Những điều cần biết về bệnh lý đục thủy tinh thể

1. Đục thể thủy tinh là gì?
Thủy tinh thể là một dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi, cho ánh sáng đi qua và giúp các tia sáng hội tụ đúng vào võng mạc.
Đục thủy tinh thể (hay còn gọi là cườm đá, cườm khô, cườm hạt, đục nhân mắt, cataract) là tình trạng thể thủy tinh của mắt mất đi sự trong suốt và chuyển màu trở nên mờ đục, là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi.

2. Nguyên nhân gây bệnh và phân loại mức độ của bệnh như thế nào?
2.1 Nguyên nhân.
– Tuổi tác: chiếm 99%, sau độ tuổi 60. Khi con người già đi, những sự thay đổi có thể xảy ra trong cấu trúc protein thủy tinh thể dẫn đến đục thể thuỷ tinh.
– Bẩm sinh: Trẻ em mới sinh ra cũng có nguy cơ mắc đục thủy tinh thể do rối loạn di truyền. Ngoài ra bệnh cũng có thể phát triển do mẹ khi mang thai mắc các bệnh truyền nhiễm như như bệnh sởi, bệnh rộp da và giang mai.
– Bệnh lý: Các căn bệnh như tăng nhãn áp, tiểu đường cũng có thể biến chứng thành đục thể thuỷ tinh. Dùng kéo dài một số thuốc như corticoid (nhỏ cũng như uống), thuốc hạ mỡ máu (simvastatin), thuốc chống loạn nhịp tim (amilodarone), thuốc trầm cảm (phenothiazin)… làm tăng nguy cơ đục thể thuỷ tinh.
– Chấn thương: Một số chấn thương ở mắt có thể dẫn đến sự hình thành đục thể thuỷ tinh ngay hoặc sau nhiều năm.
– Các nguyên nhân khác: bao gồm mắt tiếp xúc quá nhiều với tia UV (tia cực tím), tia X và bức xạ khác trong lúc xạ trị. Ánh nắng mặt trời đã được chứng minh làm đục thể thuỷ tinh gấp 2 đến 3 lần nhóm chứng và không thể xem là yếu tố phối hợp. Rối loạn dinh dưỡng, ỉa chảy mất nước, thiếu hụt các yếu tố chống oxi hoá, hút thuốc, uống rượu cũng là những yếu tố phối hợp quan trọng.
2.2 Phân loại.
Dựa vào vị trí được chia làm 3 loại:
– Đục nhân: xảy ra ở vùng trung tâm của thấu kính
– Đục vỏ: đục ở vỏ của thấu kính rồi lan vào trong
– Đục bao: tình trạng đục xảy ra ở lớp màng bao của thấu kính, xảy ra đột ngột tiến triển nhanh.

3. Triệu chứng thường gặp khi bị đục thể thủy tinh là gì?
Khi đục thủy tinh thể tiến triển, bạn có thể thấy xuất hiện các dấu hiệu như:
– Mắt nhìn mờ, khó nhìn, nhanh mỏi mắt khi tập trung xem tivi hoặc đọc sách báo.
– Tăng nhạy cảm với ánh sáng, lóe sáng, quáng gà, nơi râm mát nhìn rõ hơn ngoài nắng.
– Nhìn thấy nhòe, cảm giác có “hào quang” xung quanh, màn sương che phủ trước mắt.
– Nhìn một vật thành hai (còn gọi song thị) hoặc ba hình ảnh khác.
– Hiện tượng ruồi bay, chấm đen, đốm đen xuất hiện trước mắt.

4. Biến chứng có thể xảy ra nếu không điều trị là gì?
Theo WHO (tổ chức y tế thế giới) tỉ lệ mù do đục thể thuỷ tinh tăng dần mỗi năm bất chấp những tiến bộ trong điều trị. Năm 2002 WHO ước tính mù do đục thể thuỷ tinh là hơn 17 triệu (47,8%) trong tổng số 37 triệu
người mù trên toàn tế giới.

