Bệnh co thắt tâm vị

Các biểu hiện bệnh co thắt tâm vị

– Người bệnh thường có diễn biến từ từ, ít cấp tính với các biểu hiện cơ năng:

+ Đau ngực sau xương ức hoặc cảm giác đè ép ở ngực nhất là sau khi nuốt.

+ Nuốt khó, cảm giác ứ lại ở vùng ngực, người bệnh phải uống thêm nước khi ăn. Nuốt khó xuất hiện thất thường lúc có lúc không.

+ Cảm giác nghẹn, ợ, trào ngược thức ăn xuát hiện sau ăn, khiến bệnh nhân có cảm giác sợ ăn

– Khi khám thực thể: có thể gặp tình trạng gày, suy kiệt do ăn kém. Nếu đặt ống nghe ở múi ức có thể nghe thấy tiếng nuốt ừng ực khi uống nước do tâm vị bị co thắt, nước đi qua chỗ hẹp nên phát ra tiếng động

Một số các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh co thắt tâm vị

– Chụp Xquang thực quản uống thuốc cản quang Baryte:

+ Lòng thực quản giãn rộng nhu động kém; thành thực quản vẫn nhẵn, phẳng

+ Phần thực quản – tâm vị thuôn nhỏ lại như đuôi củ cải (hình đầu bút chì) nhưng vẫn rõ nét, đều đặn.

+ Không nhìn thấy túi hơi dạ dày

– Nội soi thực quản dạ dày:

+ Thực quản giãn rộng, đọng thức ăn cũ, mới, nhiều nước

+ Niêm mạc thực quản thường xung huyết, trợt thậm trí loét

+ Nội soi giúp phát hiện nguyên nhân gây giãn thực quản như ung thư tâm vị, thoát vị hoành, khối u trung thất đè vào thực quản… để chẩn đoán phân biệt.

+ Cơ thắt thực quản dưới co thắt chặt, máy nội soi đi qua rất vướng, khó khăn

– Đo áp lực thực quản giúp chẩn đoán xác định: cơ thắt thực quản dưới thư giãn không hoàn toàn, trương lực thực quản đoạn 1/3 dưới tăng > 30 mmHg.

Một số phương pháp điều trị bệnh co thắt tâm vị     

Điều chỉnh chế độ ăn:

Cần duy trì chế độ ăn phù hợp như ăn thức ăn lỏng đủ calo, ăn nhiều lần trong ngày, ưỡn cổ ra phía sau khi nuốt, thở ra mạnh để thức ăn dễ đi xuống, uống nước ấm nóng…, hạn chế ăn nhiều vào tối trước đi ngủ, đề phòng trào ngược khi nằm ngủ.

Không uống rượu, không hút thuốc, hạn chế các loại thực phẩm có nhiều gia vị, hành tỏi, không nên uống nước lạnh, ….

Chế độ điều trị bằng dùng thuốc:

Thuốc an thần (seduxen…), thuốc giảm co thắt (Spasmaverin, Nospa…), thuốc giãn cơ thắt thực quản dưới (chẹn kênh canxi, isosorbit dinitrat…), truyền đạm, máu khi suy kiệt…

Tiêm độc tố Botulinum

Đây là loại độc tốc lấy từ vi khuẩn độc thịt trực tiếp vào cơ thắt thực quản dưới dưới nội soi, chất này thường được dùng trong thẩm mỹ, làm đẹp vì tác dụng căng da mặt. Bolulium có tác dụng làm giãn tạm thời cơ thắt thực quản dưới, hết nuốt nghẹn.

Các biện pháp tâm lý liệu pháp: thiền, Yoga, giải stress,…

Điều trị can thiệp bằng nội soi:

Nong lỗ tâm vị khi có hẹp bằng nóng hơi, hiện nay đây là phương pháp hay được áp dụng nhất trên thế giới. Người ta dùng 1 bóng hơi có đồng hồ đo áp lực, đưa vào lòng thực quản qua máy sội soi. Tiến hành bơm căng bóng hơi giúp làm giãn tối đa cơ thắt thực quản dưới, có thể xé rách cơ thắt gây mất tác dụng co thắt. Phương pháp nên được tiến hành một số lần để đạt hiệu quả tối đa.

Bằng nội soi có thể dùng dao cắt trong niêm mạc thực quản đoạn 1/3 dưới, tạo đường hầm rồi cắt đứt cơ thắt dưới thực quản, đây là phương pháp mới nhất hiện nay trên thế giới, đòi hỏi trình độ kỹ thuật của bác sĩ nội soi phải rất cao.

Điều trị bằng phẫu thuật ngoại khoa:

Phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở ngực – bụng (phương pháp Heller), phương pháp này được áp dụng khi các biện pháp điều trị nội khoa và nội soi không đạt kết quả. Tuy nhiên cũng có một số biến chứng và phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật.