Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường


1. Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường là gì?
Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu là biến chứng cấp tính, đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân trên 65 tuổi, bị đái tháo đường type 2, nữ thường gặp hơn nam, kèm theo các bệnh lý làm giảm khả năng uống nước. Bệnh có tiên lượng xấu với tỷ lệ tử vong cao (40 – 50%) ngay cả khi được cấp cứu tại các cơ sở y tế có trang thiết bị hiện đại. Nếu qua khỏi người bệnh cũng dễ phải sống chung với các di chứng.

2. Những nguyên nhân nào làm tăng nguy cơ gây hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường?
– Nhiễm khuẩn: Là nguyên nhân thường gặp nhất, chiếm tới 57,1%.
– Không phát hiện bệnh đái tháo đường, người bệnh bị hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu vì không nhận biết được các triệu chứng sớm của bệnh tiểu đường.
– Người bệnh không tuân thủ chế độ điều trị đái tháo đường.
– Mắc các bệnh lý kèm theo như: Tai biến mạch máu não, huyết khối mạc treo, nhồi máu cơ tim, tăng hoặc giảm thân nhiệt,…
– Sử dụng thuốc lợi tiểu, corticoid hoặc uống rượu bia.

3. Bệnh nhân bị hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường có biểu hiện lâm sàng như thế nào?
– Rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau, từ lơ mơ tới hôn mê sâu.
– Mất ngôn ngữ, liệt nhẹ nửa người, rung giật nhãn cầu,…
– Dấu hiệu mất nước nặng: Da khô, niêm mạc miệng rất khô, tĩnh mạch cổ xẹp, mạch nhanh, nước tiểu ít, huyết áp tụt, sút cân nhanh,…
– Biểu hiện lâm sàng của các yếu tố nguy cơ gây bệnh: Nhiễm khuẩn, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,…

4. Bệnh nhân bị hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường xét nghiệm có đặc điểm gì?
– Tăng đường huyết trên 40mmol/l.
– Áp lực thẩm thấu máu trên 320 mOsm/l.
– Khí máu động mạch: pH trên 7.3, bicarbonat trên 15 mmol/l.
– Không có hoặc rất ít ceton niệu.
– Natri máu thường tăng trên 145 mmol/l.
5. Khi nghi phát hiện bệnh nhân nghi ngờ hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường ta cần phải làm gì?
– Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường là một tình trạng cấp cứu nội khoa nặng cần phải được điều trị, theo dõi, chăm sóc tại bệnh viện. Khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường ta cần tìm mọi cách đưa bệnh nhân tới bệnh viện càng nhanh càng tốt.
– Gọi người hỗ trợ, gọi cấp cứu y tế gần nhất, có thể tự đưa bệnh nhân tới bệnh viện nếu bệnh nhân còn tiếp xúc được.
– Đo đường huyết cho bệnh nhân nếu có.
– Cho bệnh nhân nằm tư thế an toàn, đầu cao 20-30 độ, nghiêng trái.

6. Nguyên tắc cấp cứu hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường tại bệnh viện?
– Cấp cứu ban đầu ổn định các dấu hiệu sinh tồn.
– Bù dịch nhanh và đầy đủ.
– Điều chỉnh điện giải đồ.
– Sử dụng insulin để kiểm soát đường máu.
– Chẩn đoán và điều trị các nguyên nhân phối hợp.

7. Phòng ngừa hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường ta cần làm
gì?
– Bệnh nhân đái tháo đường cần phải được theo dõi diễn tiến của bệnh, sự thay
đổi ý thức và kiểm tra đường máu chặt chẽ.
– Người bệnh đái tháo đường cần được hướng dẫn duy trì một chế độ ăn uống hợp lý và sử dụng insulin đúng theo chỉ định của bác sĩ.
– Bệnh nhân cần khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý phối hợp như bệnh lý tim mạch, nhiễm trùng,…

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...