1. Chuyển dạ sinh non
Thai kỳ bình thường kéo dài khoảng 40 tuần. Chuyển dạ sinh non là cuộc chuyển dạ bắt đầu trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Chuyển dạ sinh non không có nghĩa là người phụ nữ sẽ sinh non nhưng cuộc chuyển dạ này cần được can thiệp càng sớm càng tốt bởi vì bệnh suất và tử suất của trẻ sinh non tỉ lệ nghịch với tuổi thai và cân nặng lúc sinh. Trẻ non tháng có thể được sinh ra với những vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như suy hô hấp, xuất huyết não, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết cũng như giảm khả năng học tập sau này. Vì vậy, nhận diện các yếu tố nguy cơ và dự phòng chuyển dạ sinh non là rất cần thiết nhằm làm giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ sơ sinh.
2. Các yếu tố nguy cơ của chuyển dạ sinh non
Chuyển dạ sinh non có thể xảy ra ở bất cứ thai phụ nào mà không hề có dấu hiệu cảnh báo trước đó. Nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non, bao gồm:
- Tiền sử sinh non trước đó.
- Chiều dài cổ tử cung ngắn trong giai đoạn sớm của thai kỳ.
- Có các tổn thương hoặc phẫu thuật ở cổ tử cung trước đây.
- Khoảng cách giữa 2 lần mang thai gần nhau.
- Các biến chứng của thai kỳ hiện tại: đa thai, đa ối,…
- Các yếu tố về lối sống trong thai kỳ: tình trạng căng thẳng, hút thuốc lá, ít tăng cân, dinh dưỡng kém…
3. Các biện pháp dự phòng chuyển dạ sinh non
Nếu thai phụ có các yếu tố nguy cơ của chuyển dạ sinh non nêu trên thì nên trao đổi với các bác sĩ trong quá trình theo dõi thai kỳ để được tư vấn và cung cấp các phương pháp dự phòng chuyển dạ sinh non. Các phương pháp đó bao gồm:
- Progesterone đặt âm đạo: Progesterone có vai trò trong việc ngăn ngừa cơn go tử cung và sự thay đổi của cổ tử cung. Thai phụ có thể được sử dụng progesterone đặt âm đạo bắt đầu từ tuần thứ 16 – 24 của thai kỳ. Thời gian điều trị thường được kéo dài cho đến khi thai nhi được 34 – 36 tuần, trừ khi chuyển dạ sinh non xảy ra sớm hơn.
- Khâu vòng cổ tử cung: Nếu thai phụ được chẩn đoán suy yếu cổ tử cung, thai phụ sẽ được khâu vòng cổ tử cung để dự phòng sinh non. Trong thủ thuật này, cổ tử cung được đóng lại bằng một sợi chỉ khâu bảng to ở tuần thứ 14 đến trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Chỉ khâu sẽ được cắt khi thai nhi được 37 tuần, trừ khi chuyển dạ sinh non xảy ra sớm hơn.
- Vòng nâng cổ tử cung: Dụng cụ này được thiết kế ôm trọn cổ tử cung, tạo độ nghiêng cổ tử cung và có thể xoay cổ tử cung hướng về phía xương cùng, trong đó phổ biến nhất là vòng Arabin. Vòng nâng cổ tử cung đã được chứng minh có hiệu quả trong dự phòng sinh non trong đơn thai và song thai từ tuần thứ 18 – 22 của thai kỳ. Vòng nâng cổ tử cung sẽ được tháo khi thai nhi được 37 tuần, trừ khi chuyển dạ sinh non xảy ra sớm hơn.
Hiện tại, khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình đã và đang áp dụng đầy đủ 3 phương pháp trên trong dự phòng chuyển dạ sinh non, nhằm giúp quý khách hàng có được thai kỳ an yên và vui khoẻ.
Nguồn:
- Hội Nội tiết Sinh sản & Vô sinh TP. Hồ Chí Minh (2016), Sinh non và các vấn đề liên quan, Y học Sinh sản, tập 37.
- Bệnh viện Từ Dũ (2019), Phác đồ điều trị Sản Phụ khoa 2019, Nhà xuất bản Thanh Niên.
ThS.BS. Đinh Thanh Nhân
Khoa Phụ sản – BV Gia Đình