Những điều cần biết trước – trong – sau nội soi đại tràng

1. Nội soi đại tràng là gì ?
Nội soi đại tràng là thủ thuật sử dụng ống nội soi truyền hình, đưa đèn soi mềm từ hậu môn đi ngược lên đến manh tràng để quan sát tổn thương của toàn bộ niêm mạc đại tràng. Nếu cần thiết có thể tiến hành sinh thiết tổn thương ở đại tràng và thực hiện một số thủ thuật như: cắt polyp, lấy dị vật, tiêm cầm máu.

2. Nội soi đại tràng được chỉ định trong những trường hợp nào?
2.1. Nội soi đại tràng chẩn đoán
– Đi cầu ra máu tươi
– Đi cầu phân đen nhưng nội soi tiêu hóa trên bình thường

Nội soi giúp chẩn đoán tình trạng đau bụng không rõ nguyên nhân

– Thiếu máu nhược sắc
– Tiêu chảy cấp hoặc mạn tính, táo bón kéo dài, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ, rối loạn tính chất phân
– Sụt cân không rõ nguyên nhân
– Các bệnh lý viêm ruột mạn tính, đau bụng không rõ nguyên nhân
– Phát hiện bất thường khung đại tràng trên siêu âm, chụp cản quang khung đại tràng hoặc CT –Scanner bụng
– Sàng lọc polype /ung thư đại trực tràng

2.2. Nội soi đại tràng can thiệp
– Cắt polype đại trực tràng
– Điều trị tạm thời ung thư đại trực tràng bằng tia laser
– Cầm máu qua nội soi, nong chỗ hẹp, lấy dị vật,…
– Điều trị tháo xoắn, hút hơi giảm áp trong trường hợp giãn đại tràng do nhiễm độc.

2.3. Nội soi đại tràng theo dõi
– Sau cắt polype
– Sau phẫu thuật ung thư đại tràng
– Theo dõi điều trị các bệnh Crohn hoặc viêm đại trực tràng chảy máu
– Các trường hợp đa polyp có tính gia đình
– Đánh giá vị trí cần can thiệp ngoại khoa.

3. Chống chỉ định của nội soi đại tràng?
– Viêm phúc mạc, viêm túi thừa cấp, nghi ngờ thủng tạng rỗng
– Suy tim cấp, hội chứng vành cấp, phình động mạch chủ bụng kích thước lớn, suy hô hấp cấp
– Rối loạn tâm thần không hợp tác
– Có phẫu thuật đại tràng trong thời gian gần.

4. Các tai biến có thể gặp trong nội soi đại tràng?
– Thủng đại tràng
– Chảy máu chảy máu khi lấy bệnh phẩm
– Hạ huyết áp thoáng qua, ngừng tim hoặc ngừng thở (liên quan sự kích thích phế vị của ống nội soi và việc sử dụng thuốc an thần quá liều).
– Đau bụng hoặc cảm giác căng tức sau thủ thuật
– Một số biến chứng khác hiếm gặp: xoắn cuống lách, viêm ruột thừa, viêm túi thừa,…

5. Chuẩn bị trước khi thực hiện nội soi?
5.1. Dinh dưỡng
– Không ăn trong vòng 6-8 tiếng trước khi nội soi.
– Các chất lỏng: trường hợp cần gây mê cần ngưng 2 giờ trước nội soi (theo khuyến cáo của Hội Gây mê Hoa Kỳ).
– Ngừng các thuốc có chất sắt trước nội soi 3 – 4 ngày.
– Ăn chế độ ăn không có chất xơ trước nội soi 1 ngày.

Nên thực hiện chế độ ăn không có chất xơ trước nội soi 1 ngày

5.2. Chuẩn bị đại tràng
– Làm sạch đại tràng bằng 2 phương pháp: thụt tháo (trường hợp không thể uống được một lượng nước lớn hoặc có nghi ngờ bán tắc) và uống thuốc Fortrans hoặc golistin.
– Theo dõi thời gian uống thuốc sau khi kết thúc sử dụng thuốc 3 tiếng và tính chất phân. Sau khi uống thuốc cần phải đi cầu được khoảng 7, 8 lần trở lên, khi đi ngoài chỉ còn nước vàng như màu nước tiểu thì có thể nội soi.
– Đối với các người bệnh bị táo bón, có thể cho chuẩn bị bằng cách cho dùng thuốc nhuận tràng (Forlax) trong vài ngày trước soi.

5.3. Thuốc
– Nếu có y lệnh cử thuốc trước soi, cần hỏi ý kiến BS điều trị/ BS chỉ định trước khi quyết định dùng thuốc và đưa bệnh nhân xuống phòng nội soi.

5.4. Xét nghiệm
– Bắt buộc: kiểm tra công thức máu, chú ý tiểu cầu, tỷ PT (bình thường, giá trị này trong khoảng 70% – 140%. Nếu PT% < 70% thì quá trình đông máu có vấn đề).
– Kiểm tra kết quả siêu âm bụng, Xquang tim phổi, siêu âm tim, ECG (điện tâm đồ) nếu có chỉ định.
– Khi có bất kỳ bất thường báo với Bác sỹ, nhân viên y tế trước khi xuống phòng nội soi.

6. Theo dõi bệnh nhân trong khi nội soi?
– Theo dõi tình trạng chung của người bệnh, chú ý sắc mặt, tri giác bệnh nhân nếu bệnh nhân soi thường, động viên trấn an bệnh nhân.
– Theo dõi mạch và huyết áp.
– Theo dõi nhịp thở, tần số thở, dấu thở gắng sức, màu sắc môi. Theo dõi Sp02 (tỉ lệ (%) mức bão hòa oxy gắn vào hemoglobin) nếu thấy cần thiết hoặc theo y lệnh của Bác sỹ.
– Theo dõi tác dụng của thuốc tê, thuốc mê như: ngứa, nổi mày đay, khó thở…hay xuất hiện bất cứ triệu chứng bất thường nào khác nghi phản vệ

7. Theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sau khi nội soi?
– Sau nội soi, nếu bệnh nhân có sử dụng thuốc an thần sẽ được theo dõi tại phòng nội soi để theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp. Khi đã ổn định, bệnh nhân sẽ trở lại phòng bệnh.
– Theo dõi các triệu chứng sau khi nội soi: mạch, nhịp thở, huyết áp, Sp02 (nếu cần), đau bụng chướng bụng, sốt, nôn, buồn nôn, nôn ra máu, đi cầu ra máu, bí trung đại tiện hoặc báo BS khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường khác.
– Chế độ ăn/nhịn ăn theo y lệnh của bác sỹ. Nếu được cho ăn lại có thể dùng các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, cơm nhão với lượng và độ cứng tăng dần.

Để xem và tải ấn phẩm chất lượng cao, nhấn vào nút “Tải Xuống” phía dưới:

Đơn vị Tiêu hóa Gan mật Bệnh viện Đa khoa Gia Đình quy tụ đội ngũ bác sỹ chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh lý hệ tiêu hóa. Kết hợp với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại giúp đưa ra những chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Nổi bật là hệ thống nội soi ống mềm Olympus – Nhật Bản, vượt trội với dải tần ánh sáng hẹp (Narrow Banding Imaging – NBI) cho phép triển khai thành công các kỹ thuật tiên tiến như: nội soi chẩn đoán và điều trị xuất huyết tiêu hóa, lấy dị vật đường tiêu hóa, mở thông dạ dày ra da; nội soi tầm soát ung thư sớm dạ dày, đại trực tràng theo tiêu chuẩn quốc tế, không đau và nhanh hồi phục.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Family:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...