Lịch khám thai ba tháng cuối thai kỳ

3 tháng cuối: được tính từ thai tuần 29 đến tuần 40
1. Lịch khám thai
– Tuần 29-32: khám thai 1 lần
– Tuần 33-35: 2 tuần khám thai 1 lần
– Tuần 36-40: 1 tuần khám thai 1 lần
Lưu ý:
Lịch khám thai này áp dụng cho chăm sóc thường quy thai kỳ đơn thai không kèm yếu tố nguy cơ
Lịch khám thai sẽ thay đổi tùy theo từng trường hợp cụ thể khi có các dấu hiệu bất thường (đau bụng, ra máu, ra nước…) hoặc khi thai kỳ có kèm yếu tố nguy cơ. Nếu bạn thuộc những trường hợp này bạn cần tuân theo đúng lịch khám mà bác sỹ đã tư vấn cho mình.

2. Khám thai 3 tháng cuối sẽ được bác sỹ chỉ định kiểm tra những gì?
2.1. Tuần 29-32: khám 1 lần
– Khám thai: đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, nghe tim thai
– Siêu âm thai:
+ Xác định ngôi thai
+ Xác định vị trí nhau bám và độ trưởng thành của bánh nhau
+ Ước lượng cân thai thông qua các chỉ số sinh học của thai nhi như vòng đầu, chiều dài xương đùi, vòng bụng,…
– Siêu âm màu: để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi thông qua các thông số Doppler động mạch rốn, động mạch não giữa.
– Xét nghiệm nước tiểu: phát hiện và điều trị những bệnh lý như tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm trùng tiết niệu-sinh dục

2.2. Thai nhi 33 – 35 tuần tuổi: khám 2 tuần/ lần
– Khám thai:
+ Đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, nghe tim thai
+ Khám trong, kiểm tra cổ tử cung và các dấu hiệu chuyển dạ sinh non.
– Siêu âm thai:
+ Xác định ngôi thai
+ Xác định vị trí nhau bám và độ trưởng thành của bánh nhau
+ Ước lượng cân thai thông qua các chỉ số sinh học của thai nhi như vòng đầu, chiều dài xương đùi, vòng bụng, ..
– Xét nghiệm nước tiểu: phát hiện và điều trị những bệnh lý như tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm trùng tiết niệu-sinh dục

2.3. Thai nhi 36 – 40 tuần tuổi: khám 1 tuần/ lần
– Khám thai:
+ Đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, nghe tim thai
+ Khám trong, kiểm tra cổ tử cung và các dấu hiệu chuyển dạ.
– Siêu âm thai:
+ Xác định ngôi thai
+ Xác định vị trí nhau bám và độ trưởng thành của bánh nhau
+ Ước lượng cân thai thông qua các chỉ số sinh học của thai nhi như vòng đầu, chiều dài xương đùi, vòng bụng, …
– Xét nghiệm:
+ Xét nghiệm nước tiểu: phát hiện và điều trị những bệnh lý như tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm trùng tiết niệu-sinh dục
+ Xét nghiệm Non-Stress-Test (NST): nhằm kiểm tra sức khỏe của thai nhi và kiểm tra xem em bé có nhận đủ oxy hay không.
+ Xét nghiệm tầm soát Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS – Group B Streptococcus):chỉ định từ tuần 36-37 tuần 6 ngày

3. Những dấu hiệu bất thường cần đi khám trong ba tháng cuối.
– Đau bụng thường xuyên, ngày càng đau hơn.
– Khi đi tiểu cảm thấy đau hoặc nóng rát.
– Hay xây xẩm, chóng mặt.
– Chảy máu âm đạo.
– Tháng cuối thấy dấu hiệu rỉ nước ối sớm.
– Tình trạng tăng cân diễn ra quá nhanh hoặc quá chậm.
– Thai nhi ít đạp hoặc không chuyển động.
– Thai máy giảm:Thai phụ cần chú ý đếm số lần cử động của thai nhi mỗi ngày vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối, hoặc ít nhất một lần trong ngày nếu bạn bận, mỗi lần đếm trong 30 phút.
– Nếu thai nhi có hơn 4 lần cử động trong 30 phút: thai nhi khỏe mạnh.
– Nếu thai nhi cử động ít hơn 4 lần: sản phụ cần nằm nghỉ và đếm cử động thai trong một giờ, hoặc từ 2-4 giờ. Vì khi thai nhi ngủ thường không có cử động thai, thời gian ngủ trung bình của thai nhi thay đổi từ 20 phút đến 2 giờ.
– Nếu trong 1 giờ có trên 4 cử động thai: thai nhi khỏe mạnh.
– Nếu trong 4 giờ có nhiều hơn 10 cử động thai, tiếp tục đếm 3 lần trong một ngày như trước: thai nhi vẫn khỏe mạnh.
– Nếu trong 4 giờ có ít hơn 10 cử động thai hoặc tất cả những cử động thai đều yếu: sản phụ cần phải nhập viện để theo dõi tình trạng thai nhi thêm bằng những phương pháp khác.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...