Bệnh lý lạc nội mạc tử cung: Những điều cần biết

1. Lạc nội mạc tử cung là gì?
– Lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là tình trạng tổ chức nội mạc tử cung (gồm biểu mô và mô đệm tuỳ hành) phát triển ngoài buồng tử cung, ở đó nội mạc tử cung tiếp tục chịu ảnh hưởng của hormon sinh dục, phát triển và thoái triển theo chu kỳ kinh nguyệt.
– Đây là bệnh lý phụ khoa mạn tính, phức tạp và dễ tái phát.
– Vị trí có thể gặp:
+ LNMTC ở buồng trứng.
+ LNMTC vào cơ tử cung.
+ LNMTC ở phúc mạc.
+ LNMTC sâu.
Bệnh nhân có thể mắc lạc nội mạc tử cung ở một hoặc nhiều vị trí trên.

Lạc nội mạc tử cung

2. Nguyên nhân nào gây ra lạc nội mạc tử cung?
Hiện tại nguyên nhân cụ thể gây bệnh vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên có một số cơ chế liên quan đến bệnh:
– Kinh nguyệt bị trào ngược lên ống dẫn trứng và khu vực chậu thay vì thoát ra ngoài cơ thể. Những tế bào lạc chỗ này dính vào thành khu vực chậu, bề mặt của các cơ quan trong khu vực chậu và tiếp tục phát triển.
– Sự biến đổi của tế bào phúc mạc: các hormon hoặc các yếu tố miễn dịch thúc đẩy quá trình biến đổi của tế bào phúc mạc thành tế bào nội mạc tử cung.
– Sẹo để lại do phẫu thuật: sau một số loại phẫu thuật như phẫu thuật cắt tử cung, mổ lấy thai,… tế bào nội mạc tử cung có thể dính lên vết mổ.
– Tế bào nội mạc tử cung dịch chuyển: các mạch máu hoặc dịch của mô có thể làm các tế bào nội mạc tử cung dịch chuyển đến các phần khác của cơ thể.

3. Các triệu chứng thường gặp của lạc nội mạc tử cung là gì?
– Triệu chứng phổ biến nhất là đau ở vùng chậu, thường trong giai đoạn hành kinh. Cơn đau có xu hướng tăng dần theo thời gian.
– Đau khi giao hợp, khi đi tiểu, khi thay đổi tư thế. Đau tùy theo vị trí khối lạc nội mạc.
– Cường kinh hoặc rong kinh rong huyết.
– Các biểu hiện và triệu chứng khác như mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn,… diễn ra trong suốt đợt hành kinh.

4. Lạc nội mạc tử cung gây ra những biến chứng nào?
– Vô sinh là biến chứng chính của bệnh:
+ Gặp ở khoảng 1/3 phụ nữ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung.
+ Tuy nhiên, lạc nội mạc tử cung mức độ nhẹ đến vừa vẫn có thể mang thai.
+ Đối với bệnh nhân lạc nội mạc tử cung không nên trì hoãn việc có con, vì các triệu chứng có thể nặng lên theo thời gian.
– Băng huyết, băng kinh gây thiếu máu.
– Ung thư: một tỉ lệ nhỏ lạc nội mạc tử cung có thể gây ra ung thư buồng trứng.
– Ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống do cảm giác đau ngày càng tăng theo thời gian, không chỉ trong chu kỳ kinh mà kéo dài sau khi sạch kinh.

5. Điều trị lạc nội mạc tử cung bằng phương pháp nào?
– Điều trị lạc nội mạc tử cung thường phối hợp cả 2 biện pháp là dùng thuốc và phẫu thuật.
– Tùy vào mức độ nặng nhẹ của triệu chứng và mong muốn có thai của bệnh nhân, bác sỹ sẽ quyết định lựa chọn phương pháp phù hợp. Thông thường bác sỹ sẽ ưu tiên phương pháp điều trị bảo tồn bằng thuốc trước, sau đó mới đến phẫu thuật.
– Điều trị bệnh lý, cơn đau và điều trị vô sinh là hai phương pháp điều trị khác nhau, trong đó điều trị vô sinh được ưu tiên.
– Bệnh nhân lạc nội mạc tử cung gây vô sinh có thể cân nhắc việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

6. Làm thế nào để phòng tránh lạc nội mạc tử cung?
Mặc dù không có biện pháp ngăn ngừa hoàn toàn lạc nội mạc tử cung, phụ nữ vẫn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ mắc bệnh như:
– Tập thể dục thường xuyên để kiểm soát tỉ lệ mỡ cơ thể.
– Tránh đồ uống có cồn.
– Khám sức khỏe tổng quát thường xuyên để phát hiện các bất thường.

Tập thể dục thường xuyên để kiểm soát tỉ lệ mỡ cơ thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh

7. Những điều bệnh nhân điều trị phẫu thuật lạc nội mạc tử cung cần lưu ý?
– Nhịn ăn trước mổ ít nhất 8h, nhịn uống nước lọc trước mổ ít nhất 2h.
– Không được ăn, uống sữa trong 6h đầu sau mổ, chỉ nên uống một lượng nhỏ nước lọc.
– Sau 6h có thể ăn cháo lỏng có thịt, rồi đến cháo đặc và cơm.
– Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như chất đạm (có trong thịt, cá, trứng sữa, các loại đậu,…), chất xơ (trong các loại rau xanh như rau diếp, rau cải, cần tây, súp lơ xanh…).
– Uống từ 2-3 lít nước/ngày bắt đầu từ ngày thứ 2 sau phẫu thuật.
– Vận động sớm, co duỗi chân, trở người, nghiêng người qua phải – trái tại giường.
– Vệ sinh âm hộ, tầng sinh môn sạch sẽ bằng nước muối sinh lý hoặc nước ấm và giữ khô thoáng.
– Không thụt rửa bên trong âm đạo.
– Tái khám sau phẫu thuật 1 tháng hoặc khám ngay khi có dấu hiệu bất thường: sốt cao, đau bụng, ra máu hoặc ra dịch âm đạo bất thường.

Đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa tại FAMILY có trình độ chuyên môn cao, tận tâm giàu kinh nghiệm. Thường xuyên cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật y tế tiến tiến nhất trong điều trị bệnh lý phụ khoa cùng với sự hỗ trợ của hệ thống phòng bệnh tiện nghi và chế độ chăm sóc đặc biệt giúp chăm sóc phục hồi sức khỏe toàn diện cho chị em phụ nữ và sản phụ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...