1. Lồng ruột là gì?
Lồng ruột là một bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến đường ruột, gồm ruột non và ruột già. Đó là tình trạng một đoạn ruột chui vào lòng đoạn ruột kế cận gây ra hội chứng tắc ruột theo cơ chế bít nút và thắt nghẽn.
2. Nguyên nhân gây lồng ruột là gì?
– 75 – 95% lồng ruột không rõ nguyên nhân.
– Lồng ruột có nguyên nhân có thể gặp ở bất cứ tuổi nào nhưng đặc biệt chú ý độ tuổi dưới 03 tháng hoặc trên 5 tuổi (túi thừa Meckel, polyp ruột, nang ruột đôi, Henoch-Schonlein…).
– 1% lồng ruột sau phẫu thuật.
Phần lớn bệnh nhân mắc lồng ruột không rõ nguyên nhân
3. Triệu chứng thường gặp khi bị lồng ruột?
– Triệu chứng cơ năng (khai thác được từ người nhà bệnh nhân):
+ Đau bụng từng cơn, khóc thét đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn,… Cơn đau bụng có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú.
+ Nôn
+ Đối với những trẻ đang bị sốt, ho, nhiễm siêu vi hay những trẻ đã từng bị lồng ruột thì triệu chứng trẻ đột ngột quấy khóc từng cơn cũng là một dấu hiệu nghi ngờ bị lồng ruột.
– Triệu chứng khi thăm khám:
+ Trẻ mệt lả, da xanh nhợt, môi khô, mạch nhanh, người lạnh, mắt trũng, sốt, mất nước.
+ Siêu âm thấy khối lồng hình bầu dục, chắc, di động dọc theo khung đại tràng, đau khi sờ chạm.
+ Thăm trực tràng hay đặt thông trực tràng: Máu theo găng tay hoặc ống thông trực tràng, có thể sờ chạm đầu khối lồng.
4. Lồng ruột nếu không điều trị kịp thời có nguy hiểm không?
Lổng ruột ở trẻ nếu không điều trị tháo lồng kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới tính mạng sau đây:
+ Mất nước.
+ Viêm phúc mạc.
+ Tắc ruột.
+ Shock.
+ Nhiễm trùng huyết.
5. Những cận lâm sàng cần làm để chẩn đoán lồng ruột?
– Siêu âm: Là lựa chọn đầu tiên giúp phát hiện ra bệnh.
– X-quang bụng không sửa soạn: Chỉ định khi nghi ngờ thủng ruột hoặc tắc ruột.
– Tổng phân tích tế bào máu, điện giải đồ và các xét nghiệm khác: Chỉ định khi bệnh nhân có biến chứng.
– Chụp cắt lớp vi tính: Chỉ định khi cần xác định nguyên nhân của lồng ruột.
– Nội soi tiêu hóa dưới: Khi nghi ngờ có polyp đại tràng.
– Nội soi ổ bụng: Khi nghi ngờ nguyên nhân túi thừa Meckel, đường tiêu hóa đôi.
6. Các phương pháp điều trị đối với bệnh lồng ruột là gì?
6.1. Nguyên tắc điều trị
– Hồi sức khi có biến chứng.
– Tháo lồng cấp cứu.
– Điều trị nguyên nhân nếu có.
6.2. Hồi sức nội khoa
– Đặt thông dạ dày dẫn lưu (nếu cần), nhịn ăn uống.
– Chống sốc.
– Bồi hoàn nước, điện giải nếu có rối loạn.
– Kháng sinh: Cefotaxime hoặc Ceftriaxone, có thể phối hợp Metronidazole.
6.3. Tháo lồng
a. Tháo lồng bằng hơi được áp dụng khi nào?
Khi lồng ruột đến sớm, chưa có biến chứng, phải thực hiện tháo lồng càng sớm càng tốt.
b. Tháo lồng bằng hơi không được áp dụng khi nào?
– Có biến chứng.
– Tắc ruột hoàn toàn trên lâm sàng và X-quang.
c. Phương pháp tháo lồng bằng hơi được thực hiện như thế nào?
– Trẻ sẽ được đặt đường truyền tĩnh mạch nuôi dưỡng trong quá trình nhịn ăn thực hiện thủ thuật này. Trẻ sẽ được gây mê và đặt thông dạ dày, thông trực tràng.
– Bác sỹ sẽ bơm hơi với áp lực chuẩn 60 – 120mmHg (bắt đầu với áp lực 60 – 80 mmHg và tăng dần). Mỗi lần bơm không nên quá 3 phút, không tháo quá 3 lần. Sau tháo lồng thành công trẻ sẽ được cho siêu âm để kiểm tra lại tình trạng bụng.
d. Biến chứng có thể xảy khi tháo lồng bằng hơi
– Nguy cơ quá trình gây mê ảnh hưởng tới tim mạch, hô hấp và sẽ được xử trí cấp cứu ngay trong các trường hợp cụ thể.
