Bệnh lý nội tiết và thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ và bệnh lý tuyến giáp trong thai kỳ là hai bệnh lý thường gặp trong thời gian mang thai
1. Đái tháo đường thai kỳ
1.1. Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Theo định nghĩa của tổ chức y tế thế giới (WHO), đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai.
Trong quá trình mang thai, các hormon sản xuất từ nhau thai làm rối loạn chức năng insulin của tuyến tụy, kéo theo sự gia tăng nồng độ glucose máu, đặc biệt glucose máu sau khi ăn. Do đó, tuyến tụy phải sản xuất insulin nhiều hơn có khi gấp nhiều lần so với bình thường, dẫn đến hiện tượng đề kháng insulin.

1.2. Các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ là gì?
– Thai phụ thừa cân béo phì BMI ≥ 25 kg/m2
– Phụ nữ lớn tuổi khi mang thai từ 35 tuổi trở lên
– Đã từng sinh con với cân nặng bất thường (lớn hơn hoặc bằng 4 kg)
– Gia đình có tiền sử bị đái tháo đường
– Bản thân có tiền sử đái tháo đường trong lần mang thai trước đó.
– Glucose niệu dương tính
– Tiền sử sản khoa bất thường
– Chủng tộc
– Hội chứng buồng trứng đa nang

1.3. Những triệu chứng thường gặp của đái tháo đường thai kỳ?
– Đái tháo đường thai kỳ thường không có biểu hiện rõ ràng, nhưng thai phụ có thể sẽ gặp một số biểu hiện giống những người mắc bệnh đái tháo đường:
– Luôn cảm thấy khát nước và đi tiểu nhiều
– Vùng kín bị nấm men, ngứa ngáy, khó chịu
– Khó lành các vết trầy xước, vết thương
– Sụt cân không rõ nguyên nhân
– Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức
– Béo phì ( BMI > 27 kg/ m2)
– Ăn nhiều, uống nhiều, lên cân nhiều ( > 20 kg)
– Thai to, đa ối, thai lưu

1.4. Biến chứng của đái tháo đường thai kỳ?
a. Nguy cơ đối với mẹ
– Tăng huyết áp
– Sinh non: Tỷ lệ sinh non ở phụ nữ mắc ĐTĐTK là 26%, trong khi ở nhóm thai phụ bình thường là 9,7%.
– Đa ối: tỷ lệ cao gấp 4 lần so với các thai phụ bình thường.
– Sẩy thai và thai lưu
– Nhiễm khuẩn niệu
– Ảnh hưởng về lâu dài: khoảng 17 – 63% các phụ nữ ĐTĐTK sẽ bị ĐTĐ typ 2 trong thời gian 5 – 16 năm sau sinh.

b. Nguy cơ đối với thai và trẻ sơ sinh
– ĐTĐTK ảnh hưởng lên sự phát triển của thai nhi: Giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh. Giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức.
– Tăng trưởng quá mức và thai to
– Hạ glucose huyết tương và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh: Chiếm tỷ lệ khoảng từ 15% – 25% ở trẻ sơ sinh của các thai kỳ có đái tháo đường.
– Bệnh lý đường hô hấp: Hội chứng nguy kịch hô hấp.
– Dị tật bẩm sinh: Tỷ lệ dị tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh sẽ rất cao từ 8 – 13%, gấp 2 – 4 lần nhóm không bị ĐTĐ.
– Tử vong ngay sau sinh: Chiếm tỷ lệ khoảng 20% – 30%.
– Tăng hồng cầu
– Vàng da sơ sinh: Xảy ra ở khoảng 25% các thai phụ có ĐTĐTK.
– Các ảnh hưởng lâu dài: Gia tăng tần suất trẻ béo phì, khi lớn trẻ sớm bị mắc bệnh ĐTĐ typ 2, rối loạn tâm thần – vận động. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị ĐTĐTK có nguy cơ ĐTĐ và tiền ĐTĐ tăng gấp 8 lần khi đến 19 – 27 tuổi.

