Điều trị khối u buồng trứng

1. Khối u buồng trứng là gì?
– Khối u buồng trứng là các khối u nằm ở vị trí buồng trứng, bao gồm u nguyên phát (dạng đặc hoặc dạng nang) chiếm 90% và u thứ phát do di căn từ xa đến buồng trứng.
– Bệnh có thể gặp ở phụ nữ mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

2. Các dạng u nang buồng trứng thường gặp
– U nang cơ năng:thường là những nang nhỏ, đường kính dưới 5-6cm, tồn tại trong một khoảng thời gian.
– U nang thực thể: phần lớn là u lành tính. Trong đó:
+ U nang thanh dịch (dịch trong): có thể gặp ở một hoặc cả hai bên buồng trứng, tỷ lệ ác tính 20-25%. Phát hiện qua thăm khám bụng vùng tiểu khung hoặc siêu âm thấy khối u.
+ U nang nhầy: u có nhiều thuỳ chứa dịch nhầy đặc, kích thước thường to nhất trong các u buồng trứng. tỷ lệ ác tính dưới 20%.
+ U nang bì: còn gọi là u quái (teratoma), thường nằm ở một bên buồng trứng chứa các mô như răng, lông, tóc, bã đậu. Nang bì thường lành tính nhưng cũng có thể trở thành ác tính, tỷ lệ ác tính 1-5%. Hay được phát hiện ở lứa tuổi 20-30 tuổi.
– U lạc nội mạc tử cung: thường gây thống kinh, hiếm muộn.
– U đặc và u thứ phát có tỷ lệ ác tính cao hơn u dạng nang. Có thể kể đến u thứ phát tại buồng trứng do di căn từ cơ quan khác đến như U Krukenberg do ung thư dạ dày di căn.

3. Khi bị u nang buồng trứng thường có triệu chứng gì?

– Cảm thấy nặng, đau tức vùng chậu hoặc thấy bụng to ra.
– Nhiều trường hợp không có triệu chứng chỉ được phát hiện khi thăm khám.
– Khám thấy khối u hạ vị, di động tách biệt với tử cung.

4. Chẩn đoán u nang buồng trứng dựa vào yếu tố nào?
– Dựa vào triệu chứng lâm sàng.
– Siêu âm.
– Xét nghiệm CA125 và HE4.
– Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ.

5. U nang buồng trứng có nguy hiểm không?
– U nang buồng trứng cơ năng thường là u lành tính, có thể tự biến mất và không gây nguy hiểm.
– U nang buồng trứng thực thể thường tiến triển chậm, âm thầm qua nhiều năm. Khi triệu chứng rõ rệt tức là u đã to và chèn ép vào các tạng xung quanh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng.
– U nang có thể gây ra các biến chứng:
+ Xoắn nang: cơn đau bụng đột ngột, hay gặp ở bệnh nhân có u bì.
+ Chèn ép: các tạng trong khu vực tiểu khung bị chèn ép gây đau bụng, tiểu khó.
+ Vỡ nang: thường xảy ra sau khi khối u buồng trứng bị xoắn không được xử trí kịp thời.
+ Xuất huyết trong nang.
+ Ung thư hóa.
– U buồng trứng và thai kỳ:
+ Nếu có tình trạng xoắn nang phải phẫu thuật cấp cứu, nếu nang không xoắn có thể thực hiện phẫu thuật vào đầu quý II của thai kỳ hoặc sau sinh.
+ U nang có thể gây sẩy thai, sinh non, u tiền đạo, ngôi thai bất thường, xoắn u nang sau sinh.

