Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ (mini – pcnl) tại Bệnh viện Đa khoa Gia đình

Sỏi thận là bệnh lý rất phổ biến, với kích thước đôi khi chỉ bằng đầu đinh ghim nhưng sỏi lại gây ra cơn đau nặng nề, dai dẳng cho bệnh nhân. Làm thế nào để đưa sỏi ra khỏi cơ thể, hạn chế ít nhất khó khăn, đau đớn cho người bệnh? Tại bệnh viện Đa khoa Gia Đình vừa triển khai phương pháp Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ (Mini – PCNL) với hiệu quả điều trị vượt trội, giúp bệnh nhân không phải chịu một cuộc mổ kéo dài với đường mổ lớn trên cơ thể.

1. Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ (mini – PCNL) là phương pháp gì?

Tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ (Mini-PCNL: Minimal invasive percutaneous nephrolitholapaxy) là một trong những phẫu thuật nội soi điều trị sỏi thận tiên tiến nhất hiện nay.
Thông qua một đường hầm nhỏ 18Fr (tương đương 0,6 cm) được tạo từ hông lưng bệnh nhân vào thận, dưới sự dẫn đường của sóng siêu âm, các bác sỹ sẽ sử dụng tia Holmium laser (laser công suất lớn) để tán nhỏ, làm sạch và đưa sỏi ra khỏi cơ thể bệnh nhân trong một lần điều trị.

Dưới sự dẫn đường của sóng siêu âm bác sỹ sử dụng tia laser công suất lớn để tán nhỏ và đưa sỏi ra khỏi cơ thể bệnh nhân

2. Ưu điểm của phương pháp tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ (mini – PCNL)?

  • Tỷ lệ thành công cao: từ 90-100%, tùy thuộc vào các đặc điểm của sỏi.
  • Hạn chế tối đa tình trạng sót sỏi nhờ khả năng quan sát được toàn bộ đài bể thận trong quá trình thực hiện.
  • Ít tổn hại đến thận, ảnh hưởng của nội soi tán sỏi qua da tới chức năng thận chỉ <1%, trong khi đó nếu dùng phương pháp mổ mở lấy sỏi có thể gây nguy cơ mất đến >30% chức năng thận.
  • Với vết mổ có kích thước nhỏ, giảm tối đa tình trạng mất máu, nhiễm trùng, biến chứng sau mổ.
  • Phẫu thuật nội soi nhẹ nhàng, ít đau, vết sẹo thẩm mỹ (kích thước vết mổ chỉ 0,6 cm).
  • Thời gian nằm viện và hồi phục ngắn, bệnh nhân có thể sớm trở lại sinh hoạt.
  • Nhờ sử dụng sóng siêu âm để dẫn đường vào thận, bệnh nhân không phải đối mặt với nguy cơ nhiễm tia xạ trong X quang.

3. Quy trình thực hiện tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ (mini-PCNL) tại Bệnh viện Đa khoa Gia Đình?

Tại bệnh viện Đa khoa Gia Đình tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ (mini-PCNL) sử dụng bộ nong 18 Fr, cho phép phẫu thuật đạt tỉ lệ thành công cao với sự sạch sỏi tăng và giảm được các tai biến, biến chứng sau điều trị.
Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, bệnh nhân sẽ thực hiện phẫu thuật nếu tình trạng sức khỏe ổn định. Thời gian thực hiện kéo dài từ một đến hai giờ.

Bệnh nhân được tán sỏi bằng laser từ đường thắt lưng với vết mổ chỉ 0,6 cm

  • Bước 1: Bệnh nhân được vô cảm bằng phương pháp gây tê tủy sống hoặc gây mê.
  • Bước 2: Bệnh nhân ở tư thế sản khoa, Bác sỹ đưa ống soi vào bàng quang lên niệu quản và soi vào bể thận đặt ống thông (Catheter) niệu quản. Hình ảnh bên trong đường tiết niệu sẽ được quan sát trên màn hình có độ phân giải cao.
  • Bước 3: Bệnh nhân được chuyển tư thế nằm nghiêng. Dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ sẽ chọc dò kim rất nhỏ vào đài thận, nong dần dần bằng bộ nong chuyên dụng để tạo đường hầm cỡ 18 Fr (khoảng 6 mm) để đưa dụng cụ soi và thiết bị tán sỏi vào thận. Đây là công đoạn khó nhất và quan trọng nhất của phẫu thuật đòi hỏi trình độ chuyên môn và tay nghề cao ở bác sỹ.
  • Bước 4: Bác sỹ xác định vị trí sỏi, số lượng sỏi và tán vụn sỏi bằng Holmium Laser 80W kết hợp bơm rửa lấy mảnh sỏi hoặc dùng pince gắp sỏi ra khỏi cơ thể.
  • Bước 5: Sau phẫu thuật, bác sỹ sẽ để lại một ống dẫn lưu trong niệu quản, trong thận và niệu đạo để dẫn lưu nước tiểu, các ống này được kiểm tra hàng ngày và rút khi tình trạng ổn định.

Bộ dụng cụ thực hiện tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ (mini-PCNL)

4. Những nguy cơ khi thực hiện tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ (mini-PCNL)?

Mặc dù phương pháp này đã được chứng minh là an toàn, với tỉ lệ thành công trong điều trị sỏi cao, tuy nhiên bệnh nhân cũng có nguy cơ đối mặt với những biến chứng:

  • Chảy máu, tiểu máu.
  • Nhiễm khuẩn, tổn thương các cơ quan lân cận.
  • Sót mảnh sỏi vụn, tụ dịch (nước tiểu) sau phẫu thuật.
  • Không tạo được đường hầm vào thận.
  • Hấp thu quá nhiều dịch tưới.
    Để hạn chế những biến chứng có thể xảy ra, bệnh nhân cần lựa chọn điều trị ở cơ sở y tế đảm bảo, có đội ngũ bác sỹ, kỹ thuật viên lành nghề và phương tiện phẫu thuật hiện đại.

5. Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ (mini – PCNL) được áp dụng cho những đối tượng nào?

Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ mini – PCNL được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân có sỏi thận thuộc một trong những đối tượng sau:

  • Bệnh nhân có sỏi thận và sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên có kích thước ≥ 20mm.
  • Bệnh nhân có chống chỉ định hoặc sau khi thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể thất bại.
  • Bệnh nhân có sỏi thận kèm với bệnh lý tiết niệu có thể can thiệp hiệu quả qua đường nội soi thận.
  • Bệnh nhân có sỏi đài thận dưới có góc giữa trục đài dưới với bể thận hẹp và lỗ đài thận nhỏ có thể cân nhắc điều trị.
    Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ mini – PCNL là phương pháp kỹ thuật cao, nhẹ nhàng, mang tính an toàn và hiệu quả cao, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh. Kỹ thuật hiện đại này được áp dụng thường quy cho các bệnh nhân có sỏi thận tại Bệnh viện Đa khoa Gia Đình kể từ năm 2021.

Bác sỹ Đặng Phước Đạt
Khoa Ngoại – Bệnh viện Đa khoa Gia Đình