Nhổ răng – Những điều cần biết

1. Nhổ răng là gì?
– Nhổ răng là quá trình làm giãn nở xương ổ, đứt dây chằng nha chu và tách rời phần nướu để lấy răng ra khỏi ổ răng một cách toàn vẹn.

2. Chỉ định nhổ răng trong trường hợp nào?
– Răng sữa đến thời kỳ thay thế.
– Răng có thân và chân bị phá hủy lớn.
– Chân răng hay mảnh chân răng.
– Răng bị nha chu nặng.
– Răng mọc lệch, kẹt, ngầm.
– Răng gây biến chứng viêm tại chỗ.
– Răng dư gây mất đối xứng cung hàm.
– Răng bị viêm tủy, chết tủy.
– Răng có tổn thương quanh chóp.
– Răng cần nhổ trước một số điều trị đặc biệt.

3. Chống chỉ định tương đối nhổ răng trong trường hợp nào?
– Viêm nướu hay viêm miệng cấp tính.
– Viêm quanh thân răng cấp tính.
– Nhổ răng cối nhỏ và răng cối lớn trong thời kỳ viêm xoang hàm cấp tính cùng bên.
– Nhổ răng trên hàm vừa được điều trị bằng tia xạ.
– Trong các trường hợp bệnh lý như: Tim mạch, cao huyết áp,…
– Tình trạng đặc biệt của phụ nữ: Có thai, kinh nguyệt…

4. Chống chỉ định tuyệt đối nhổ răng trong trường hợp nào?
– Các bệnh lý toàn thân.
– Sức khỏe toàn thân quá yếu.
– Bệnh về máu không ổn định.

5. Phương pháp nhổ răng được thực hiện như thế nào?
Tùy vào sự đơn giản hay phức tạp của răng cần nhổ, người ta có thể chia làm 2 nhóm phương pháp điều trị như sau:
+ Nhổ răng đơn giản.
+ Nhổ răng tiểu, phẫu thuật.

6. Biến chứng gì nếu không nhổ răng?
6.1. Đối với răng sữa

– Gây cản trở mọc răng vĩnh viễn, gây mọc chậm hoặc mọc lệch lạc gây mất thẩm mỹ về sau.
– Gây đau, khó khăn trong hoạt động ăn nhai và sinh hoạt bình thường của trẻ.
– Gây hóc, sặc do rụng bất thường mà trẻ vô tình hít vào đường thở.

6.2. Đối với răng viêm nhiễm và chân răng
– Những răng hoặc chân răng không còn khả năng chữa trị bảo tồn thì cần được nhổ bỏ.
– Sự tồn tại của chúng gây đau, khó chịu và cản trở hoạt động bình thường của người bệnh.
– Gây cản trở sự lành thương của các cấu trúc giải phẫu lân cận, đôi khi còn gây nên tình trạng lan tràn viêm nhiễm.
– Gây tổn thương và hư hỏng thêm răng kế cận.
– Gây viêm xoang, viêm xương tủy xương, viêm mô tế bào, thậm chí gây nhiễm trùng máu,…
– Làm mất ăn, mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và công việc.

6.3. Đối với răng lệch, ngầm, dị dạng, lạc chỗ
– Gây mất thẩm mỹ, cản trở vệ sinh răng miêng.
– Đau và viêm nướu tại chỗ.
– Đau tái phát, gây viêm mô tế bào dẫn đến hạn chế há miệng và ăn nhai có thể sốt, mệt mỏi, suy kiệt.
– Ảnh hưởng đến các răng bên cạnh: Sâu răng, viêm tủy, viêm nha chu,…
– Gây ra những bệnh lý vùng quanh chóp, viêm tổ chức liên kết, viêm xương hàm, nang răng,…
– Gây những biến chứng ở xa như viêm xoang hàm, viêm nội tâm mạc (Osler),…
– Làm mất ăn, mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và công việc.

7. Biến chứng gì có thể gặp sau khi nhổ răng?
– Cảm giác đơ, cứng môi, má sau gây tê.
– Đau, sưng nề, khó chịu có thể xảy ra trong vài ngày đầu.
– Thuốc tê còn tác dụng, tình trạng này sẽ mất đi sau vài ngày.
– Khó nuốt, buồn nôn, chảy máu sau vài giờ, tụ máu tại chỗ tiêm.
– Viêm ổ răng gây đau, sốt, sưng, nhiễm trùng.
– Phản ứng dị ứng, ngất, tim đập nhanh.
– Thủng xoang hàm, lọt chân răng vào xoang.
– Tổn thương dây thần kinh.
– Vỡ xương ổ răng, gãy xương hàm dưới, vỡ lồi củ xương hàm trên.

8. Những điều cần lưu ý trước khi nhổ răng?
– Báo với bác sỹ thông tin, tiền sử các bệnh lý toàn thân, tiền sử dị ứng, các loại thuốc đang điều trị.
– Thực hiện các cận lâm sàng cần thiết cho thủ thuật.

9. Những điều cần biết trong khi nhổ răng?
– Cần tuân thủ theo lời dặn của bác sỹ.
– Trong quá trình nhổ răng sẽ không đau, chỉ đau nhẹ ở thời điểm gây tê.
– Thả lỏng người, hít thở đều bằng mũi, không nín thở, không thở bằng đường miệng.
– Có thể có tiếng kêu lách tách nhỏ, sự tì đè hay lúc lắc đầu.

10. Những điều gì cần biết sau khi nhổ răng?
– Đối với trường hợp răng khó, phức tạp bệnh nhân cần được theo dõi 30-60 phút sau nhổ.
– Cắn chặt bông từ 45-60 phút, nuốt nước bọt.
– Sau khi nhả bông không khạc nhổ, mút chíp vào ổ răng.
– Không ngậm hay súc nước muối tự pha trong 2 ngày đầu sau nhổ.
– Ăn thức ăn mềm, nguội, lỏng, tránh ăn quá cay,… vài ngày đầu sau nhổ.

Ăn thức ăn mềm nguội lỏng sau nhổ răng

– Tái khám cắt chỉ sau 7-10 ngày (nếu có).
– Chườm lạnh tích cực trong 6h đầu tại vị trí nhổ để giảm sưng nề.
– Nghỉ ngơi trong vòng 24h sau nhổ đối với trường hợp răng khó.
– Trong trường hợp chảy máu nhiều, kéo dài, chậm lành thương, nhiễm trùng hoặc có điều bất thường cần liên lạc ngay với bác sỹ hoặc cơ sở y tế gần nhất.
– Uống thuốc và tái khám theo lịch hẹn của bác sỹ.

Với đội ngũ Bác sỹ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại, Đơn vị Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng đã và đang chăm sóc sức khỏe răng miệng cho rất nhiều người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Nha khoa Family:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...