Giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch nổi rõ và giãn to. Bất kỳ tĩnh mạch nào cũng có thể bị giãn, nhưng hay gặp nhất là tĩnh mạch ở cẳng chân và bàn chân.
Dấu hiệu và triệu chứng
– Cảm giác đau nhức hoặc tức nặng ở chân. Nóng, đau nhói, chuột rút và sưng ở cẳng chân. Triệu chứng nặng lên khi ngồi hoặc đứng lâu.
– Ngứa quanh một hoặc nhiều tĩnh mạch
– Loét da gần cổ chân, đây là biểu hiện của thể bệnh nặng và cần điều trị cấp cứu.
– Tĩnh mạch giãn thường có màu tím sẫm hoặc màu xanh và có thể xoắn với nhau thành búi, thường xuất hiện ở sau bắp chân hoặc phía trong cẳng chân, nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu.
Nguyên nhân
Ở người có tuổi, tĩnh mạch bị mất độ đàn hồi và bị giãn. Các van của tĩnh mạch sẽ bị yếu, khiến cho máu đáng lẽ phải chảy về tim lại chảy ngược trở lại. Máu sẽ ứ lại ở tĩnh mạch khiến tĩnh mạch giãn to và trở thành búi giãn tĩnh mạch. Tĩnh mạch có màu xanh vì chúng chứa máu đã bị mất oxi trong quá trình tuần hoàn.
Xét nghiệm và chẩn đoán
Khám chân trong khi đứng để phát hiện sưng chân và hỏi về các triệu chứng đau và nhức ở chân.
Siêu âm kiểm tra chức năng của van tĩnh mạch và dấu hiệu huyết khối.
Điều trị
Tiêm xơ. Bác sỹ sẽ tiêm vào các tĩnh mạch giãn có kích thước nhỏ hoặc trung bình một dung dịch gây xơ hóa các tĩnh mạch này. Trong một vài tuần các tĩnh amchj được điều trị sẽ mờ dần.
Phẫu thuật laser thường được dùng để điều trị tĩnh mạch giãn nhỏ hoặc các sao mạch. Phẫu thuật laser đưa một chùm tia laser mạnh vào tĩnh mạch giãn khiến nó mờ dần và biến mất.
Thủ thuật catheter. Catheter được luồn vào tĩnh mạch giãn và đầu catheter được đốt nóng để phá huỷ và làm xẹp tĩnh mạch bị giãn. Thủ thuật này thườgn được áp dụng cho giãn tĩnh mạch lớn.
Gỡ bỏ tĩnh mạch. Rạch một đường nhỏ trên da và qua đó cắt bỏ một đoạn tĩnh mạch dài. Việc làm này sẽ không ảnh hưởng đến tuần hoàn ở chân vì các tĩnh mạch nằm sâu đảm nhiệm phần lớn chức năng tuần hoàn máu.
Mổ cắt tĩnh mạch ngoại trú. Bác sĩ sẽ cắt bỏ các tĩnh mạch giãn nhỏ qua một loạt những đường rạch nhỏ trên da. thủ thuật cần gây tê tại chỗ và nói chung ít để lại sẹo.
Phẫu thuật tĩnh mạch nội soi. Chỉ áp dụng cho những trường hợp nặng có loét ở chân. Bac sĩ sẽ luồn một camera video nhỏ vào chân để quan sát và đóng kín các tĩnh mạch giãn, và sau đó lấy bỏ tĩnh mạch qua những đườgn rạch nhỏ.
Phòng ngừa
– Tích cực vận động để tăng cường tuần hoàn máu ở chân.
– Kiểm soát cân nặng và chế độ ăn. Chế độ ăn ít muối nhiều chất xơ sẽ ngăn ngừa tình trạng phù do giữ nước và táo bón.
– Tránh đi giày gót cao. Không mặc quần áo bó chặt quanh vùng eo, háng hoặc cẳng chân gây cản trở tuần hoàn máu.
– Kê cao chân khi nằm.
– Tránh ngồi hoặc đứng lâu. Thay đổi tư thế thường xuyên để tăng tuần hoàn máu. Nghỉ giải lao để đi lại 30 phút một lần.
– Không ngồi vắt chéo chân. Tư thế này gây cản trở tuần hoàn máu.