1.5. Phương pháp chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ?
Khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên được sàng lọc ĐTĐTK bằng phương pháp thử nghiệm dung nạp đường (75g) thai kỳ từ tuần 24 – 28.
Những xét nghiệm đái tháo đường rất đơn giản, không gây đau đớn, không ảnh hưởng tới sức khỏe thai phụ và thai nhi.


Phân loại đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường thực sự
– Có hai dạng tăng đường máu hay gặp trong thời gian mang thai:
+ Một là: Mẹ đã mắc đái tháo đường từ trước khi mang thai (ĐTĐ rõ hay ĐTĐ type 1 hoặc type 2) có thể đang điều trị hoặc chưa phát hiện trước đó gọi là ĐTĐ thật sự.
+ Hai là: Thai phụ hoàn toàn không có ĐTĐ từ trước, trong thời gian mang thai glucose máu tăng lên, gọi là đái tháo đường thai kỳ. Các tiêu chuẩn xét nghiệm glucose máu sau đây để giúp phân biệt ĐTĐ thật sự hoặc ĐTĐ thai kỳ.

1.6. Điều trị đái tháo đường thai kỳ như thế nào?
– Phối hợp điều trị giữa bác sỹ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường và Sản khoa trong thời gian mang thai.
– Điều chỉnh lối sống bao gồm điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và tập luyện ở mức vừa phải ít nhất 30 phút/ngày. Kết hợp dùng insulin theo chỉ định của bác sỹ nếu việc thay đổi lối sống không đủ để duy trì glucose máu đạt mục tiêu.
– Có thể theo dõi chuyển dạ tự nhiên, chỉ định mổ khi thai to hoặc suy thai.
– Trong quá trình chuyển dạ glucose máu mẹ sẽ được các bác sỹ theo dõi, kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó các bác sỹ sẽ theo dõi tim thai để phát hiện và xử trí kịp thời suy thai.
– Theo dõi chặt chẽ trẻ sơ sinh 3 ngày đầu sau đẻ để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng.
1.7. Quản lý Đái tháo đường thai kỳ trong thai kỳ như thế nào?
1.7.1. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
a. Đối với phụ nữ mang thai có nguy cơ cao
Đối tượng có nguy cơ cao bao gồm: sinh con trên 3,5 kg, trên 30 tuổi, thừa cân, béo phì,… nên:
– Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, đa dạng các loại thực phẩm
– Glucid: chiếm khoảng 55-60% năng lượng khẩu phần, ưu tiên sử dụng thực phẩm có chỉ số glucose huyết tương (GI) thấp và trung bình.
– Protein: Thịt nạc, cá nạc, đậu phụ, sữa tươi, sữa chua, phô mai… ưu tiên loại ít béo/tách béo, không đường.
– Sử dụng trên 400g rau, trái cây/ngày, nên ăn loại có nhiều chất xơ, ưu tiên ăn nguyên miếng, nguyên múi, hạn chế việc chỉ uống nước ép.
– Giảm tiêu thụ thực phẩm nhiều chất béo (mỡ, nội tạng động vật), muối và thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối, rượu bia, chất kích thích.
– Hạn chế tối đa các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như: bánh béo, chè, kem, trái cây sấy…
– Bổ sung đầy đủ các nhu cầu vitamin và khoáng chất theo nhu cầu khuyến nghị cho phụ nữ mang thai.
– Chế biến: ưu tiên chế biến dưới dạng luộc/hấp hơn là nướng/chiên/xào.

b. Đối với phụ nữ mang thai mắc ĐTĐTK
– Số bữa ăn: 5-6 bữa/ngày, bao gồm 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ
– Năng lượng: Tùy vào tình trạng dinh dưỡng, lâm sàng, xét nghiệm sinh hóa, năng lượng ăn vào có thể được điều chỉnh theo từng giai đoạn. Khuyến cáo lượng ăn vào của thai phụ mắc ĐTĐTK như sau:

