Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, tại Việt Nam, số người bị đột quỵ hằng năm lên đến hơn 200,000 người. Đối với những bệnh nhân may mắn được cứu sống thì tỷ lệ để lại di chứng về thần kinh và vận động là rất cao. Đáng lo ngại hơn, lượng bệnh nhân nhập viện do đột quỵ tăng rõ rệt khi trời trở lạnh.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước đã khẳng định, đột quỵ có mối liên quan mật thiết với thời tiết. Ở nước ta, số ca mắc đột quỵ tăng từ 15 – 20% vào mùa đông, ngoài ra, khoảng 60 – 70% các bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa và buổi chiều. Thêm vào đó, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ do tăng huyết áp vào mùa lạnh cũng cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%.
Tại sao dễ bị đột quỵ vào mùa lạnh?
Khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.
Hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt máu. Hơn nữa, nhiệt độ giảm làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất, khiến máu vón cục tạo thành cục máu đông. Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu và dẫn đến nhồi máu não.
Làm thế nào để dự phòng đột quỵ mùa lạnh?
– Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ đột quỵ: kiểm soát huyết áp, đường huyết, bệnh tim mạch; duy trì chế độ ăn lành mạnh; tránh căng thẳng trong cuộc sống.
– Chăm sóc sức khỏe trong mùa lạnh:
+ Nên vận động nhẹ nhàng từ 3 – 5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng. Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh. Không tắm trễ cũng như không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C là phù hợp nhất.
+ Việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ là rất quan trọng.
+ Khi tham gia hoạt động thể chất, nên mặc nhiều lớp áo, khi cơ thể ấm lên sau vận động thì có thể cởi bỏ bớt và mặc vừa đủ để giữ ấm cơ thể.
+ Hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày, cần tuân theo nguyên tắc không hoạt động quá sức.
+ Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời vì rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, khiến ta có cảm giác cơ thể ấm hơn, tuy nhiên thực tế việc này lấy đi nguồn nhiệt ra khỏi các cơ quan quan trọng, làm cho bản thân người uống rượu không biết được cơ thể bị mất nhiệt.
Khi nào người bệnh cần đến bệnh viện ngay?
Có thể nhận biết đột quỵ qua các dấu hiệu:
“CHẬM” LÀ NÃO CHẾT
CH – Chi thể: Yếu liệt tay, chân một bên.
Ậ – Âm: Nói khó.
M – Miệng: Méo miệng.
Khi nhận thấy bệnh nhân có sự khác thường này, không nên cạo gió, chích máu đầu ngón tay hay chờ bệnh nhận ổn rồi mới gọi cấp cứu, hãy nhanh chóng gọi Đội cấp cứu Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Gia Đình để được hướng dẫn và xử trí kịp thời, tận dụng thời gian vàng (3 – 4,5 giờ) của cấp cứu đột quỵ, nâng cao cơ hội hồi phục, giảm những di chứng nặng nề cho bệnh nhân.
Hotine Cấp cứu 24/7: 02363 632 333