– Tổn thương hoặc vỡ ruột nếu bơm áp lực quá mạnh. Tuy nhiên tỷ lệ này rất thấp vì bác sỹ sẽ làm rất cẩn thận.
– Trào ngược dịch dạ dày vào phổi gây viêm phổi, tắc đường thở. Để đề phòng nguy cơ này trẻ sẽ đặt sonde dạ dày cho bé trước mổ.
6.4. Phẫu thuật tháo lồng
Có hai phương pháp: Mổ mở và mổ nội soi.
a. Phương pháp mổ mở tháo lồng được áp dụng khi:
Khi lồng ruột đến muộn có các biến chứng như tắc ruột, hoại tử ruột, tháo lồng thất bại hay lồng ruột có nguyên nhân thực thể.
b. Mổ mở tháo lồng ruột được thực hiện như thế nào?
Sau khi bé được gây mê, bác sỹ sẽ rạch đường mổ:
– Ngang trên rốn bên phải: Vị trí lồng ở đại tràng phải.
– Đường mổ dọc trên đường trắng giữa bụng: Vị trí lồng ở đại tràng trái hay chưa xác định.
– Sau đó giải quyết khối lồng (cắt nối ruột và cả khối lồng khi có hoại tử ruột) và đóng vết mổ.
c. Phẫu thuật nội soi tháo lồng được áp dụng khi nào?
Áp dụng cho những trường hợp lồng ruột mạn tính có nguyên nhân thực thể và lồng ruột đã được tháo lồng bằng hơi nhưng thất bại nhưng chưa có biến chứng hoại tử ruột
d. Phẫu thuật nội soi tháo lồng được thực hiện như thế nào?
Bé sẽ được gây mê, bác sỹ sẽ rạch da 3 đường mổ rất nhỏ khoảng 0.5 – 1cm để đưa dụng cụ nội soi vào ổ bụng tìm và xử lý nguyên nhân của lồng ruột
e. Cách xử trí khối lồng khi phẫu thuật như thế nào?
– Khối lồng chưa hoại tử: Tháo lồng, tùy thuộc vào thương tổn của ruột tháo mà cắt nối ruột hay chỉ đắp ấm đơn thuần. Tìm và xử lý nguyên nhân của lồng ruột.
– Khối lồng đã hoại tử: Cắt nối ruột lấy cả khối lồng.
f. Biến chứng của phẫu thuật tháo lồng
Đối với bất cứ một phẫu thuật nào cũng có tiềm ẩn một số rủi ro. Với phẫu thuật tháo lồng cũng sẽ có một số biến chứng thấp xảy ra như sau:
– Nguy cơ của quá trình gây mê ảnh hưởng tới tim mạch, hô hấp, sẽ được xử trí cấp cứu ngay trong các trường hợp cụ thể.
– Dính ruột, tắc ruột sau mổ.
– Nhiễm trùng vết mổ.
Lưu đồ xử trí lồng ruột
7. Thời gian tháo lồng ruột là bao lâu?
Lồng ruột là một bệnh cần xử trí cấp cứu. Thời gian thực hiện thủ thuật tháo lồng và nằm viện sau tháo lồng như sau:
– Thời gian tháo lồng bằng hơi được thực hiện khoảng 15 – 30 phút, sau thủ thuật bé cần phải theo dõi thêm 24 giờ, nếu trình trạng ổn định sẽ cho xuất viện
– Thời gian phẫu thuật giải quyết khối lồng được thực hiện khoảng 60 – 90 phút, sau thủ thuật bé cần nằm viện tối thiểu 3 – 5 ngày, nếu tình trạng ổn định sẽ được xuất viện.
8. Những điều gì cần biết trước khi tháo lồng bằng hơi?
8.1. Cung cấp thông tin cho nhân viên y tế
– Cung cấp thẻ BHYT/BHCC nếu có để đảm bảo quyền lợi trong quá trình điều trị.
– Cung cấp tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, nước uống của bé.
– Cung cấp tiền sử bệnh đang mắc phải của bé như: Tim mạch, hen suyễn, viêm dạ dày, viêm đường hô hấp (ho, đau họng, chảy mũi).
– Cung cấp thông tin thuốc bé đang sử dụng: Thuốc chống đông, thuốc chống dị ứng, hen suyễn…
8.2. Những điều bé cần thực hiện trước mổ để đảm bảo an toàn khi tháo lồng bằng hơi
– Trong thời gian điều trị, nếu muốn sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng ngoài chỉ định cần phải xin ý kiến của bác sỹ.
– Phải làm đầy đủ các xét nghiệm trước mổ như: Công thức máu, chức năng đông máu, chức năng gan, chức năng thận, HIV, viêm gan B, chụp phim phổi, điện tâm đồ.
– Bé phải được người nhà giám sát việc nhịn ăn uống hoàn toàn (kể cả uống nước, sữa, café, kẹo cao su) trong thời gian đợi kết quả xét nghiệm để chuyển xuống phòng mổ. Việc nhịn ăn nhằm tránh biến chứng trào ngược thức ăn gây sặc ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình thực hiện thủ thuật. Nếu đã lỡ ăn uống thì phải báo lại nhân viên y tế.
