Những điều cần biết về nhiễm trùng sơ sinh

1. Nhiễm trùng sơ sinh là gì?
– Nhiễm trùng sơ sinh là các bệnh lý nhiễm trùng xảy ra trong giai đoạn từ lúc sinh đến 28 ngày tuổi, đây là bệnh lý thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong giai đoạn sơ sinh.
– Đặc điểm lâm sàng của nhiễm trùng sơ sinh do vi khuẩn thường không điển hình, có thể có nhiều biểu hiện phối hợp, diễn tiến nặng và tử vong nhanh chóng. Do đó, cần phải phát hiện và điều trị sớm trước khi bệnh diễn tiến nặng.
– Nhiễm trùng sơ sinh gồm:
+ Nhiễm trùng sơ sinh sớm hay còn gọi là nhiễm trùng huyết sơ sinh: thường khởi phát trong 72h đầu sau sinh.
+ Nhiễm trùng sơ sinh muộn: khởi phát sau 72h sau sinh, có thể nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm trùng khu trú tại cơ quan.

2. Nguyên nhân nào gây ra nhiễm trùng sơ sinh?
– Nhiễm trùng sơ sinh sớm khởi phát có liên quan đến sự lây truyền các vi sinh vật từ mẹ. Sự lây nhiễm trực tiếp qua nhau thai hoặc lan dần từ đường âm đạo, sinh dục của mẹ, hoặc trẻ lây nhiễm khi đi qua đường sinh dục của mẹ lúc sinh.
– Nhiễm trùng sơ sinh thứ phát thường là hậu quả của sự xâm nhập bất thường của vi khuẩn và các yếu tố miễn dịch chưa trưởng thành ở trẻ sơ sinh. Con đường lây nhiễm: đường tiêu hóa (sữa), hô hấp, da và mạch máu do các dụng cụ lây nhiễm, đường tiểu, nhiễm trùng bệnh viện do vệ sinh và vô trùng kém.

3. Những trẻ sơ sinh nào có nguy cơ cao mắc bệnh này?
Đối với nhiễm trùng sơ sinh sớm trẻ thường có tối thiểu một yếu tố nguy cơ:
– Sinh non tự nhiên dưới 34 tuần tuổi thai.
– Mẹ có bằng chứng nhiễm trùng.
– Ối vỡ >24 giờ ở trẻ có tuổi thai > 34 tuần.
– Phân lập được liên cầu nhóm B ở mẹ.
– Bệnh lý nhiễm liên cầu nhóm B ở trẻ trước đó.
– Trường hợp đa thai đã có một trẻ khẳng định hoặc nghi ngờ nhiễm trùng.

4. Những trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh thường có biểu hiện như thế nào?
Các triệu chứng nhiễm trùng sơ sinh sớm thường không đặc hiệu, dễ bị bỏ sót. Vì vậy nếu trẻ có yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng, cần theo dõi sát các biểu hiện lâm sàng của trẻ.
– Suy hô hấp, cơn ngưng thở với giảm độ bão hòa oxy (SpO2) và chậm nhịp tim.
– Thay đổi tri giác, thay đổi trương lực cơ, dấu hiệu của bệnh não.
– Vàng da sớm, da có vân tím.
– Bú kém, bất dung nạp khi ăn qua đường tiêu hóa (bụng chướng, nôn).
– Rối loạn nhịp tim, trẻ cần hồi sưc tim phổi sau sinh.
– Xuất huyết, giảm tiểu cầu không giải thích được, thiểu niệu kéo dài sau 24h.
– Nhiễm toan chuyển hoá, hạ glucose máu hoặc tăng glucose máu.
– Sốt dai dẳng hay hạ thân nhiệt bất thường.
– Dấu hiệu nhiễm trùng khu trú (mắt, da,…).
Triệu chứng của nhiễm trùng sơ sinh muộn cũng tương tự như nhiễm trùng sơ sinh sớm: nhiễm trùng huyết và/hoặc biểu hiện nhiễm trùng khu trú.
Những cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán bệnh:
– Công thức máu.
– Cấy máu.
– Protein phản ứng viêm: CRP, PCT.
– Các xét nghiệm khác tùy thuộc cơ quan nghi ngờ nhiễm trùng