5. Các phương pháp điều trị đục thể thủy tinh hiện nay như thế nào?
5.1 Nội khoa: Bệnh đục thủy tinh thể là một bệnh nguy hiểm, vì thế cần chữa trị kịp thời. Cho đến nay các thuốc tổng hợp hóa dược rất khó có thể làm trong thủy tinh thể trở lại.
Với những trường hợp đục thủy tinh thể giai đoạn đầu chưa cần thiết phải phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cho bổ sung một số vitamin như C, A, E… và một số hoạt chất khác để làm chậm lại tiến trình đục thủy tinh thể.
5.2 Ngoại khoa: Hiện nay phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật đã tồn tại gần hai thế kỷ, nhưng đặt kính nội nhãn (thể thuỷ tinh nhân tạo) là phương pháp mới, được đề xướng từ năm 1949.
Lĩnh vực phẫu thuật này đang được áp dụng những thành tựu mới của ngành nhãn khoa cũng như các ngành khoa học hỗ trợ khác nên đã có những tiến bộ vượt bậc trong vòng 20 năm trở lại đây. Ngày nay phương pháp phẫu thuật phacoemusification (kỹ thuật mổ Phaco) ngày càng phổ biến và là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể tốt nhất.
– Ưu điểm:
+ Vết mổ nhỏ, thị lực nhanh chóng được hồi phục.
+ Ít xảy ra biến chứng so với các phương pháp khác.
+ Thời gian mổ nhanh và hậu phẫu nhẹ nhàng, bệnh nhân có thể nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường.
Mặc dù các ca mổ phaco hiện nay chỉ kéo dài khoảng 5 đến 10 phút nhưng trên thực tế phẫu thuật đục thể thuỷ tinh được xếp vào nhóm đại phẫu do nó là một phẫu thuật nội nhãn và tác động trực tiếp đến thị lực.
Riêng thể thuỷ tinh đã phẫu thuật rồi thì không thể phát triển lại. Thuật ngữ “đục thể thuỷ tinh tái phát” đã từng tồn tại là để chỉ tình trạng đục bao thể thuỷ tinh.
Bao này được dùng để cố định thể thuỷ tinh nhân tạo và sau một thời gian bị mất tính trong suốt gây giảm thị lực. Hiện nay đã được giải quyết đơn giản bằng thủ thuật chiếu laser YAG mở bao sau.

6. Biến chứng có thể xảy ra khi phẫu thuật là gì?
Rách bao sau, bỏng giác mạc, không đặt được thể thủy tinh nhân tạo, viêm nội nhãn…

7. Bệnh đục thể thủy tinh cần dự phòng và chăm sóc như thế nào?
Theo khuyến cáo của các chuyên gia Nhãn khoa, cách tốt nhất để phòng chống căn bệnh đục thủy tinh thể là cần thay đổi thói quen sinh hoạt một cách khoa học, kết hợp với những giải pháp hỗ trợ điều trị thông qua các cách sau:
– Cải thiện ánh sáng trong nhà với đèn nhiều hơn hoặc sáng hơn. Khi đi ra ngoài tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, khói bụi… thì nên đeo kính râm hoặc một chiếc mũ rộng vành để giảm độ chói bảo vệ mắt.
– Bỏ hút thuốc lá.
– Ăn nhiều thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, E, A, kẽm, lutein, zeaxanthin có trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc, trứng sữa, cá… Hạn chế ăn mặn và thức ăn có nhiều đường, dầu mỡ…
– Khám mắt thường xuyên, định kỳ 6 tháng/lần.

8. Những dấu hiệu cần tái khám là gì?
Nếu có bất kì vấn đề gì sau khi dùng thuốc cần gọi điện cho Bs hoặc tái khám ngay.
Trong quá trình chăm sóc mắt, nếu thấy mắt nhìn mờ, đau nhức, có vật đụng vào mắt cần tái khám ngay.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...