– Glucid:
+ Chiếm khoảng 55-60%, tối thiểu 175g glucid/ngày
+ Glucid nên được chia đều cho tất cả bữa ăn trong ngày bao gồm 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ
+ Ưu tiên sử dụng thực phẩm có chỉ số đường huyết (IG) trung bình và thấp
+ Hạn chế tối đa các thực phẩm có chỉ số IG cao như: bánh béo, chè, kem, trái cây sấy…
+ Protein: Tối thiểu 71g protein/ngày, nên phối hợp protein động vật và thực vật, tỷ lệ protein động vật >35%, ví dụ như là thịt nạc, cá nạc, đậu phụ, sữa tươi, sữa chua, phô mai…
+ Lipid: chiếm khoảng 20 – 30% tổng năng lượng, tỷ lệ lipid động vật/lipid tổng số không nên vượt quá 60%. Nên tăng cường sử dụng các loại dầu thực vật và hạn chế tiêu thụ các loại mỡ động vật, nhiều cholesterol. Tổng lượng cholesterol <200mg/ngày.
+ Chất xơ: khoảng 28g chất xơ/ngày. Phụ nữ mắc ĐTĐTK cần ăn ít nhất 400g rau, trái cây/ngày. Ưu tiên ăn nguyên miếng, nguyên múi, hạn chế việc chỉ uống nước ép.
– Sữa và chế phẩm của sữa:
+ 3 tháng đầu: nên sử dụng 3 đơn vị sữa/ngày
+ 3 tháng giữa: nên sử dụng 5 đơn vị sữa/ngày
+ PNCT 3 tháng cuối: nên sử dụng 6 đơn vị sữa/ngày
– Ưu tiên sử dụng sữa không đường, ít béo/tách béo hoặc sử dụng thực phẩm dinh dưỡng y học cho người đái tháo đường theo sự chỉ dẫn của bác sỹ, nhân viên y tế hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
(Mỗi đơn vị sữa tương đương 100mg canxi, tương đương 1 miếng phomai, 1 hộp sữa chua, 100ml sữa dạng lỏng)
– Bổ sung đầy đủ các nhu cầu vitamin và khoáng chất theo nhu cầu khuyến nghị cho phụ nữ mang thai.
– Chế biến: ưu tiên chế biến dưới dạng luộc/hấp hơn là nướng/chiên/xào.
– Giảm tiêu thụ thực phẩm nhiều muối và thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối, rượu bia, chất kích thích.

1.7.2. Quản lý tăng cân trong thai kỳ

– Ngoài ra để giảm nguy cơ ĐTĐTK, khuyến cáo cần giảm cân cho đối tượng bị thừa cân, béo phì trước khi mang thai.
1. 7.3. Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích
1. 7.4. Hoạt động thể chất
– Hoạt động thể chất giúp phòng ngừa ĐTĐTK, giảm sự đề kháng insulin, kiểm soát glucose huyết tương và rối loạn chuyển hóa lipid máu…. . Khuyến cáo hoạt động thể chất cho thai phụ bị ĐTĐ:
+ Ít nhất 30 phút/ngày, cường độ vừa phải
+ Đi bộ hoặc tập tay lúc ngồi trong 10 phút sau ăn
+ Trước khi mang thai tích cực tập luyện, duy trì tập luyện trong thai kỳ
+ Nên theo dõi hoạt động của thai nhi và lượng đường trong máu trước và sau khi tập thể dục.

1.8. Quản lý Đái tháo đường thai kỳ sau sinh
– Cho bé bú sớm nhất có thể, trong vòng 1 giờ đầu sau sinh
– Thực hiện da kề da ít nhất ngày đầu sau sinh
– Cho bú sữa non mỗi 2 – 3 giờ/lần
– Tầm soát ĐTĐ type 2 sau 4 -12 tuần sau sinh: làm lại nghiệm pháp dung nạp glucose:
+ Nếu kết quả bình thường: Tầm soát định kỳ 1-3 năm
+ Nếu kết quả có từ 1 trị số vượt ngưỡng: Chuyển chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường theo dõi và quản lý

2. Bệnh lý tuyến giáp và thai kỳ
– Tuyến giáp là một tuyến nhỏ, hình cánh bướm ở phía trước cổ, có chức năng tạo ra các hormone tuyến giáp. Hormone tuyến giáp kiểm soát cách cơ thể sử dụng năng lượng, vì vậy chúng ảnh hưởng đến cách hoạt động của gần như mọi cơ quan trong cơ thể. Các bất thường làm tăng nồng độ hormone tuyến giáp được gọi là nhiễm độc giáp, ngược lại giảm nồng độ hormone tuyến giáp được gọi là suy giáp.
– Hormone tuyến giáp rất quan trọng cho sự phát triển bình thường của não và hệ thần kinh của thai nhi. Trong quý đầu của thai kỳ, tuyến giáp của thai chưa hoạt động và phụ thuộc vào nguồn cung cấp hormon tuyến giáp từ mẹ.