5. Có thể điều trị nhiễm trùng sơ sinh bằng cách nào?
5.1. Điều trị hỗ trợ
– Đảm bảo điều trị theo các bước A B C D.
– Điều chỉnh các rối loạn đi kèm: rối loạn thân nhiệt, rối loạn nước điện giải, rối loạn toan kiềm,…
– Cung cấp năng lượng (qua đường tiêu hóa hoặc ngoài đường tiêu hóa).

5.2. Điều trị đặc hiệu
– Quyết định sử dụng kháng sinh cho trẻ sơ sinh trong vòng 72 giờ đầu thường được chỉ định dựa vào yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng sơ sinh sớm và triệu chứng lâm sàng.
– Lựa chọn kháng sinh sử dụng tùy thuộc vào vi khuẩn gây bệnh.
– Trong quá trình điều trị trẻ được theo dõi diễn tiến các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng.
– Thời gian điều trị kháng sinh tùy thuộc vào chủng vi khuẩn gây bệnh, cơ quan nhiễm trùng và đáp ứng điều trị của trẻ.

6. Nhiễm trùng sơ sinh có thể gây ra những biến chứng nào cho trẻ?
– Nhiễm trùng sơ sinh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
– Đây là giai đoạn hoàn thiện và phát triển nhanh chóng của các cơ quan trong cơ thể, bất kì sự gián đoạn nào đều ảnh hưởng đến quá trình phát triển và tăng trưởng của trẻ bao gồm: Sự phát triển về thần kinh, tâm lí, hệ hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, các giác quan,… và có thể tử vong nếu nhiễm trùng nặng.

7. Làm thế nào để phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh cho trẻ?
7.1. Giai đoạn trước sinh
– Sàng lọc và điều trị tốt trường hợp nhiễm khuẩn âm đạo do liên cầu beta tan máu nhóm A.
– Sử dụng kháng sinh phù hợp trong trường hợp vỡ ối non.
– Hạn chế sinh mổ không theo chỉ định sản khoa.

7.2. Giai đoạn trong và ngay sau sinh
– Thực hiện da kề da mẹ, kẹp cắt rốn muộn và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, nhất là lượng sữa non trong những ngày đầu sau đẻ.

Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ

– Hạn chế cách ly mẹ con không cần thiết: giảm tỉ lệ trẻ nhập vào đơn vị sơ sinh, giảm tỉ lệ sử dụng kháng sinh.

7.3. Tại đơn vị chăm sóc tích cực
– Rửa tay: là biện pháp hiệu quả nhất trong việc làm giảm tỉ lệ nhiễm trùng bao gồm rửa tay thường quy bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

– Áp dụng thủ thuật vô trùng.
– Bổ sung dinh dưỡng qua đường tiêu hóa sớm sau khi ổn định trẻ và cho ăn bằng sữa mẹ.
– Chăm sóc Kangaroo cho trẻ sinh non làm giảm thời gian nằm tại đơn vị hồi sức, tạo điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ, giảm nguy cơ nhiễm trùng.
– Sử dụng kháng sinh hợp lý.

Khoa Nhi – Bệnh viện ĐK Gia Đình thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em từ sơ sinh đến lứa tuổi thiếu niên. Đội ngũ y bác sỹ tận tâm, giàu kinh nghiệm, hiểu rõ tâm lý và những nỗi sợ của các bé. Với sự hỗ trợ của trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, phòng bệnh tiện nghi, thoáng mát cùng không gian thân thiện, gần gũi, giúp các bé cảm thấy thoải mái, quên đi nỗi sợ và vững tâm lý khi điều trị tại đây. Family sẽ là gia đình và là người bạn thân của bé!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...