Biến chứng thận trên bệnh nhân đái tháo đường

Hiện nay tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường trên thế giới cũng như ở Việt Nam tăng lên một cách đáng kể, kéo theo nhiều biến chứng. Trong đó, biến chứng thận là một trong những biến chứng nguy hiểm có tỉ lệ tỉ vong cao, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận mạn tiến triển. Theo thống kê thì có 40% bệnh nhân đái tháo đường mắc biến chứng về thận, tương đương cứ 10 người đái tháo đường thì có 4 người mắc biến chứng thận do đái tháo đường gây ra.

1. Bệnh thận đái tháo đường là gì?

Bệnh thận đái tháo đường là một bệnh lý thuộc nhóm biến chứng mạch máu nhỏ của đái tháo đường, trong đó tổn thương chính nằm ở cầu thận. Như chúng ta đã biết vai trò của cầu thận chính là nơi mà máu được lọc qua để tạo thành nước tiểu, các chất được lọc qua cầu thận gồm nước, các chất điện giải như natri,kali, các chất thải trong quá trình chuyển hóa như ure, acid uric…một số thuốc…Chất đạm hoặc các chất có trọng khối phân tử lớn sẽ được giữ lại trong máu, bình thường không có đạm trong nước tiểu.

2. Chẩn đoán bệnh cầu thận đái tháo đường khi:

  • Tiểu albumin liên tục(˃300mg/ngày) xác định ít nhất 2 lần trong vòng 3-6 tháng và có thể kèm theo chức năng lọc của thận bị suy giảm
  • Tăng huyết áp có thể xuất hiện ở giai đoạn sớm hoặc trễ

3. Bệnh thận đái tháo đường diễn ra như thế nào?

Thận là máy lọc của cơ thể, giúp cơ thể thải các chất độc hại, thận còn giúp cơ thể điều hòa các chất muối, kali, canxi. Ở người bị tiểu đường do đường máu tăng cao kéo dài làm mao mạch ở cầu thận bị tổn thương đồng thời lượng đường trong máu cao vượt quá ngưỡng đường của thận khiến cho thận phải làm việc quá mức. Sau một thời gian, các lỗ lọc cầu thận to hơn dẫn đến protein rò rỉ ra ngoài, gây xuất hiện protein trong nước tiểu, chức năng thận suy giảm dần.

4. Triệu chứng thường gặp là gì?

  • Phù: Phù ở đây là phù kín kẽ sau đó dẫn đến phù toàn, phù ở mắc cá chân hoặc phù mí mắt có thể là phù toàn thân , phù trắng mềm ấn lõm
  • Tiểu nhiều về đêm trong nước tiểu có bong bóng hay bọt trong nước tiểu
  • Người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, mất tập trung
  • Mệt mỏi chán ăn
  • Ngứa, buồn nôn, khó thở.

Ngay khi có những biểu hiện này hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám, tiến hành xét nghiệm chẩn đoán để tìm ra phương pháp điều trị kịp thời.

5. Đối tượng nguy cơ dễ mắc phải là ai?

  • Béo phì BMI ≥ 25
  • Đường máu kiểm soát kém, HbA1c ≥7%
  • Tăng cholesterolmáu
  • Tăng huyết áp
  • Hút thuốc lá, ăn quá nhiều đạm và tuổi càng cao

6. Chẩn đoán sớm bệnh thận đái tháo đường?

  • Xét nghiệm đo lượng Microalbumin trong nước tiểu
  • Thử Ure, Creatinin máu
  • Đối với đái tháo đường type 1: XN sau 5 năm mắc bệnh
  • Đối với đái tháo đường type 2: Xét nghiệm từ khi mới chẩn đoán và xét nghiệm định kỳ hàng năm.

7. Bệnh nhân đã mắc biến chứng thận cần lưu ý gì?

Chế độ ăn

  • Giảm đạm: Đối với bệnh nhân đã có biến chứng thận đái tháo đường ăn giảm đạm theo chỉ dẫn của bác sỹ điều trị. Không ăn quá 0.8 – 1g/Kg cân nặng/ 1 Ngày. Ví dụ: Bệnh nhân cân nặng 50Kg lượng đạm cần cung cấp trong ngày là: (0.8-1) x 50 = (40 – 50) g Protein. Tương đương với 1g thịt/1g cá trong một ngày.
  • Giảm muối: 5g muối/ngày tương đương với 1 muỗng bằng muỗng café. Lưu ý với các loại hải sản, đồ muối chua, thịt cá đóng hộp…
  • Tăng cường rau xanh
  • Không ăn các thức ăn chứa nhiều Phosphat, Kali như: Phô mai, gan, sữa, chuối, các loại hoa quả khô.
  • Tập thể dục: Đối với bệnh nhân đã có biến chứng thận đái tháo đường thì nên lựa chọn các bài tập thể dục vận động nhẹ nhàng như : Đi bộ chậm, khí công, dưỡng sinh, ngồi thiền, làm một số công việc nhẹ trong nhà.
  • Không nên tập các bài tập thể dục nặng làm tăng áp lực lên thận như chạy bộ nhanh, tập tạ, leo núi.
  • Uống đủ nước: Công thức tính lượng nước hàng ngày. Cách tính lượng nước trong ngày: Cân nặng x 0,03= lượng nước(lít)

Phòng ngừa bệnh thận đái tháo đường như thế nào ?

  • Kiểm soát đường máu tốt HbA1c <7%
  • Kiểm soát huyết áp <130/80 mmHg
  • Kiểm soát lipid máu đạt mục tiêu điều trị
  • Ăn giảm đạm: Đối với bệnh nhân đái tháo đường đã có biến chứng thận ăn đạm theo chỉ dẫn của bác sỹ điều trị ăn không quá 0.8 – 1g/Cần nặng/Ngày ( tương đương với 1 lạng thịt hoặc 1 lạng cá trong ngày)
  • Giảm muối: Ăn 5g/ ngày tương đương 1 muỗng cà phê. Lưu ý những thực phẩm có sẵn muối.
  • Tập thể dục hợp lý: Nên tập những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, thiền,
  • Giảm cân: Điều chỉnh cân nặng BMI < 25 kg/m2 BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)2]
  • Thay đổi thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá, cà phê…
  • Tái khám kiểm tra định kì để tầm soát ngăn ngừa biến chứng.

8. Kết luận:

Đái tháo đường dẫn đến suy thận là một biến chứng nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa không trở lên nặng hơn bằng cách tái khám định kỳ, kiểm soát đường máu trong phạm vi cho phép kết hợp một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục hợp lý thì có thể bảo vệ thận của bạn khỏe mạnh.

Tài liệu tham khảo:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4206379/
https://care.diabetesjournals.org/content/28/1/164