Mẹ có bệnh lý tim mạch và thai kỳ

Bệnh lý tim mạch chiếm tỷ lệ chỉ khoảng 1 – 4% thai kỳ, tuy vậy những rối loạn về tình trạng tim mạch của người mẹ lại để lại nhiều biến chứng cho cả mẹ và trẻ sơ sinh.
Bệnh lý tim mạch có thể được chia thành 2 nhóm: bệnh lý tim mạch trước khi mang thai và bệnh lý phát triển trong thai kỳ. Hầu hết những thai phụ có bệnh lý tim mạch vẫn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh nếu được theo dõi và kiểm soát bệnh tốt trong thời gian mang thai.
1. Những thay đổi sinh lý về tim mạch ở phụ nữ mang thai
Mang thai dẫn đến nhiều thay đổi sinh lý của hệ tuần hoàn, kết quả là tăng gánh cho tim  để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và oxygen cho cơ thể. Một số thay đổi sinh lý:
– Tăng thể tích tuần hoàn và tăng nhịp tim: Thể tích tuần hoàn tăng 40 – 45% so với trước khi mang thai, cùng với sự gia tăng nhịp tim lên 10 – 20 nhịp/ phút, chủ yếu tăng cao vào quý 3 thai kỳ.
– Tăng lượng máu tưới tới cơ quan; Từ tuần 28 – 34 tuần, lượng máu tươi tới cơ quan tăng từ 30 – 50% mỗi phút. Điều này có thể là kết quả của sự gia tăng nhịp tim và thể tích máu. Ở sản phụ mang song thai, thể tích tưới máu có thể tăng tới 60%.
Những thay đổi này có thể dẫn đến một vài triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt khi thay đổi tư thế, khó thở hoặc thở nhanh, tuy nhiên không quá nghiêm trọng. Nhưng nếu sản phụ có tồn tại bệnh lý tim mạch trước đây, những triệu chứng này có thể nặng hơn và gây ra nhiều hậu quả trong quá trình mang thai.
2. Những bệnh lý tim mạch khi mang thai thường gặp
2.1. Bệnh lý tim bẩm sinh
Đây là bệnh lý tim mạch sẵn có trước khi mang thai hay gặp nhất ở thai phụ. Khi mang thai, do sự gia tăng sức ép để nuôi thai, tình trạng này có thể nặng nề hơn, gây ra nhiều biến chứng như nhịp bất thường hay suy tim.
Một số bất thường tim mạch bẩm sinh nguy cơ cao trong thai kỳ:
Hẹp van động mạch chủ
Hội chứng Ebstein
Bất thường buồng tim (1 thất, thiểu sản vách nặng…)
Bất thường van động mạch phổi nặng
Tứ chứng Fallot
Đảo vị đại động mạch
2.2. Bệnh lý cơ tim
Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề nhất trong thai kỳ, tỷ lệ 4 – 10 % được chẩn đoán giãn cơ tim bệnh lý, các dạng bệnh lý cơ tim khác như tăng sản hoặc thiếu máu cơ tim cũng được coi là nguy cơ thai kỳ không an toàn cho mẹ và trẻ sơ sinh.
2.3. Bệnh lý van tim
Có thể xuất hiện trước hoặc trong thai kỳ, mức độ từ nhẹ đến nặng. Một vài thể không có nhiều ảnh hưởng đến thai kỳ, tuy nhiên một số bất thường van tim khác lại gây ra những thay đổi bệnh lý, dẫn đến nhiều hậu quả xấu.
Một số bệnh lý van tim hay gặp như: Hở van động mạch chủ, tổn thương van 2 lá (hẹp, hở hoặc kết hợp hẹp – hở).
Một tình huống khác có thể xảy ra ở những sản phụ có van tim nhân tạo (cơ học hoặc sinh học) đều gây tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, cần được điều trị kháng đông lâu dài vì có thể ảnh hưởng tới thai nhi.
2.4. Bệnh lý động mạch chủ
– Thường liên quan đến bất thường di truyền, thông thường không gây nhiều triệu chứng cho đến khi mang thai, đặc biệt trong quá trình chuyển dạ. Những bệnh lý này có thể dẫn tới bóc tách hay vỡ động mạch.
3. Những biến chứng trong thai kỳ do bệnh lý tim mạch 
3.1. Tăng huyết áp
– Biểu hiện tăng huyết áp thường gặp trong thai kỳ, chiếm gần 10% các triệu chứng lâm sàng.
– Tăng huyết áp thai kỳ được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu > 140 mmHg hoặc/và huyết áp tâm trương > 90mmHg, sau tuần thứ 20 thai kỳ.
– Các dạng rối loạn tăng huyết áp rất đa dạng và cũng tăng dần về độ nặng và mức độ tổn thương cơ quan, bao gồm tiền sản giật, sản giật, hội chứng HELLP.
– Ngoài ra, còn có trường hợp tăng huyết áp trước khi mang thai (xảy ra trước tuần thứ 20) và hội chứng chồng lấp tăng huyết áp mạn tính và tiền sản giật. Tựu chung, những biểu hiện thay đổi bất thường về huyết áp thường là biểu hiện sớm của bệnh lý tim mạch trong thai kỳ.
