Các bệnh lý tự miễn và thai kỳ

1. Bệnh lý tự miễn
– Rối loạn tự miễn là bệnh lý ở hệ thống miễn dịch của cơ thể, phổ biến hơn ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
– Các kháng thể bất thường được tạo ra trong các rối loạn tự miễn dịch có thể đi qua nhau thai và gây ra các vấn đề ở thai nhi.
– Rối loạn tự miễn có thể ảnh hưởng đến thai kỳ và ngược lại, thai kỳ cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ nặng nhẹ của các bệnh lý tự miễn khác nhau.
– Một số rối loạn tự miễn thường gặp: Hội chứng kháng phospholipid, giảm tiểu cầu miễn dịch, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống,…

2. Hội chứng kháng phospholipid
– Hội chứng kháng phospholipid: hội chứng khiến cục máu đông hình thành dễ dàng hoặc quá nhiều, có thể gây ra những điều sau đây trong thai kỳ: sẩy thai, thai lưu, tăng huyết áp hoặc tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung.
– Các yếu tố để chẩn đoán hội chứng kháng phospholipid như có tiền sử thai lưu, tắc tĩnh mạch, xét nghiệm máu có kháng thể kháng phospholipid.
– Nếu một phụ nữ mắc hội chứng kháng phospholipid, khi mang thai thường được điều trị bằng thuốc chống đông máu và aspirin liều thấp để ngăn ngừa cục máu đông và các biến chứng trong thai kỳ

3. Giảm tiểu cầu miễn dịch
– Trong bệnh lý giảm tiểu cầu miễn dịch, kháng thể làm giảm số lượng tiểu cầu trong máu. Tiểu cầu là thành phần quan trọng giúp ích cho quá trình đông máu. Quá ít tiểu cầu (giảm tiểu cầu) có thể gây chảy máu quá nhiều ở phụ nữ mang thai và thai nhi.
– Nếu không được điều trị trong thai kỳ, giảm tiểu cầu miễn dịch có xu hướng trở nên trầm trọng hơn. Các kháng thể gây rối loạn có thể đi qua nhau thai đến bào thai. Tuy nhiên, chúng hiếm khi ảnh hưởng đến số lượng tiểu cầu ở thai nhi.
– Điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch bằng corticoid, globulin tiêm tĩnh mạch. Corticosteroid, thường là prednisone dùng qua đường uống, có thể làm tăng số lượng tiểu cầu và do đó cải thiện quá trình đông máu ở phụ nữ mang thai bị giảm tiểu cầu miễn dịch.
– Những phụ nữ có số lượng tiểu cầu thấp ở mức nguy hiểm có thể được tiêm tĩnh mạch liều cao globulin miễn dịch ngay trước khi sinh. Globulin miễn dịch (kháng thể thu được từ máu của những người có hệ thống miễn dịch bình thường) làm tăng số lượng tiểu cầu và cải thiện quá trình đông máu. Do đó, quá trình chuyển dạ có thể diễn ra an toàn và phụ nữ có thể sinh thường mà không bị chảy máu mất kiểm soát.
– Phụ nữ mang thai chỉ được truyền tiểu cầu khi số lượng tiểu cầu thấp đến mức có thể xảy ra chảy máu nghiêm trọng.

4. Viêm khớp dạng thấp
– Viêm khớp dạng thấp có thể phát triển trong thời kỳ mang thai hoặc thậm chí thường xuyên hơn ngay sau khi sinh.
– Nếu viêm khớp dạng thấp xuất hiện trước khi mang thai, triệu chứng có thể tạm thời thuyên giảm trong thai kỳ nhưng chúng thường trở lại mức ban đầu sau khi sinh.
– Viêm khớp đã làm tổn thương khớp hông hoặc cột sống dưới (thắt lưng), người phụ nữ có thể khó sinh nở, nhưng rối loạn này không ảnh hưởng đến thai nhi.
– Nếu triệu chứng khởi phát trong thời kỳ mang thai, sản phụ sẽ được điều trị bằng corticosteroid. Nếu không hiệu quả, một loại thuốc ức chế miễn dịch khác có thể được sử dụng.

5. Lupus ban đỏ hệ thống
– Lupus có thể xuất hiện lần đầu tiên khi mang thai, hoặc trầm trọng hơn hoặc ít nghiêm trọng hơn trong thai kỳ. Không thể dự đoán được việc mang thai ảnh hưởng đến tiến trình của bệnh lupus như thế nào, nhưng thời điểm bùng phát phổ biến nhất là ngay sau khi sinh.
– Phụ nữ mắc bệnh lupus thường có tiền sử sảy thai nhiều lần, thai chậm phát triển trong tử cung và sinh non.
– Nếu phụ nữ bị biến chứng do bệnh lupus (tổn thương thận hoặc tăng huyết áp), nguy cơ tử vong cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh và cho người mẹ sẽ tăng lên.

Các vấn đề liên quan đến bệnh lupus có thể được giảm thiểu nếu thực hiện những điều sau:
+ Chờ đợi cho đến khi lupus ổn định trong vòng 6 tháng mới mang thai.
+ Phác đồ dùng thuốc đã được điều chỉnh để kiểm soát bệnh lupus tốt nhất có thể.
+ Huyết áp và chức năng thận bình thường.

– Ở phụ nữ mang thai, kháng thể lupus có thể đi qua nhau thai đến thai nhi. Kết quả là thai nhi có thể có nhịp tim rất chậm, thiếu máu, số lượng tiểu cầu thấp hoặc số lượng bạch cầu thấp. Tuy nhiên, những kháng thể này sẽ dần dần biến mất trong vài tuần sau khi em bé chào đời và các vấn đề do chúng gây ra sẽ được giải quyết ngoại trừ nhịp tim chậm.
– Nếu phụ nữ mắc bệnh lupus đã dùng hydroxychloroquine trước khi mang thai, họ có thể dùng thuốc này trong suốt thai kỳ. Nếu các đợt bùng phát xảy ra, sản ph có thể cần dùng một liều thấp prednisone (một loại corticosteroid) bằng đường uống, một loại corticosteroid khác như methylprednisolon tiêm tĩnh mạch hoặc một loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch như azathioprine theo chỉ định của bác sỹ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...