2.1. Cường giáp
– Hai nguyên nhân chủ yếu của cường giáp thai kỳ là cường giáp thoáng qua trong thời kỳ có thai (cường giáp do thai) và bệnh Basedow, các nguyên nhân ít gặp khác như bướu đa nhân độc, đơn nhân độc,…
– Các dấu hiệu và triệu chứng có thể gợi ý cường giáp: nhịp tim nhanh, mệt mỏi nhiều, khó chịu nóng, tay run, giảm cân không rõ nguyên nhân hoặc không tăng cân bình thường khi mang thai,…Thai phụ cần gặp bác sỹ chuyên khoa Sản và Nội tiết để được thăm khám, xét nghiệm và đánh giá nguyên nhân để có hướng xử trí phù hợp.
– Người bệnh mắc bệnh Basedow có kế hoạch mang thai hoặc ngay khi phát hiện mang thai cần tái khám bác sỹ chuyên khoa để được hướng dẫn việc điều chỉnh thuốc kháng giáp trạng. Nếu thai phụ mắc Basedow không được điều trị sẽ gây nhiều bất lợi trong quá trình mang thai cho cả mẹ và thai nhi, mẹ nguy cơ suy tim, cơn nhiễm độc giáp cấp, tiền sản giật, sinh non, sẩy thai; thai có nguy cơ cường giáp, chậm phát triển trong tử cung, nhịp tim thai nhanh, thai tăng hoạt động, tuổi xương phát triển nhanh hơn bình thường.

2.2. Suy giáp
– Cần được phát hiện sớm vì mẹ bị suy giáp trong thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thai. Các đối tượng nguy cơ cao cần sàng lọc: có triệu chứng suy giáp (mệt mỏi, khó chịu lạnh, táo bón, giảm trí nhớ, mất tập trung,…), nữ > 30 tuổi, tiền sử gia đình có bệnh lý tuyến giáp, có bệnh lý tự miễn, tự kháng thể TPOAb dương, tiền sử xạ vùng cổ, béo phì.
– Nếu thai phụ suy giáp trước khi mang thai, cần tái khám khi phát hiện mang thai để được điều chỉnh tăng liều thuốc vì nhu cầu hormon tăng lên trong thai kỳ. Thai phụ được chẩn đoán suy giáp trong thai kỳ cần được bác sỹ chuyên khoa đánh giá xét nghiệm hormon, tự kháng thể TPOAb để đưa ra quyết định điều trị và theo dõi phù hợp.
– Nếu thai phụ bị suy giáp không điều trị, mẹ và thai nhi có nhiều nguy cơ: tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, sinh non, tăng tỷ lệ sảy thai, dị tật bẩm sinh, giảm IQ, trẻ sinh ra chậm phát triển tâm thần vận động.

Tài liệu tham khảo:
1. American Diabetes Association Professional Practice Committee. 15. Management of diabetes in pregnancy: Standards of Medical Care in Diabetes—2022. Diabetes Care 2022;45(Suppl. 1):S232–S243.
2. Bệnh viện Từ Dũ, Đái tháo đường thai kỳ, Phác đồ điều trị Sản Phụ khoa 2019. Nhà xuất bản Thanh Niên, pp. 104 – 109.
3. Bộ môn Phụ Sản – Đại học Y Dược Huế (2021), Đái tháo đường thai kỳ, Giáo trình Module 19 – Phụ Sản 1, Nhà xuất bản Đại học Huế, tr. 277 – 285.
4. Hướng dẫn Quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ (2018). Ban hành kèm theo Quyết định số 6173/ QĐ-BYT.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...