6. Điều trị u nang buồng trứng bằng phương pháp nào?
6.1. Những trường hợp điều trị nội khoa

Thực hiện khám định kỳ đối với các khối u cơ năng

– Đối với khối u cơ năng thực hiện theo dõi, thăm khám sau 3-6 tháng.
– Bác sỹ có thể chỉ định thuốc viên tránh thai phối hợp trong thời kỳ theo dõi.
– Nếu u vẫn tồn tại, kích thước trên siêu âm và CA125 không tăng qua các lần kiểm tra thì tiếp tục theo dõi định kỳ hoặc phẫu thuật trong trường hợp có biến chứng

6.2. Những trường hợp điều trị phẫu thuật
– Đối với khối u thực thể, phẫu thuật thực hiện khi khối u to nhanh hay nghi ngờ ung thư hoặc khi khối u tồn tại lâu, có triệu chứng do chèn ép.
– Tùy đánh giá trước phẫu thuật mà các bác sỹ tư vấn và lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp: nội soi hay mổ mở, cắt khối u buồng trứng hay cắt phần phụ, cắt tử cung nếu kèm theo bệnh lí cần điều trị,…
– Nếu nghi ngờ khối u ác tính cần thực hiện xét nghiệm mô bệnh học (cắt lạnh chẩn đoán tức thì hoặc mô bệnh học cổ điển) để xác định bản chất và xét nghiệm máu để định lượng các chất chỉ điểm sinh học khối u.
– Thời gian điều trị:
+ Phẫu thuật nội soi: xuất viện sau 1 – 3 ngày.
+ Phẫu thuật mở: xuất viện sau 4 – 7 ngày.

7. Những điều bạn cần biết trước khi điều trị?
– Trước khi thực hiện, bạn và người nhà sẽ được giải thích, tư vấn về dịch vụ và các thông tin chuyên môn.
– Nhập viện trước ít nhất 12 giờ, hoặc theo giờ hẹn của bác sỹ.
– Mang theo những vật dụng cá nhân cần thiết theo sự hướng dẫn của nhân viên.
– Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm tiền phẫu theo chỉ định.
– Nhịn ăn uống trước mổ ít nhất 8 giờ.
– Thực hiện thụt tháo trước khi phẫu thuật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
– Tắm rửa toàn thân bằng xà phòng sát khuẩn.
– Nằm nghỉ ngơi, thư giãn, giữ tinh thần thoải mái.

8. Những điều bạn cần biết trong và sau quá trình điều trị?
Ngay sau khi phẫu thuật u nang buồng trứng có thể xảy ra các triệu chứng sau:
– Ớn lạnh: cơ thể sẽ thấy lạnh khi thoát khỏi khí gây mê.
– Buồn nôn hoặc nôn, tê ở vết mổ.
– Đau vết mổ hoặc đôi khi đau hai vai sau phẫu thuật nội soi ổ bụng.
Những triệu chứng này là tương đối bình thường ở người bệnh sau khi trải qua phẫu thuật u nang buồng trứng.

Bạn cần:
– Kiểm tra vết thương hằng ngày thay dẫn lưu nếu có:
+ Vết thương nội soi dán urgo thay băng sau 48h.
+ Vết thương dán keo sinh học không thay băng chỉ theo dõi hằng ngày.
– Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không kiêng khem.
– Vận động đi lại nhẹ nhàng, tránh làm việc nặng trong 3 tuần đầu sau mổ.
– Tránh môi trường có nhiều bụi bẩn, chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý.
– Tắm rửa hằng ngày, vệ sinh vết mổ sau khi tắm xong.
– Giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ.
– Nên luyện tập nhẹ nhàng bằng việc đi bộ, yoga, thiền,…

9. Bạn nên tái khám khi nào?
– Tái khám theo hẹn hoặc khám ngay khi có dấu hiệu bất thường:
+ Đau bụng nhiều hoặc tăng dần, ra máu âm đạo bất thường.
+ Vết mổ đau, sưng nề, đỏ kèm sốt.
+ Dịch âm đạo hôi.
+ Đại tiện, tiểu tiện không tự chủ.

Đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa tại FAMILY có trình độ chuyên môn cao, tận tâm giàu kinh nghiệm. Thường xuyên cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật y tế tiến tiến nhất trong điều trị bệnh lý phụ khoa cùng với sự hỗ trợ của hệ thống phòng bệnh tiện nghi và chế độ chăm sóc đặc biệt giúp chăm sóc phục hồi sức khỏe toàn diện cho chị em phụ nữ và sản phụ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...