Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý hô hấp phổ biến, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đây là bệnh lý có thể phòng ngừa và điều trị để có thể duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn dù đã mắc bệnh
Hãy cùng các bác sỹ phòng khám Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình tìm hiểu về bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính để có biện pháp điều trị và dự phòng hiệu quả nhất!
1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?
– Theo ước tính, hiện tại khoảng 10.3% dân số thế giới mắc bệnh COPD, hàng năm có đến 3 triệu người tử vong vì mắc bệnh.
– Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay còn gọi COPD là bệnh lý hô hấp thường gặp, đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và tắc nghẽn đường thở tiến triển nặng dần do các bất thường của đường thở và/hoặc phế nang (túi khí). Nguyên nhân gây bệnh thường liên quan đến việc phơi nhiễm với các phần tử khí độc hại như thuốc lá, khói bụi.
2. Phổi sẽ bị tổn thương như thế nào khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?
– Viêm phế quản mạn: viêm và phù nề mạn tính đường thở dẫn đến tắc nghẽn đường thở. Việc tắc nghẽn có thể hồi phục một phần do tích tụ tế bào viêm, dịch xuất tiết, co thắt cơ trơn phế quản hoặc tắc nghẽn đường thở không phục hồi do xơ hóa phá hủy cấu trúc nâng đỡ đường thở.
– Khí phế thủng: các vách của phế nang (túi khí) bị tổn thương và mất tính co giãn.
Dẫn đến:
– Ho, khạc đờm mạn tính
– Khó thở tăng dần
3. Vì sao tôi lại mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?
Do hít phải các phân tử và khí độc hại, bao gồm:
– Khói thuốc lá: 85-90% người mắc COPD do hút thuốc lá chủ động, trong khi hít phải khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) cũng là nguyên nhân khiến cho 10-15% người bị BPTNMT.
– Ô nhiễm không khí trong nhà hoặc ngoài trời, ví dụ: khói củi hoặc chất đốt tự nhiên.
– Bụi hay hóa chất tiếp xúc trong môi trường làm việc (xí nghiệp, xưởng luyện kim, xưởng dệt, công trường…)
4. Ai dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?
– Yếu tố về gen: người thiếu hụt bẩm sinh α1 antitrypsin (xét nghiệm máu đặc hiệu có thể biết được tình trạng này).
– Nam giới, người lớn hơn > 40 tuổi
– Tiếp xúc với các yếu tố độc hại: khói thuốc lá, khói bụi…
– Người có kinh tế thấp, dinh dưỡng kém
– Mắc hen và tình trạng tăng tính phản ứng phế quản
– Viêm phế quản mạn tính
– Người tiếp xúc với khói thuốc lá khi còn trong bụng mẹ, mắc nhiễm trùng kéo dài lúc nhỏ,…
5. Khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tôi sẽ có những triệu chứng gì?
– Ho, khạc đờm mạn tính: thường ho khạc đờm về buổi sáng. Lúc đầu ho ngắt quãng, sau đó ho dai dẳng và cuối cùng là cơn ho xuất hiện thường xuyên, hàng ngày.
– Khó thở tăng dần: dấu hiệu nhận biết bao gồm “phải gắng sức để thở”, “cảm giác thiếu không khí, hụt hơi” hoặc “thở hổn hển”. Ban đầu khó thở khi gắng sức nhiều, sau đó khó thở khi vận động nhẹ, cuối cùng khó thở cả khi nghỉ ngơi, khó thở cả ngày.
6. Khi nào tôi cần đi khám để được chẩn đoán bệnh?
Hãy trả lời các câu hỏi sau:
Nếu bạn trả lời “có” từ 3 câu trở lên thì cần gặp Bác sỹ hô hấp để được thăm khám và chẩn đoán bệnh.
6. Tôi sẽ được làm xét nghiệm gì để chẩn đoán và đánh giá bệnh?
Bạn sẽ được thực hiện một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sau để loại trừ việc ho, đàm, khó thở do các nguyên nhân khác và đánh giá tình trạng bệnh:
– Đo chức năng hô hấp
– Xquang phổi hoặc CT scanner phổi
– Điện tâm đồ
– Siêu âm tim
– Khí máu động mạch
– Xét nghiệm máu
– Khám tai mũi họng
7. Làm thế nào bác sỹ có thể chẩn đoán tôi mắc bệnh?
Bác sỹ chẩn đoán bạn mắc COPD khi:
– Bạn đã hoặc đang tiếp xúc với: khói thuốc, khói bụi nghề nghiệp, khí độc, ô nhiễm môi trường. Và:
– Có tình trạng ho, khạc đờm mạn tính hoặc khó thở tăng dần.
– Đo chức năng hô hấp có tình trạng rối loạn thông khí tắc nghẽn với FEV1/FVC < 70% sau test hồi phục phế quản sau khi dùng thuốc giãn phế quản.
8. Làm thế nào để biết tình trạng bệnh có nặng không?
Để đánh giá tình trạng CODP, bác sỹ sẽ tổng hợp các thông tin dựa vào câu trả lời bên dưới để phân nhóm bệnh.
8.1. Mức độ tắc nghẽn đường thở
– Thực hiện đo hô hấp ký để phân loại mức độ tắc nghẽn của bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính theo fev1 tức thể tích thở ra gắng sức trong 1 giây đầu, sau test giãn phế quản (có xịt thuốc giãn phế quản),
8.2. Diễn biến và mức độ nặng của triệu chứng (CAT, mMRC)
8.2.1. Đánh giá theo thang điểm CAT
Bằng việc trả lời các câu hỏi trong bảng sau, bạn có thể đánh giá ảnh hưởng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính lên sinh hoạt hàng ngày.
Nếu tổng điểm:
● CAT ≤ 10 điểm: ít ảnh hưởng.
● CAT từ 20-11 điểm: ảnh hưởng trung bình
● CAT từ 30-21 điểm: ảnh hưởng nặng
● CAT từ 40-31 điểm: ảnh hưởng rất nặng
Đánh giá ảnh hưởng của COPD lên sinh hoạt hàng ngày theo thang điểm CAT
8.2.2. Đánh giá theo thang điểm mMRC
Bằng việc trả lời bảng câu hỏi sau, bạn có thể đánh giá mức độ khó thở của mình.
Nếu :
– mMRC < 2 : khó thở ít
– mMRC ≥ 2: khó thở nhiều
8.3. Nguy cơ đợt cấp
– Đợt cấp hay đợt bùng phát là biến đổi cấp tính của bệnh đòi hỏi phải thay đổi chế độ điều trị thường ngày. Bởi khi lên đợt cấp, bệnh nhân sẽ mất thêm chức năng phổi, nếu không điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm tính mạng do tình trạng khó thở nặng lên nhiều và nhanh chóng.
Chính vì vậy bác sỹ cần đánh giá nguy cơ đợt cấp để tiên lượng khả năng khởi phát đợt cấp trong tương lai.
Khi một người có ≥ 2 đợt cấp hoặc 1 đợt cấp nhập viện trong vòng 12 tháng qua thì nguy cơ cao người đó sẽ có đợt cấp trong tương lai.
Bác sỹ sẽ phân tình trạng bệnh theo nhóm A,B hoặc E dựa vào các tiêu chí:
– Nhóm A: nguy cơ đợt cấp thấp (0-1 đợt cấp, không nhập viện trong 12 tháng qua), ít triệu chứng (mMRC 0-1; CAT <10)
– Nhóm B: nguy cơ đợt cấp thấp (0-1 đợt cấp ko nhập viện/12 tháng qua), nhiều triệu chứng (mMRC ≥ 2; CAT >10)
– Nhóm E: Nguy cơ đợt cấp cao (≥ 2 đợt cấp hoặc 1 đợt cấp nhập viện/12 tháng qua), ít triệu chứng hoặc nhiều triệu chứng.
8.4. Các bệnh đồng mắc
Các bệnh đồng mắc ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ nhập viện, tử vong nên cần được đánh giá thường xuyên và có kế hoạch điều trị, kiểm soát phù hợp.
Các bệnh đồng mắc thường gặp:
– Bệnh tim mạch
– Đái tháo đường
– Ung thư phổi
– Loãng xương
– Nhiễm trùng hô hấp
– Lo lắng, trầm cảm
Để đặt lịch thăm khám và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, liên hệ:
– Phòng khám Hô hấp
– Tổng đài CSKH 1900 2250
– Fanpage: Family Hospital