫn đến hiểu và diễn giải sai kết quả. Sau khi làm xét nghiệm TDĐ, ta có được kết quả là một dãy số. Sau đó bác sĩ và chuyên viên y tế sẽ đối chiếu với ngưỡng tham khảo và giải thích kết quả. Ngưỡng này thật ra không phải là giá trị để chẩn đoán bình thường hay bất thường. Các con số này được trích từ số liệu phân tích kết quả của nam giới có con tự nhiên bình thường. Các con số này thật ra là bách phân vị thứ 5 của số liệu từ rất nhiều nam giới bình thường. Nghĩa là khoảng 95% nam giới bình thường có kết quả lớn hơn số này và khoảng 5% nam giới bình thường có kết quả thấp hơn số này. Do đó nếu kết quả dưới các con số này cũng không nói được là người đó bị hiếm muộn và ngược lại. Chỉ khẳng định nguyên nhân hiếm muộn/vô sinh do nam giới khi các số liệu tinh trùng là rất thấp hoặc hoàn toàn không có tinh trùng, nhóm này chiếm khoảng 10% các trường hợp đi khám hiếm muộn. Chúng ta chỉ đối chiếu kết quả với ngưỡng tham khảo để có đánh giá sơ bộ về khả năng sản xuất tinh trùng của người chồng. Từ đó, bác sĩ phối hợp với các yếu tố khác của hai vợ chồng để tư vấn và định hướng điều trị”.
Từ ngày 01/09/2021, Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY chính thức áp dụng đánh giá Tinh dịch đồ theo hướng dẫn của WHO 2021. Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, kiểm tra và tư vấn kết quả xét nghiệm Tinh dịch đồ xin vui lòng liên hệ Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY, Tầng 3 Bệnh viện Gia Đình. Số điện thoại hotline: 0911 308 070.
ThS. Nguyễn Thị Liên Thi
Bs. Mai Đức Tiến
Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY
Khoa Phụ Sản – Bệnh viện Đa khoa Gia Đình
Tài liệu tham khảo :
- WHO laboratory manual for the examination and processing of human semen, Sixth edition