Nhiễm trùng rốn sơ sinh

1. Thế nào là nhiễm trùng rốn?
– Nhiễm trùng rốn là tình trạng nhiễm trùng vùng rốn và mô xung quanh gây sưng, đỏ, đau, chảy dịch mủ, hôi, hoặc đôi khi chỉ rỉ dịch hoặc chảy máu nhẹ.

2. Những yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng rốn?
– Cân nặng lúc sinh thấp.
– Sinh không vô trùng.
– Có đặt catheter vào tĩnh mạch rốn.
– Mẹ vỡ ối sớm, mẹ sốt khi sinh,…

3. Nhiễm trùng rốn có những triệu chứng gì?
– Rốn ướt hôi, rỉ dịch mủ, rốn tấy đỏ.
– Viêm tấy mô mềm, viêm mạch bạch huyết da thành bụng xung quanh rốn. Viêm tấy cân cơ sâu lan rộng.
– Các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân: sốt, lừ đừ, bỏ bú.

4. Xét nghiệm nào cần thiết cho trẻ nhiễm trùng rốn?
– Phết máu ngoại biên: nhằm đánh giá tình trạng nhiễm trùng của trẻ.
– Cấy dịch rốn: tìm vi trùng và làm kháng sinh đồ.
– Cấy máu khi trẻ có tình trạng nhiễm trùng rốn nặng.

5. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhiễm trùng rốn có những mức độ nặng nào?
– Nhiễm trùng rốn khu trú: mất ranh giới bình thường giữa da và dây rốn, dây rốn viêm đỏ có mủ, đôi khi có rỉ máu.
– Nhiễm trùng rốn nặng: nhiễm trùng lan ra mô liên kết xung quanh, gây viêm đỏ cứng quanh rốn, tạo quầng rốn đường kính > 2cm.

6. Điều trị nhiễm trùng rốn như thế nào?
– Điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh
– Chăm sóc rốn để giúp rốn nhanh khô và rụng
– Thời gian điều trị trung bình từ 5-7 ngày hoặc có thể dài hơn tuỳ thuộc vào đáp ứng điều trị của trẻ.

7. Những nguyên tắc chung nào cần thực hiện khi chăm sóc rốn bị nhiễm trùng?
– Rửa sạch tay trước và sau khi chăm sóc rốn.

Đừng quên rửa sạch tay trước khi chăm sóc trẻ

– Tả của bé phải nằm ở mức dưới rốn cho đến khi rốn lành. Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm bẩn từ phân và nước tiểu, nếu cần có thể cắt một lỗ nhỏ ở vùng tả đi qua rốn.
– Không nên mặc quần áo ép chặt vùng rốn.
– Không đặt trẻ ngâm vào thau nước tắm cho đến khi nhiễm trùng rốn đã lành.
– Không rắc bột chống hăm hoặc các loại bột khác lên rốn rỉ nước.
– Theo dõi các dấu hiệu diễn tiến nặng của nhiễm trùng như chân rốn và vùng quanh rốn sưng phồng, chảy mủ, có mùi hôi,…

8. Khi nào nên đưa trẻ đi tái khám ngay?
– Trẻ bị sốt.
– Các dấu hiệu của nhiễm trùng xấu hơn hoặc không cải thiện sau 2 ngày điều trị.
– Trẻ khóc hoặc có vẻ đau khi chạm vào rốn hoặc vùng quanh rốn.
– Chảy máu rốn nặng hơn.
– Chân rốn và vùng quanh rốn sưng phồng, chảy mủ, có mùi hôi.
– Trẻ bỏ bú.
– Trẻ ngủ nhiều hoặc giảm vận động hơn bình thường.

9. Khi nào trẻ bị nhiễm trùng rốn cần nhập viện?
– Trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng rốn nặng.
– Trẻ có kèm biểu hiện nhiễm trùng toàn thân (sốt cao, lừ đừ, bỏ bú).

10. Phòng ngừa nhiễm trùng rốn như thế nào?
– Bảo đảm vô trùng trước và sau khi sinh.
– Cắt và cột rốn bằng dụng cụ vô trùng.
– Rửa tay trước khi săn sóc trẻ.
– Để rốn hở và khô, tránh đắp hoá chất hay vật lạ vào rốn.
– Ba mẹ cần quan sát rốn và chân rốn mỗi ngày để phát hiện sớm nhiễm trùng.
– Để rốn hở, không băng kín là biện pháp làm rốn mau khô và mau rụng, giữ cho rốn sạch có hiệu quả và an toàn tương đương với sử dụng dung dịch sát trùng hoặc kháng sinh tại chỗ.

Để rốn hở, không băng kín là biện pháp làm rốn mau khô và mau rụng

– Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng rốn, cần phải đưa trẻ đi khám. Trẻ sẽ được cho uống thuốc và hướng dẫn vệ sinh rốn đúng cách và nặng hơn là phải nhập viện điều trị.
– Nếu trẻ được uống thuốc tại nhà, phải đảm bảo rằng em bé uống đủ liều thuốc ngay cả khi rốn đã cải thiện hơn.

Khoa Nhi – Bệnh viện ĐK Gia Đình thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em từ sơ sinh đến lứa tuổi thiếu niên. Đội ngũ y bác sỹ tận tâm, giàu kinh nghiệm, hiểu rõ tâm lý và những nỗi sợ của các bé. Với sự hỗ trợ của trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, phòng bệnh tiện nghi, thoáng mát cùng không gian thân thiện, gần gũi, giúp các bé cảm thấy thoải mái, quên đi nỗi sợ và vững tâm lý khi điều trị tại đây. Family sẽ là gia đình và là người bạn thân của bé!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...