3.2. Đái tháo đường thai kỳ
Bệnh lý rối loạn đường máu diễn ra sau tuần thứ 20 thai kỳ được cho là có liên quan đến những bất thường tim mạch ở mẹ. Nguyên nhân là do những biến đổi tim mạch thường có nguyên nhân từ những bất thường chuyển hóa, đặc biệt là tình trạng đề kháng Insulin và rối loạn chuyển hóa của người mẹ.
3.3. Nhịp tim bất thường
Tình trạng bất thường tần số tim có thể có trước hoặc trong khi mang thai. Một số dạng rối loạn nhịp hay gặp như: Ngoại tâm thu, nhịp nhanh trên thất,…Một vài bệnh lý có chỉ định điều trị, do đó cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
3.4. Bóc tách động mạch vành tự phát
Bệnh lý gây tử vong, thường xảy ra trong tuần đầu hoặc chậm hơn 6 tuần sau sinh. Tổn thương mạch máu nuôi tim tuy tỷ lệ không cao, nhưng tình trạng nguy kịch này thường dẫn đến đột tử. Một số nguy cơ như mẹ trên 30 tuổi, sử dụng chất kích thích, có bệnh lý mô liên kết, mẹ đái tháo đường, tăng huyết áp mãn tính và mẹ hút thuốc lá…
3.5. Thiếu máu cơ tim
Gồm 3 dạng: Đau thắt ngực điển hình, không điển hình và nhồi máu cơ tim, tỷ lệ gặp phải 2/25.000 trường hợp. Yếu tố nguy cơ của bệnh tương tự như yếu tố nguy cơ của bóc tách động mạch vành.
3.6. Bệnh lý cơ tim chu sinh
Tình trạng suy tim sau sinh thường xảy ra ngay cả trên phụ nữ mang thai không có tiền sử bệnh tim mạch. Tình trạng này đặc trưng bởi sự tưới máu cơ quan giảm sút do chức năng tim không được đảm bảo, thường xảy ra ở sản phụ trên 30 tuổi.
3.7. Thuyên tắc tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi
Mang thai là thời kỳ diễn ra nhiều thay đổi của cơ thể, từ đó cũng làm tăng nguy cơ đông máu nội mạch lên bốn đến năm lần, hai dạng bệnh lý nguy hiểm là đông máu tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi.
Thuyên tắc tĩnh mạch sâu thường xảy ra ở vùng chi dưới, do tình trạng vận chuyển máu chậm, tăng nguy cơ tạo cục máu đông gây thuyên tắc. Nếu sản phụ có bệnh lý tim mạch hoặc bệnh lý gây tăng đông trước đây, sẽ làm tăng thêm nguy cơ thuyên tắc mạch hơn.
4. Một số triệu chứng bệnh lý tim mạch trong thai kỳ
– Mệt mỏi tăng dần
– Đa niệu (tiểu nhiều lần), tiểu ra đạm
– Thở khó, thở gấp
– Phù
– Tim lớn, có tiếng thổi bệnh lý
– Tăng huyết áp
Các triệu chứng này có thể không nguy hiểm nếu ở mức độ nhẹ hoặc vừa, tuy nhiên nếu tình trạng nặng nề hơn hoặc xuất hiện sau tuần thứ 20 sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, nghỉ ngơi, thai kỳ. Chính vì vậy cần tiên lượng nguy cơ bệnh lý tim mạch xảy ra trong thai kỳ.
Một số triệu chứng nặng nề hơn như: nhìn mơ, đau ngực, tăng nhịp tim bất thường, tím… Cần liên hệ ngay với bác sỹ điều trị để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
5. Điều trị 
Đối với từng thể bệnh lý khác nhau, phác đồ điều trị và tiên lượng cũng khác nhau. Một số loại thuốc được áp dụng để điều trị bệnh lý tim mạch ở sản phụ như thuốc hạ áp, điều chỉnh nhịp tim, thuốc lợi tiểu… Tuy nhiên, cần thận trọng đối với một số loại thuốc có khả năng ảnh hưởng đến thai nhi như ức chế men chuyển, đồng vận Aldosterone, thuốc chống đông nhóm kháng vitamin K, thuốc điều trị tăng áp phổi,… Tuyệt đối chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sỹ.
6. Theo dõi sau sinh
Biến chứng bệnh lý tim mạch có thể xảy ra ngay cả sau 6 tháng sau sinh, vì vậy cần theo dõi tình trạng sức khỏe mẹ và thai nhi định kỳ, đảm bảo một thai kỳ an toàn và quá trình phục hồi sức khỏe hoàn chỉnh sau sinh. Để giảm thiểu tối đa nguy cơ bệnh lý tim mạch và các biến chứng của nó trong thai kỳ, cần đảm bảo lịch thăm khám định kỳ, phối hợp nhiều chuyên khoa và sự theo dõi sát sao tình trạng của mẹ và bé.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...