Hội chứng lú lẫn (HCLL) là hội chứng thường gặp trong chuyên khoa tâm thần cũng như các chuyên khoa khác. Theo tài liệu thống kê của nước ngoài, tỷ lệ nhập viện do HCLL từ 10 -15%.
HCLL là một hội chứng cấp cứu về y khoa, có rất nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, nhiễm độc, chấn thương… xảy ra tại não hay tại các cơ quan khác của cơ thể có ảnh hưởng đến não. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Ngược lại phát hiện muộn, điều trị không đúng sẽ để lại những di chứng nghiêm trọng về tâm thần kinh… đôi khi gây tử vong. HCLL có khi xảy ra đột ngột ở người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh nhưng cũng hay xảy ra từ từ ở những người có một bệnh có sẵn như suy gan, suy thận, suy hô hấp, nhồi máu cơ tim…
Những biểu hiện thường thấy mà người nhà cũng như nhân viên y tế có thể nhận ra được:
– Khi tiếp xúc: Bệnh nhân thường nằm yên sững sờ, ánh mắt lúc nhìn xa xăm, lúc nhìn trừng trừng, lúc lộ vẻ kinh ngạc, lúc lại ngơ ngác, đờ đẫn, lúc dửng dưng…
– Khi giao tiếp ngôn ngữ: Hỏi bệnh nhân thường trả lời rất chậm, hỏi đi hỏi lại mới trả lời, trả lời nhát ngừng từng câu. Bệnh nhân nói ấp úng, trả lời rời rạc, có khi hỏi một đằng trả lời một nẻo, hoặc thường trả lời không biết… đôi khi phải gợi ý nhiều lần bệnh nhân mới trả lời, có khi sững sờ không nói, có khi không hỏi bệnh nhân lại lẩm bẩm một mình những câu vô nghĩa khó hiểu, có khi la hét sợ hãi…
– Hành vi: Hành vi thường không ăn nhập liên quan với xung quanh, với cảm xúc của chính bệnh nhân. Khi thì sững sờ im lặng, khi thì bồn chồn hoảng hốt bỏ chạy, khi thì vùng vẫy chống đối kháng cự, khi thì cười ngây dại, khi thì khóc hu hu, có lúc đập phá cào cấu, chân tay run rẩy, loạng choạng, khi đi phải có người dìu, phải xốc nách lết từng bước chậm chạp, đặc biệt khó khi phải lên cầu thang…
– Cảm xúc: Cảm xúc của bệnh nhân thường không ổn định, lúc thì sững sờ, ngơ ngác, lúc lo sợ cuống cuồng, lúc ngây ngô, nhưng thường ở trạng thái bối rối hay hỏi lặp lại những câu: ” Cái gì xảy ra thế?”, “Tôi đang ở đâu thế?”, “Các anh muốn gì ở tôi?”…
– Các rối loạn tri giác: Bệnh nhân thường hay thấy ảo thị đó là những cảnh sinh hoạt kì lạ hay các cảnh kì quái gây cảm xúc lo sợ kinh hoàng, có khi là những cảnh đẹp mê hồn làm cho bệnh nhân sững sờ, say đắm, có lúc nhìn thấy cảnh người chết, các súc vật kỳ lạ như chuột, bọ, rắn rết nhung nhúc, các cảnh tượng thay đổi không ngừng giống như xem “lăng kính vạn hoa”, bệnh nhân lúc nhìn chăm chú, lúc sợ hãi tùy theo nội dung cảnh tượng nhìn thấy. Đi kèm các ảo thị là các ảo thanh thường là những tiếng la hét gọi tên bệnh nhân doạ giết làm cho bệnh nhân hoảng sợ, có khi bệnh nhân lại nghe thấy những bản nhạc dân ca say đắm.
Các rối loạn tri giác thường kèm theo các hoang tưởng cảm thụ trực tiếp với nội dung bị săn đuổi, bị truy hại hay biến hình thành chim thú cùng với những hiện tượng giải thể nhân cách như cảm giác người nhẹ bẫng có thể bay bổng hay nặng như chì… gây nên những rối loạn hành vi như đã mô tả ở trên hay các hành vi nguy hiểm như nhảy qua cửa sổ, qua ban công…
– Rối loạn ý thức: Ý thức của bệnh nhân thường u ám, mờ tối như bị sương mù bao phủ làm cho bệnh nhân thường nhận nhầm sai lệch môi trường xung quanh. Bệnh nhân không nhận ra người thân, lẫn lộn người này với người khác, lẫn lộn ngày đêm. Khi hỏi về ngày tháng thường trả lời không đúng, ngay cả khi hỏi về bản thân như tên tuổi, ngày sinh, bệnh nhân cũng trả lời sai một cách ngây ngô kỳ cục, làm cho người nhà cảm thấy bệnh nhân như là một người khác không giống như mọi khi.
Đặc điểm chung của HCLL thường diễn biến thay đổi liên tục xen kẽ là những khoảng tỉnh táo ngắn ngủi hiếm hoi. Các rối loạn tâm thần thường tăng lên rõ rệt về chiều tối hoặc khi tri giác bị trở ngại. Ngoài các biểu hiện đa dạng về tâm thần, bệnh nhân trong HCLL thường đi kèm các rối loạn thần kinh và cơ thể:
– Bệnh nhân thường có sốt, da khô hay mồ hôi đầm đìa, mất nước, mặt hốc hác, môi khô, lưỡi khô, trắng bẩn… do bệnh nhân không tự săn sóc, do không được quan tâm, bị bỏ quên.
– Tim nhịp nhanh, huyết áp dao động, tiểu ít, vô niệu, có khi tiểu không tự chủ. Chân tay thường run, cầm đồ vật lóng ngóng, đi lại loạng choạng, dễ ngã, tăng phản xạ gân xương, đồng tử giãn, hay có hiện tượng nhai tự động một cách liên tục kéo dài giống như “ăn trầu hay nhai kẹo cao su”.
– Thường thấy rối loạn giấc ngủ, ngủ mộng mị mê sảng, ngày ngủ gà ngủ gật nhưng đêm lại thức bồn chồn vật vã…
Cận lâm sàng thường thấy:
– Bạch cầu tăng, máu lắng tăng…
– Điện não đồ thường thấy nhiều hoạt động beta và delta khu trú hay lan tỏa toàn bộ hay cả hai bán cầu, hoặc có những bất thường trên phim chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ…, hoặc có những thay đổi về các chỉ số sinh hoá khác như: urê, creatinin, men gan… hoặc các thay đổi trong dịch não tủy…
Diễn biến: Nếu chẩn đoán sớm, điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi nhanh không để lại di chứng. Nếu phát hiện muộn, điều trị không tích cực, rối loạn kéo dài sẽ để lại di chứng thần kinh tâm thần, có thể tử vong. Tóm lại, HCLL là một hội chứng phổ biến gặp nhiều chuyên khoa nên cần có sự phối hợp chẩn đoán điều trị. Thực tế hội chứng này thường không được chẩn đoán sớm, bệnh nhân phải đi vòng vèo mất nhiều thời gian, khi phát hiện thường có những biến chứng nặng, điều trị khó, chậm phục hồi, để lại nhiều di chứng…