Ngộ độc Paracetamol, những điều cần biết

1. Ngộ độc Paractamol là gì?
– Paracetamol là một thuốc giảm đau, hạ sốt có thể mua và sử dụng mà không cần kê đơn, tỉ lệ ngộ độc paracetamol có xu hướng tăng nhanh.
– Nếu sử dụng vượt quá 4g/ ngày, Paracetamol sẽ chuyển hóa theo con đường gây ngộ độc cho Gan. Khi dùng quá liều, phần lớn thuốc được hấp thu trong vòng 2 giờ, nồng độ đỉnh đạt được sau uống là 4 giờ.
– Sử dụng Paracetamol quá liều trong thời gian dài có thể gây viêm gan cấp, hủy hoại tế bào gan.

Sử dụng Paracetamol gây viêm gan cấp, hủy hoại tế bào gan

2. Nguyên nhân ngộ độc Paracetamol là gì?
– Tự ý mua thuốc giảm đau, hạ sốt dùng tại nhà, không theo hướng dẫn của bác sỹ.
– Uống thuốc để tự độc.

3. Liều độc của Paracetamol là bao nhiêu?
– Ngộ độc paracetamol có thể do uống cấp một liều hoặc uống kéo dài mạn tính.
– Liều khuyến cáo paracetamol ở người trưởng thành từ 500-1000mg mỗi 4-6 giờ và không quá 4 gam/24 giờ.
– Ở trẻ em liều khuyến cáo từ 10-15mg/kg mỗi 4-6 giờ và không quá 50-70mg/kg/24 giờ.
– Uống một liều cấp >150mg/kg hoặc > 7.5g ở người trưởng thành có thể xem như ngộ độc, mặt dù liều tối thiểu gây tổn thương gan có thể dao động từ 4-10 gam.
– Ở trẻ em uống liều cấp từ 120mg/kg-150mg/kg có thể kết hợp độc gan.
– Ở những bệnh nhân uống kéo dài mạn tính thì liều >4g/ngày có thể gây nên tình trạng ngộ độc trên lâm sàng.

4. Những bệnh nhân nào có nguy cơ ngộ độc Paracetamol cao?
Dù sử dụng paracetamol liều thấp hơn nhưng vẫn có nguy cơ ngộ độc như:
– Bệnh nhân nghiện rượu.
– Bệnh nhân suy dinh dưỡng.
– Những bệnh nhân điều trị kéo dài với: carbamazepine, primidone, rifampin, isoniazid,…

5. Biểu hiện lâm sàng ngộ độc Paracetamol là gì?
– Biểu hiện lâm sàng của quá liều paracetamol phụ thuộc vào thời gian bệnh nhân đến cấp cứu và lượng acetaminophen đã uống.
– Biểu hiện lâm sàng ngộ độc paracetamol có thể chia thành bốn giai đoạn.

5.1. Giai đoạn khởi đầu
– Xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau uống.
– Có thể không triệu chứng hoặc triệu chứng không đặc hiệu như chán ăn, buồn nôn, nôn ói, vã mồ hôi,…

5.2. Giai đoạn tổn thương gan
– Xảy ra 24-48 giờ sau uống.
– Bệnh nhân có thể đau bụng, căng tức vùng hạ sườn phải.
– Xét nghiệm men gan: AST, ALT, bilirubin có thể tăng, thời gian đông máu PT kéo dài.
– Phần lớn bệnh nhân không tiến triển quá giai đoạn này nhất là bệnh nhân được sử dụng giải độc tố Acetylcystein.

5.3. Giai đoạn suy gan
– Thường xảy ra 3-5 ngày sau ngộ độc.
– Đặc trưng sự tái xuất hiện và nặng hơn của tình trạng buồn nôn, nôn ói kèm theo mệt mỏi, vàng da và những triệu chứng hệ thần kinh trung ương như: lú lẫn, ngủ gà, hôn mê.
– Ngoài ra có thể suy thận, hạ đường huyết, rối loạn đông máu, bệnh não do gan, men gan tăng tối đa xuất hiện rõ rệt.

5.4. Giai đoạn hồi phục
– Nếu bệnh nhân còn sống thì chức năng gan hồi phục hoàn toàn.
– Trường hợp ngộ độc nặng không điều trị bệnh nhân có thể tử vong trong 4-18 ngày sau uống.

6. Nguyên tắc điều trị ngộ độc paracetamol như thế nào?

6.1. Loại bỏ chất độc
– Gây nôn: nếu bệnh nhân mới uống paracetamol trong vòng 1 giờ.
– Rửa dạ dày: khi bệnh nhân mới uống trong vòng 6 giờ.
– Than hoạt: sau khi bệnh nhân được gây nôn hoặc rửa dạ dày. Dùng 1 liều 1g/kg, kết hợp với Sorbitol liều tương đương.

6.2. Thuốc giải độc
– N-acetylcystein (Mucomyst, Acemuc…).
– N-acetylcystein dạng uống: liều ban đầu: 140mg/kg, các liều sau 70mg/kg/lần, 4 giờ/lần (17 liều).
– N-acetylcystein dạng truyền tĩnh mạch: liều ban đầu 150mg/kg, truyền trong 60 phút, liều tiếp theo 50mg/kg, truyền trong 4 giờ, liều duy trì 100mg/kg, truyền trong 16 giờ.

7. Thời gian điều trị ngộ độc Paracetamol là bao lâu?
– Thời gian điều trị phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. thông thường trên 4 ngày nếu tình trạng nhẹ và đáp ứng với điều trị.

8. Các biến chứng của ngộ độc Paracetamol là gì?
– Viêm gan cấp.
– Hủy hoại tế bào gan.
– Suy thận.
– Suy đa tạng.

Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc với đội ngũ bác sỹ giỏi chuyên môn, khả năng chẩn đoán xử lý nhanh chóng, chuyên nghiệp; điều dưỡng viên giàu kinh nghiệm kết hợp trang thiết bị y khoa hiện đại; tiếp nhận, chăm sóc và điều trị 24/24 cho tất cả các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nặng có nguy cơ đe dọa tới tính mạng; giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...