Nhồi máu cơ tim không còn là bệnh của người già mà đang ngày càng trẻ hóa trong nhịp sống hiện đại. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của bệnh này là do lối sống và sinh hoạt thiếu khoa học.
Linh – Chàng trai 26 tuổi mang theo nhiều ước mơ và hoài bão đến Đà Nẵng để lập nghiệp. Tuy nhiên, áp lực công việc đã khiến tình trạng căng thẳng, lối sống ít vận động và thói quen hút thuốc lá thường xuyên xảy ra trong cuộc sống thường nhật của Linh. Nghiêm trọng hơn, Linh liên tục gặp phải những cơn đau ngực âm ỉ nhưng luôn trì hoãn việc đi khám cho đến khi cơn đau thắt ngực cấp tính xuất hiện, Linh phải nhập viện với tình trạng nguy kịch vào những ngày cận Tết.
Khi đến Bệnh viện Đa khoa Gia Đình, cơn đau ngực và vã mồ hôi nhiều vẫn diễn tiến ở Linh. Nhanh chóng làm các xét nghiệm cần thiết, Linh được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim tối cấp. Sau 02 lần hồi sinh tim phổi và nhận được sự đồng ý của người nhà, Linh được đưa thẳng lên phòng Can thiệp tim mạch, tạm thời bỏ qua các thủ tục hành chính với mục tiêu duy nhất tại thời điểm đó là cứu sống Linh bằng mọi giá.
Tại phòng Can thiệp tim mạch, ekip bác sỹ Cấp cứu – Gây mê Hồi sức – Can thiệp Tim mạch và Thần kinh đã phối hợp để cứu chữa Linh. Sau 01 giờ tính từ khi vào cấp cứu, Linh đã được chụp mạch vành cho kết quả tắc toàn bộ mạch vành do bão huyết khối. Trong quá trình can thiệp, Linh tiếp tục lên cơn ngưng tim ngưng thở lần 03, ekip bác sỹ tiếp tục thực hiện hồi sinh tim phổi cho Linh ngay tại bàn, tiên lượng rất xấu.
Sau quá trình nỗ lực của toàn bộ ekip, huyết khối đã được hút ra thành công, lộ ra mảng xơ vữa chính là thủ phạm làm hẹp nặng động mạch vành. Linh được can thiệp đặt 1 giá đỡ kim loại gọi là stent, tái thông hoàn toàn động mạch nuôi quả tim. Loại stent sử dụng cho Linh tại Bệnh viện Đa khoa Gia Đình được nhập khẩu từ Mỹ, đang được hỗ trợ bảo hiểm y tế tối đa như các bệnh viện khác.
Mặc dù tình trạng nhồi máu cơ tim tối cấp đã được can thiệp thành công, tuy nhiên Linh được tiên lượng còn rất nặng vì nhiều biến chứng nguy hiểm của nhồi máu cơ tim có thể xảy ra như suy tim, rối loạn nhịp nguy hiểm, thậm chí ngưng tim ngưng thở lần 04. Do đó, Linh được tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực tại Đơn vị Hồi sức tích cực, Khoa Hồi sức Cấp cứu – Đột quỵ.
Sau 01 tuần điều trị, Linh đã khỏe mạnh trở lại, được ra viện và tiếp tục quản lý ngoại trú tại phòng khám Đột quỵ – Can thiệp mạch máu các vấn đề dài lâu như dự phòng suy tim sau nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, kiểm soát mỡ máu, phục hồi chức năng tim mạch, các yếu tố lối sống như chế độ dinh dưỡng phù hợp, quản lý cân nặng hợp lý…
Và những nỗ lực của ekip bác sỹ đã gặt được quả ngọt. Sau 01 tháng điều trị tại nhà và phục hồi chức năng tim mạch, Linh đến tái khám với tình trạng khỏe mạnh, không đau ngực khi gắng sức và chức năng tim tốt, không có triệu chứng suy tim hay rối loạn nhịp tim.
ThS. BS. Nguyễn Hữu Mạnh Đức kiểm tra sức khỏe cho Linh trong ngày tái khám
Thông qua trường hợp của Linh, ThS. BS. Nguyễn Hữu Mạnh Đức – Khoa Hồi sức Cấp cứu – Đột quỵ gửi gắm thông điệp đến người dân: “Bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đau tim… không còn là bệnh lý của người trung niên hay lớn tuổi như trước đây nữa mà có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Nhiều nghiên cứu hiện nay cho thấy nguyên nhân bệnh xảy ra ở những người trẻ (<45 tuổi) hay rất trẻ (<35 tuổi) là do tình trạng trạng stress công việc/cuộc sống, lối sống tĩnh tại ít vận động, thừa cân, bia rượu quá độ hay hút thuốc lá quá nhiều.
Qua đó việc bỏ thuốc lá, kiểm soát cân nặng, tập thể dục thường xuyên, kiểm tra sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết. Đồng thời, người dân cần kiểm soát tốt các bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… để dự phòng nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ não cấp.
Đặc biệt, khi nghi ngờ bản thân có dấu hiệu nhồi máu cơ tim như đau thắt ngực, mệt ngực khó thở… người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế có khả năng can thiệp tim mạch để được chẩn đoán và chỉ định tái lưu thông mạch máu nuôi tim nếu bị tắc càng sớm càng tốt nhằm hạn chế tế bào cơ tim bị tổn thương và hoại tử. Thời gian vàng là từ 12-24 giờ đầu tiên, bởi “Thời gian là cơ tim, cơ tim là sự sống.”
*Tên của bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.