Những phương pháp giúp phụ nữ sau điều trị ung thư vẫn có thể thực hiện thiên chức làm mẹ
1. Ảnh hưởng của ung thư đến khả năng sinh sản ở nữ giới
Một vài loại ung thư và quá trình điều trị ung thư có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nữ giới. Việc phẫu thuật cắt bỏ khối u làm ảnh hưởng đến các cơ quan cần cho việc mang thai như buồng trứng, tử cung; quá trình hoá trị, xạ trị có thể làm thay đổi nồng độ nội tiết hoặc trứng của người phụ nữ. Do đó, việc bảo tồn khả năng sinh sản nên được bác sỹ tư vấn và thực hiện trước khi bắt đầu quá trình điều trị ung thư trong trường hợp bệnh nhân mong muốn có con.
2. Các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản
2.1. Trữ trứng
Phương án trữ trứng thường thích hợp cho nữ giới mắc ung thư nhưng chưa kết hôn hoặc không có ý định kết hôn trong tương lai.
Trứng được trữ đông lạnh thông qua quá trình kích thích buồng trứng kéo dài khoảng 8-10 ngày. Bác sỹ sẽ thăm khám để đưa ra số lượng trứng cần đông lạnh để đảm bảo khả năng có con sau này là tối ưu nhất. Số trứng trữ đông lạnh tuỳ thuộc vào tuổi và dự trữ buồng trứng của người có nhu cầu. Nguồn trứng đông lạnh sau này sẽ được tạo phôi với người chồng hoặc với tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng nếu muốn làm mẹ đơn thân hoặc trường hợp người chồng không có tinh trùng.
2.2. Trữ phôi
Phương án trữ phôi thích hợp cho những trường hợp nữ giới mắc ung thư nhưng đã kết hôn.
Trứng sau khi được lấy ra khỏi cơ thể người vợ sẽ được kết hợp với tinh trùng của người chồng để tạo phôi. Phôi sau đó sẽ được đông lạnh để bảo quản và chuyển vào cơ thể người mẹ sau khi đã hoàn tất quá trình điều trị ung thư.
2.3. Trữ mô buồng trứng
Đối với phương pháp này, một phần mô buồng trứng sẽ được lấy ra và bảo quản đông lạnh, sau đó ghép lại vào cơ thể sau khi hoàn tất quá trình điều trị ung thư. Mô buồng trứng sau khi được cấy ghép sẽ hoạt động trở lại. Tuy nhiên hiện tại phương án này vẫn chưa được áp dụng phổ biến trong điều trị.
3. Thời gian thực hiện
Việc thực hiện các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản nên ưu tiên càng sớm càng tốt để giảm ảnh hưởng của bệnh lý lên chức năng sinh sản và kịp thời điều trị ung thư. Thời điểm bắt đầu có thể bất cứ thời điểm nào, không phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt.
Quá trình trữ trứng thường kéo dài khoảng 8-10 ngày. Ở một số trường hợp không cần kích thích buồng trứng, thời gian có thể được rút ngắn còn khoảng 1-2 ngày. Có thể lặp lại quá trình trữ trứng nếu chưa đạt được số lượng mong muốn hay chất lượng trứng chưa đáp ứng được nhu cầu có con trong tương lai. Những trường hợp trữ phôi cũng dao động trong khoảng thời gian này.
Tổng quan quy trình trữ trứng, trữ phôi
4. Các phương án để có con sau khi điều trị ung thư
Đối với trường hợp nữ giới còn tử cung, vòi trứng, buồng trứng, khả năng có thai tự nhiên vẫn có thể xảy ra. Nếu khả năng sinh sản bị suy giảm do giảm chất lượng, số lượng trứng hoặc các cơ quan sinh sản bị cắt bỏ thì cần đến các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Những trường hợp đã trữ trứng, trứng sẽ được tạo phôi với tinh trùng của người chồng hoặc ngân hàng tinh trùng nếu không kết hôn, phôi tạo ra sẽ được chuyển vào buồng tử cung để mang thai. Nếu không còn tử cung có thể dùng phương án mang thai hộ.
Những trường hợp đã trữ phôi thì có thể chuyển phôi vào buồng tử cung, nếu không còn tử cung có thể dùng phương án mang thai hộ.
Những tình huống không trữ trứng, trữ phôi trước, nếu không còn trứng sau quá trình điều trị ung thư thì có thể dùng phương án thụ tinh ống nghiệm xin cho trứng. Nếu không còn cả trứng và tử cung sau quá trình điều trị ung thư thì xin con nuôi là phương án hỗ trợ cho cặp vợ chồng mong con.
Ung thư và điều trị ung thư có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản. Chính vì vậy bệnh nhân ung thư nên được tư vấn để tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho việc mang thai sau này.
Hiện nay Đơn vị Hỗ trợ Sinh sản IVFMD FAMILY đang triển khai thực hiện trữ trứng, trữ phôi kết hợp với ngân hàng tinh trùng để giúp phụ nữ có cơ hội thực hiện thiên chức làm mẹ sau quá trình điều trị ung thư.
BS. Võ Văn Cường
Đơn vị IVFMD FAMILY, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình