Lưu ý khi sử dụng thuốc trong thai kỳ

1. Có nên sử dụng thuốc trong thai kỳ?
Mang thai là một tình trạng sinh lý đặc biệt của người phụ nữ. Sự thay đổi liên tục về thể chất, tinh thần thậm chí là các chức năng trong cơ thể trong suốt hành trình thai nghén khiến cơ thể mẹ bầu nhạy cảm và khó chịu hơn bất kỳ lúc nào, thậm chí đôi khi gặp phải những vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, thai phụ có thể sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng này hay không là một câu hỏi luôn được đặt ra.

Hầu hết các loại thuốc được sử dụng trong thời kỳ mang thai đều có thể tác động đến thai nhi. Do đó trong thời gian này, việc điều trị thuốc nên được tránh nếu có thể. Tuy nhiên không vì thế mà tất cả các loại dược phẩm đều có hại cho sự phát triển của bé. Trên thực tế hầu hết các mẹ bầu đều sử dụng thuốc ít nhất một lần để điều trị một số rối loạn không thể thuyên giảm bằng các phương pháp thay thế.
Nói chung, khi lợi ích vượt quá những nguy cơ đã biết, một vài loại thuốc có thể được cân nhắc sử dụng trong thời kỳ mang thai và tất nhiên nên được chỉ định, hướng dẫn bởi những bác sỹ chuyên khoa uy tín để có thể kiểm soát tác động của thuốc cũng như đảm bảo mẹ bầu có một thai kỳ an toàn.

2. Ảnh hưởng của thuốc trong thời kỳ mang thai
Nhau thai được xem như cầu nối trao đổi dinh dưỡng giữa mẹ và thai nhi, những dược phẩm vượt qua hàng rào nhau thai có khả năng gây ra những ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, một số loại thuốc tuy không qua nhau thai nhưng vẫn có thể có những tác dụng không mong muốn với trẻ thông qua tác động lên mẹ.

Một số thành phần thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi gây ra những tác động như:
● Tác động trực tiếp lên thai nhi dẫn đến sẩy thai, thai lưu, dị tật bẩm sinh.
● Thay đổi chức năng bánh nhau làm giảm vận chuyển dinh dưỡng và oxy dẫn đến thai kém phát triển.
● Tác động gây ra những thay đổi trên cơ thể mẹ từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến thai.
Việc gây ra những hậu quả cho thai phụ thuộc vào những yếu tố sau:
● Giai đoạn phát triển của thai
● Thuốc và liều lượng
● Đặc điểm sinh lý và bệnh lý của mẹ tại thời điểm sử dụng thuốc
● Đáp ứng của cơ thể mẹ với thuốc sử dụng

3. Thuốc nào có thể được sử dụng trong thời kỳ mang thai
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phân loại thuốc thành năm loại theo thứ tự A, B, C, D, X theo mức độ rủi ro mà chúng gây ra cho thai nhi nếu được sử dụng trong thai kỳ. Thuốc được phân loại từ A là những loại thuốc mà nghiên cứu trên phụ nữ mang thai sử dụng thuốc thì không thấy có ảnh hưởng trên bào thai đến X là những loại mà nghiên cứu cho thấy có độc tính cao và không bao giờ được sử dụng cho phụ nữ mang thai vì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Thông thường, các bác sỹ khi cho thuốc đều theo nguyên tắc chỉ cho mẹ bầu sử dụng một loại thuốc để điều trị rối loạn khi lợi ích tiềm năng vượt xa những nguy cơ đã biết. Vì vậy nếu trong thai kỳ khi cần phải sử dụng thuốc và ngay cả thực phẩm chức năng thì mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sỹ nhé!

4. Một số liệu pháp thay thế an toàn
Trong thai kỳ, mẹ bầu có thể sẽ gặp phải vô vàn các triệu chứng khó chịu ở từng thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, việc cải thiện lối sống và thói quen sinh hoạt cũng như luyện tập một vài bài tập cơ bản phối hợp có thể góp phần đáng kể cải thiện tình trạng này.
Một số triệu chứng thường gặp và phương pháp khắc phục:

4.1. Đau mỏi khi mang thai

– Cải thiện thói quen sinh hoạt:
● Tập thể dục: vận động nhẹ giúp tăng cường sức khỏe và độ dẻo dai
● Ngủ đúng giờ và đúng tư thế
● Bổ sung đầy đủ năng lượng
– Một số thuốc có thể sử dụng nếu có sự hướng dẫn từ bác sỹ :
● Acetaminophen, ibuprofen,..

4.2. Ợ nóng
– Một số phương pháp giúp cải thiện:
● Không nên ăn nhiều thức ăn đặc biệt vào buổi tối
● Chia nhỏ bữa ăn
● Hạn chế đồ cay nóng
● Không hút thuốc, nâng cao đầu khi ngủ
● Không sử dụng chất kích thích
– Một số thuốc có thể sử dụng nếu có sự hướng dẫn từ bác sỹ :
● Canxi carbonate là loại thuốc kháng acid an toàn có thể sử dụng
● Sucralfate bảo vệ niêm mạc dạ dày

4.3. Táo bón, trĩ
Phòng ngừa táo bón trong thai kỳ bằng cách:
– Ăn nhiều chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây,…) để thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa
– Uống đủ ít nhất 1.8 – 2 lít nước mỗi ngày giúp giữ cho ruột mềm mại, tiêu hóa thức ăn tốt hơn
– Tăng cường lợi khuẩn, bổ dung probiotic và prebiotic để tăng cường sức đề kháng với vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ quá trình lên men thức ăn
– Vận động nhẹ nhàng, nên thường xuyên luyện tập vừa sức (bơi lội, đi bộ, yoga) giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa
– Thay đổi thói quen đi đại tiện, luyện tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ, đúng tư thế để không bị rối loạn tiêu hóa và táo bón
– Giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc, duy trì tâm trạng vui vẻ, giảm lo lắng sẽ giúp tình trạng bệnh thuyên giảm
Thuốc nhuận tràng cũng được cân nhắc trong những trường hợp táo bón thật sự nặng tuy nhiên cần có sự tư vấn và theo dõi của bác sỹ điều trị khi sử dụng.

4.4. Cảm lạnh, dị ứng
Khi đối diện với tình trạng này mẹ bầu nên điều trị tại nhà trước khi cần đến sự hỗ trợ của thuốc bằng những phương pháp như:
● Tập trung nghỉ ngơi
● Uống đầy đủ nước để tránh mất nước
● Súc miệng bằng nước muối giảm đau họng
● Nhỏ mũi bằng nước muối để giảm nghẹt mũi
● Sử dụng kẹo ngậm hoặc viên ngậm trị ho
Việc sử dụng thuốc cảm cúm nên được sử dụng sau 12 tuần để giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn cho trẻ trong tam cá nguyệt đầu tiên.

4.5. Buồn nôn, nôn
Một số cách để cải thiện:

Một số thuốc có thể sử dụng nếu có sự hướng dẫn từ bác sỹ: Antacid và Sucralfat.

4.6. Đau lưng
Một số phương pháp giúp cải thiện đau lưng như:
● Tập các bài tập nhẹ nhàng để làm dịu cơn đau của cơ thể
● Massage làm dịu cơn đau lưng hiệu quả
● Ngủ đúng tư thế

4.7. Mất ngủ
Đây là tình trạng rất thường gặp ở mẹ bầu khi mang thai, đừng vội tìm đến sự hỗ trợ của thuốc khi gặp phải tình trạng này, mẹ bầu hãy thử thực hiện những pháp sau:
● Tập thói quen đi ngủ đúng giờ
● Vận động thể dục nhẹ nhàng trước khi đi ngủ hoặc nghe nhạc
● Không nên ngủ trưa lâu
● Hạn chế sử dụng các chất kích thích ảnh hưởng đến giấc ngủ
Việc sử dụng thuốc chỉ nên được thực hiện nếu các biện pháp thay thế này không hiệu quả và ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu.

5. Thực phẩm chức năng được sử dụng trong thai kỳ
Trước hết, mẹ bầu cần phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng để tránh nhầm lẫn dẫn đến sử dụng không đúng cách gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, thai nhi. Nếu thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ quá trình chuyển hóa và cải thiện sức khỏe thì thuốc tác dụng vào quá trình chuyển hóa của cơ thể.
Thực phẩm chức năng là loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, bổ sung những vi chất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ. Ngoài ra còn có thể hỗ trợ mẹ bầu điều chỉnh những rối loạn sinh lý trong cơ thể giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn và hạn chế các nguy cơ bệnh tật.

Bất cứ thành phần dinh dưỡng nào cần bổ sung trong thai kỳ cũng đều có những hàm lượng được khuyến cáo phù hợp với từng đối tượng. Vì vậy, mẹ bầu trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức hoặc vi chất bổ sung nào cần tham khảo ý kiến từ các chuyên gia.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các loại thực phẩm chức năng xuất hiện từ trong nước đến ngoài nước. Tuy nhiên, việc bổ sung như thế nào, hàm lượng bao nhiêu là đủ, bổ sung ở giai đoạn nào,… thì mẹ bầu hãy tìm đến sự tư vấn và hỗ trợ bác sỹ nhé.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...