Vào mùa nắng nóng, tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp gia tăng đột biến. Theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện ĐK Gia Đình, số lượng trẻ đến khám vào tháng 5 tăng 37% so với tháng trước, trong đó, bệnh lý hô hấp chiếm khoảng 40 – 50%.
1.Nguyên nhân gia tăng bệnh lý hô hấp ở trẻ
Có thể kể đến một số nguyên nhân của tình trạng này như sau :
- Ở trẻ, các cơ quan, trong đó có hệ hô hấp, đang phát triển và hoàn thiện. Hệ miễn dịch và sức đề kháng còn non yếu. Trong khi đó, hệ hô hấp là cửa ngõ thông thương trực tiếp giữa cơ thể với môi trường bên ngoài. Vì thế, những biến đổi về nhiệt độ hay môi trường đều ảnh hưởng đến hệ hô hấp và qua đó có thể gây bệnh.
- Trời nắng nóng, trẻ ra nhiều mồ hôi, cơ thể dễ mất nước và rối loạn điện giải, ảnh hưởng đến khả năng chống đỡ của cơ thể.
- Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, đặc biệt là việc sử dụng các phương tiện làm mát chưa hợp lý, làm tăng nguy cơ gây bệnh.
- Vấn đề chăm sóc của phụ huynh cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khả năng đề kháng của trẻ. Bệnh lý hô hấp cũng dễ lây nhiễm khi sinh hoạt tập thể tại các nhà trẻ trong phòng kín, hoặc bị lây từ những người đang có bệnh lý hô hấp (bao gồm cả trẻ em và người lớn).
2. Nguyên tắc chung phòng ngừa bệnh hô hấp cho trẻ
Bú sữa mẹ hoàn toàn khi trẻ dưới 4 tháng tuổi và càng lâu càng tốt
Nuôi dưỡng trẻ tốt, dinh dưỡng đầy đủ
Chủng ngừa đầy đủ các loại vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Uống Vitamin A và các nguyên tố vi lượng khác (sắt, kẽm, …) theo đúng hướng dẫn.
- Tránh khói thuốc lá hoặc ở gần người hút thuốc lá.
- Tránh những nơi ô nhiễm, khói bụi nhiều.
- Tránh cho trẻ (nhất là trẻ nhỏ) tiếp xúc gần với người đang cảm ho.
- Rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ là một biện pháp đơn giản và có hiệu quả. Chúng ta dễ dàng nhận thấy vai trò của rửa tay qua đợt dịch COVID-19 vừa rồi.
- Tránh để trẻ ra trời nóng vào giờ nóng cao điểm hoặc ở quá lâu ngoài trời nóng.
- Tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột bằng cách sử dụng các phương tiện làm mát hợp lý.
3. Về vấn đề sử dụng các phương tiện làm mát hợp lý
Một số lưu ý khi dùng máy lạnh cho trẻ:
3.1. Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột đối với trẻ:
- Không nên cho trẻ vào ngay phòng máy lạnh (nhất là phòng có nhiệt độ thấp) khi ở ngoài trời nắng về hay khi vừa chạy nhảy, vận động nhiều.
- Nên lau khô mồ hôi cho trẻ, ngồi nghỉ ở nhiệt độ phòng bình thường khoảng vài phút rồi mới nên vào phòng máy lạnh.
- Nên tạo một khoảng nghĩ trước cửa phòng, để cơ thể trẻ không bị tác hại bởi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi ra vào phòng máy lạnh. Khi ra ngoài, nên mở rộng cửa, đứng lại khoảng vài phút để trẻ dễ thích ứng.
3.2. Vị trí máy lạnh
- Lắp đặt máy lạnh hoặc điều chỉnh chỗ ngủ sao cho luồng không khí lạnh không phả trực tiếp vào người trẻ. Nên chọn loại máy lạnh “2 cục” (với dàn nóng và lạnh riêng biệt nhau).
- Sử dụng máy lạnh khi ngủ: Tránh luồng gió máy lạnh thổi thẳng vào nơi nằm ngủ của trẻ, không để nhiệt độ thấp kéo dài liên tục trong đêm.
3.3. Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp
- Điều chỉnh nhiệt độ phòng máy lạnh thấp hơn nhiệt độ bên ngoài khoảng 8-10°C. Chênh lệch nhiệt độ này nên càng ít càng tốt nếu trẻ càng nhỏ.
- Nhiệt độ trung bình khoảng 24-26°C là vừa phải, nhưng nếu có trẻ nhỏ thì khoảng 27°C là thích hợp hơn.
- Không dùng liên tục quá lâu (quá 4 giờ liên tục)
3.4. Vệ sinh máy lạnh định kỳ để tránh bụi bẩn bám vào cũng như các tác nhân gây bệnh lưu lại trong máy lạnh.
Một số lưu ý khi dùng quạt máy cho trẻ:
- Nên ít dùng quạt điện cho trẻ em nếu có thể. Quạt điện chủ yếu chỉ dùng để điều tiết khí lưu thông trong phòng, qua đó gián tiếp làm mát cho trẻ hơn là trực tiếp thổi gió đến trẻ.
- Khi mồ hôi ra nhiều, không nên bật quạt ngay. Nên lau mồ hôi, nghỉ vài phút rồi mới dùng quạt.
- Không bật quạt số cao. Trong căn phòng tương đối thoáng gió thì chỉ nên mở quạt số nhỏ cho gió thổi nhẹ.
- Không nên để quạt quạt thẳng vào người, thổi lâu vào một vị trí cố định trên cơ thể. Thay vào đó, nên dùng quạt xoay chiều, thổi gió lệch sang phía khác.
- Không nên dùng quạt hơi nước hay quạt phun sương kéo dài và trong phòng kín để tránh tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp.
ThS.BS. Lê Hữu Dũng
Trưởng Khoa Nhi – Bệnh viện ĐK Gia Đình