Thận có nhiều chức năng khác nhau, trong đó chức năng đào thải các sản phẩm dư thừa được sinh ra trong quá trình chuyển hoá, bao gồm cả lượng nước thừa ra khỏi cơ thể là một chức năng quan trọng. Chức năng này được thực hiện thông qua quá trình lọc máu ở cầu thận và tái hấp thu, bài tiết ở ống thận, quá trình này giúp duy trì thăng bằng nội môi trong cơ thể.
Thận có thể lọc được khoảng 200 lít máu mỗi ngày và tạo ra khoảng 2 lít nước tiểu. Những chất thải này được tạo ra từ những quá trình chuyển hoá bình thường của cơ thể. Khi thận bị suy nhất là trong suy thận cấp chức năng này bị rối loạn nhiều nhất.
Thế nào là suy thận cấp tính?
Suy thận cấp (STC) là tình trạng giảm chức năng thận đột ngột và kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày, dẫn đến giảm mức lọc cầu thận, ứ đọng các sản phẩm chuyển hoá nitơ (urê, creatinin) và các sản phẩm của quá trình chuyển hoá không nitơ (điện giải, kiềm toan…). Các rối loạn này phụ thuộc vào mức độ và thời gian kéo dài của tình trạng suy thận mà có các biểu hiện như toan chuyển hoá, tăng kali máu, thừa dịch trong cơ thể, STC nặng đồng thời với nguyên nhân của nó có thể dẫn tới suy đa cơ quan như rối loạn đông máu, tổn thương phổi, tổn thương não, và ảnh hưởng huyết động.
Suy thận cấp tính có thể gây tử vong như vậy việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, suy thận cấp tính nếu phát hiện và điều trị đúng chức năng thận có thể phục hồi hoàn toàn.
Nguyên nhân gây suy thận cấp
Suy thận cấp có thể xảy ra khi một nguyên nhân nào đó gây tổn thương thận (STC do nguyên nhân tại thận).
Suy thận cấp có thể xảy ra do các nguyên nhân khác làm giảm lưu lượng máu đến thận. (STC do nguyên nhân trước thận).
Suy thận cấp cũng có thể xảy ra khi bị tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang và ra ngoài (STC do nguyên nhân sau thận).
Nguyên nhân trước thận
Mất máu, huyết áp tụt, suy tim, nhiễm khuẩn, dùng thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen và naproxen, phản ứng dị ứng trầm trọng (sốc phản vệ), bỏng nặng, mất nước nặng.
Nguyên nhân tại thận
Bệnh cầu thận nguyên phát và thứ phát: Bệnh thận do Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh thận do đái tháo đường …
Các bệnh ống kẽ thận cấp tính:
– Nhiễm độc: mật cá trắm, thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc, thuốc kháng sinh: aminosid, cephalosporin…
– Tan máu cấp tính: Do truyền nhầm nhóm máu ABO, nhiễm virus, sốt rét ác tính, một số thuốc gây tan máu, chấn thương cơ, thiếu máu cơ, hôn mê kéo dài, co giật, nghiện heroin.
– Các bệnh lý mạch máu tổn thương thận.
Suy thận cấp sau thận
Gồm các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường dẫn niệu như sỏi bể thận, niệu quản, u chèn ép, tắc đường bài niệu,…
Biểu hiện của suy thận cấp
Biểu hiện lâm sàng
Đa số các trường hợp suy thận cấp khởi phát với dấu hiệu đái ít hoặc không có nước tiểu (vô niệu). Ngoài ra tuỳ theo nguyên nhân dẫn đến suy thận cấp mà biểu hiện lâm sàng có thể khác nhau:
– Suy thận cấp do nguyên nhân trước thận:
+ Thường thấy các triệu chứng mất nước như: Mạch nhanh, hạ HA tư thế, tụt HA. Da, niêm mạc khô; giảm độ chun giãn da, tĩnh mạch cổ xẹp.
+ Số lượng nước tiểu giảm dần.
– Suy thận cấp do nguyên nhân tại thận: Các yếu tố nguy cơ: sốc kéo dài, dùng thuốc độc thận, thuốc cản quang, tiêu cơ vân, tan máu…Có thể thấy một hoặc một số dấu hiệu sau:
+ Nước tiểu có màu đỏ hoặc thẫm màu do đái ra máu trong viêm cầu thận cấp…
+ Đau vùng thắt lưng … do sỏi thận, niệu quản.
+ Thiểu niệu, phù, tăng huyết áp.
+ Sốt, đau cơ và ngứa, nổi ban sẩn sau dùng thuốc.
– Suy thận cấp thể hoại tử ống thận cấp
– Suy thận cấp do nguyên nhân sau thận:
+ Thường thấy dấu hiệu tắc nghẽn đường tiết niệu như: Cơn đau vùng hố lưng, có thể thấy thận to do ứ nước, ứ mủ.
+ Triệu chứng của bàng quang: đau tức vùng bàng quang, đái buốt, đái dắt…
– Nếu bệnh nhân suy thận cấp ở giai đoạn nặng thường có thể thấy: Buồn ngủ, khó thở..mệt mỏi, lẫn lộn, buồn nôn, nôn ,co giật hoặc hôn mê trong trường hợp nghiêm trọng.
Các xét nghiệm giúp chẩn đoán
Nếu các biểu hiện lâm sàng gợi ý bệnh nhân có thể đã suy thận cấp, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi lâm sàng và các xét nghiệm:
Đo lượng nước tiểu: Số lượng bài tiết nước tiểu trong một giờ hoặc một ngày có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân của suy thận.
Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích một mẫu nước tiểu có thể cho thấy những bất thường trong suy thận.
Xét nghiệm máu: Đánh giá mức độ tăng nhanh chóng của urê và creatinine – hai chất được sử dụng để đánh giá chức năng thận.
Chẩn đoán hình ảnh: Kiểm tra hình ảnh như siêu âm và chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể được sử dụng để giúp tìm hiểu nguyên nhân
Lấy một mẫu nhu mô thận để kiểm tra (sinh thiết thận): Trong những tình huống nhất định, bác sĩ có thể khuyên nên sinh thiết thận để chẩn đoán xác định nhất là các bệnh cầu thận gây suy thận cấp
Biến chứng của suy thận cấp
Tim mạch: Tình trạng thừa dịch (nước) nặng cùng với tăng huyết áp có thể gây phù phổi cấp, suy tim, phù não, …
Thần kinh: Rối loạn thần kinh cơ, có thể co giật, hôn mê.
Tiêu hoá: Viêm loét dạ dày ruột, viêm tuỵ cấp, xuất huyết đường tiêu hoá đây là một biến chứng rất nặng và làm tăng nguy cơ tử vong.
Chuyển hoá: Bệnh nhân rất dễ bị mất nước và rối loạn điện giải như tăng Calci máu, tăng phospho, tăng acid uric, tăng magie máu.
Nhiễm trùng: Bội nhiễm phổi, đường tiết niệu, vết thương ngoài da, nhiễm khuẩn huyết
Suy thận mạn: Suy thận cấp trong một vài trường hợp gây tổn thương thận kéo dài chức năng thận và tiến triển lâu dài đến suy thận mạn tính hoặc giai đoạn cuối bệnh thận. Những người có bệnh thận giai đoạn cuối đòi hỏi phải chạy thận nhân tạo thường xuyên để tồn tại.
Điều trị suy thận cấp
Bệnh nhân suy thận cấp thường yêu cầu phải ở lại bệnh viện. Thời gian nằm viện bao lâu phụ thuộc vào nguyên nhân suy thận cấp và phương pháp điều trị để phục hồi nhanh chóng chức năng thận.
Về nguyên tắc điều trị cần:
– Nhanh chóng loại bỏ ngay các nguyên nhân có thể gây suy thận (trước thận, sau thận, thuốc): ngừng sử dụng các thuốc độc với thận hoặc gây dị ứng…
– Cố gắng hồi phục số lượng nước tiểu bằng mọi cách nhanh nhất:thuốc lợi tiểu hay được lựa chọn.
– Điều trị bảo tồn: cân bằng nguồn nước, điện giải, chất đạm vào và ra, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, điều chỉnh thuốc điều trị, theo dõi chặt chẽ bệnh nhân, ngăn ngừa, phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng.
– Chạy thận để loại bỏ chất độc ra khỏi máu: Nếu chất độc tích tụ trong máu, có thể cần chạy thận để giúp loại bỏ chất độc và các chất lỏng dư thừa từ cơ thể. Chạy thận cũng có thể giúp loại bỏ kali dư thừa ra khỏi cơ thể. Trong thời gian chạy thận, một máy bơm máu trong cơ thể thông qua một quả thận nhân tạo (dialyzer) để lọc chất thải. Máu sau đó được trả lại cho cơ thể.
Đối tượng có nguy cơ bị suy thận cấp
Suy thận cấp tính có thể xảy ra ở một số bệnh nhân có những điều kiện thuận lợi sau đây:
– Đang điều trị tại bệnh viện, đặc biệt là một tình trạng nghiêm trọng đòi hỏi phải chăm sóc đặc biệt.
– Bệnh nhân tuổi cao, đái tháo đường, tăng huyết áp, tắc nghẽn mạch máu ở cánh tay hay chân (bệnh động mạch ngoại vi), bệnh thận có sẵn, bệnh gan…
Tiên lượng bệnh suy thận cấp
– Ngày nay, tiên lượng đã có nhiều thay đổi tốt hơn, nhờ có sự đóng góp của các kỹ thuật hồi sức hiện đại. Tuy nhiên tỷ lệ tử vong còn cao.
– Đối với những bệnh nhân suy thận cấp sau mổ lớn, chấn thương nặng, bỏng nặng, nhiễm trùng tử cung sau đẻ, ngộ độc kim loại nặng, tiên lượng rất xấu.
– Nguyên nhân gây tử vong có thể do bệnh chính, do nhiễm khuẩn, hội chứng urê máu cao, kali máu cao.
– Tiên lượng còn phụ thuộc vào bệnh chính, kỹ thuật hồi sức, công tác hộ lý và các biện pháp đề phòng bội nhiễm nhất là bội nhiễm phổi và nhiễm khuẩn từ các vết thương, vết loét.
Dự phòng bệnh suy thận cấp
– Hạn chế tối đa việc sử dụng các thuốc có thể gây độc cho thận, điều chỉnh liều lượng căn cứ vào mức lọc cầu thận. Duy trì đủ nước.
– Hồi sức tích cực cho các bệnh nhân chấn thương, bù đủ dịch sớm để đề phòng suy thận cấp trước thận.
Giải quyết ngay các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường dẫn niệu khi được phát hiện nhằm ngăn ngừa biến chứng suy thận cấp.