– Cởi bỏ tư trang cá nhân trên người bé như bông tai, nhẫn… để người nhà cất giữ.
– Cắt ngắn và tẩy sạch sơn móng tay chân cho bé (nếu có), búi tóc gọn gàng đối với bé gái.
– Người nhà cần tắm toàn thân bằng xà phòng hoặc lau người bằng khăn ấm và mặc quần áo bệnh viện cho trẻ trước khi thực hiện thủ thuật.
– Đi tiểu trước khi chuyển mổ.
– Không xóa ký hiệu đánh dấu vị trí vết mổ.
8.3. Những vấn đề nhân viên y tế sẽ thực hiện cho bệnh nhân trước tháo lồng bằng hơi
– Người nhà (gồm ba/mẹ) sẽ được giải thích và hướng dẫn ký cam kết trước mổ.
– Truyền dịch nuôi dưỡng giúp bệnh nhân đỡ đói và khát trong thời gian nhịn ăn chờ mổ.
– Được nhân viên y tế chuyển xuống phòng mổ bằng xe lăn.
9. Những điều gì cần lưu ý trong thời gian nằm viện điều trị sau tháo lồng bằng hơi?
9.1. Những biểu hiện bình thường diễn ra sau tháo lồng ruột
– Bụng chướng: Trong quá trình tháo lồng, bác sỹ sẽ bơm khí vào ruột, tình trạng chướng bụng sẽ giảm dần sau khi bệnh nhi trung tiện hoặc đại tiện.
– Đi cầu lỏng: Do ruột bị tổn thương tại khối lồng làm tăng nhu động ruột dẫn tới cầu lỏng. Tình trạng này sẽ giảm dần sau khi tháo lồng thành công phối hợp với việc điều trị bằng thuốc sau tháo lồng.
9.2. Các biến chứng cần theo dõi và báo nhân viên y tế
– Tình trạng đi cầu: Trẻ không đi cầu sau mổ, hoặc đi cầu lỏng, hoặc đi cầu có nhầy máu tươi.
– Trẻ chướng bụng, còn nôn, quấy khóc, đau bụng từng cơn, trẻ không chịu ăn và bú mẹ, hoặc ăn và bú vào là nôn ra ngay.
9.3. Chế độ ăn
– Sau thủ thuật người nhà cần chịu khó cho trẻ nhịn ăn uống và theo dõi thêm cho tới khi siêu âm bụng và kiểm tra sau tháo lồng có kết quả bình thường, bé không nôn trớ, quấy khóc, khi đó bé sẽ được ăn cháo, uống sữa.
– Chế độ ăn phải mềm, lỏng và hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi.
9.4. Chế độ vận động
– Người nhà cần cho trẻ nghỉ ngơi tại giường, không chạy nhảy, hoạt động mạnh, không bế trẻ đung đưa và nhún nhảy.
– Khi kết quả siêu âm bụng sau tháo lồng bình thường, trẻ sẽ được theo dõi thêm trong vòng 24 giờ nếu ổn định sẽ cho ra viện.
10. Những điều cần biết sau khi ra viện?
– Uống thuốc đúng hướng dẫn theo toa ra viện. Nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở…, cần tới bệnh viện để được khám và xử trí.
– Chế độ dinh dưỡng:
+ Trong 5 ngày đầu sau tháo lồng, cho trẻ ăn ít trong một hoặc nhiều bữa trong ngày. Chế độ ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, ăn chín uống sôi, tránh chua, cay đối với trẻ lớn.
+ Đối với trẻ nhỏ thì tăng cường bú mẹ.
– Chế độ sinh hoạt và tập luyện:
+ Không cho trẻ chạy nhảy hoạt động mạnh, người nhà không bế bé đu đưa nhún nhảy sau tháo lồng.
+ Giữ ấm cơ thể cho trẻ để hạn chế viêm đường hô hấp vào mùa đông xuân, ăn uống vệ sinh tránh viêm hạch mạc treo dẫn đến lồng ruột.
– Lồng ruột sau khi tháo vẫn có thể bị tái lại sau một vài giờ hoặc sau đó nhiều ngày. Vì vậy cha mẹ cần theo dõi và phát hiệu các dấu hiệu lồng ruột tái phát như đau bụng đột ngột, xoắn vặn, khóc thét, nôn thức ăn, đi cầu ra máu,… để đưa trẻ đến viện khám ngay.
– Trong trường hợp trẻ bị lồng ruột tái lại nhiều lần, trẻ sẽ được chỉ định xét nghiệm kiểm tra xem có nguyên nhân thực thể (polyp, u hồi tràng, đại tràng) hay không.
– Nếu có nguyên nhân thực thể, trẻ sẽ được phẫu thuật điều trị nguyên nhân.