Những điều cần biết về bệnh lý viêm tắc lệ đạo bẩm sinh

1. Như thế nào được gọi là viêm tắc lệ đạo bẩm sinh?
– Lệ đạo là hệ thống đường dẫn nước mắt đi từ vùng hồ lệ đến khe mũi dưới, bao gồm: Điểm lệ, lệ quản, túi lệ và ống lệ mũi.
– Ở trẻ em, khi còn trong bụng mẹ ở thời kì đầu hệ thống lệ đạo là một ống đặc. Đến những tháng cuối của thời kỳ thai nghén hệ thống lệ đạo mới trở nên rỗng. Sự biến đổi từ đặc sang rỗng của lệ đạo được gọi là quá trình tạo ống. Đa số trẻ khi sinh ra, lệ đạo đã thông suốt để thực hiện chức năng dẫn lưu nước mắt. Chỉ ở một số ít trẻ, quá trình tạo ống vẫn tiếp tục cho đến sau khi sinh ra 1 -2 tuần mới hoàn chỉnh.
– Ngay sau khi trẻ sinh ra, tuyến lệ chưa hoạt động, vì thế mà trẻ mới đẻ khóc không có nước mắt. Sau đẻ từ 1 tuần đến 10 ngày, tuyến lệ bắt đầu có hoạt động bài tiết. Vì thế chỉ sau thời gian này, trẻ khóc thì mới có nước mắt.
– Hiện tượng chảy nước mắt thường xuyên mà dân gian thường gọi là chảy nước mắt sống gây cảm giác rất khó chịu và lo lắng cho nhiều người, nhất là hiện tượng này xuất hiện ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân thường gặp nhất là tắc lệ đạo.
– Sau khi được tiết ra, nước mắt sẽ tập trung vào vùng góc trong mắt và được dẫn thoát xuống mũi qua lệ đạo. Đây là một hệ thống ống có cấu trúc khá phức tạp. Khi sinh ra, phần lớn hệ thống ống này chưa thông hoàn toàn. Tắc lệ đạo bẩm sinh xảy ra khi đường dẫn nước mắt của trẻ chưa hoàn chỉnh. Nguyên nhân là do có lớp màng mỏng che lấp đầu ra của ống lệ mũi làm nước mắt không lưu thông xuống mũi được. Tỷ lệ hay gặp từ 2 – 4 % trẻ sơ sinh. Hầu hết trẻ bị tắc lệ đạo bẩm sinh có thể tự khỏi đến khi được một tuổi. Nếu trẻ đẻ non, nguy cơ tắc lệ đạo bẩm sinh còn cao hơn. Viêm kết mạc là một bệnh lý hay gặp trên những bệnh nhân tắc lệ đạo.

2. Nguyên nhân gây ra viêm tắc lệ đạo bẩm sinh là gì?
– Không có điểm lệ
– Rò túi lệ bẩm sinh
– Tắc ống lệ – mũi bẩm sinh

3. Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm tắc lệ đạo bẩm sinh là gì?
– Không có điểm lệ: Thường thấy mắt trẻ ướt, đọng nước ở khóe mi Trẻ sẽ luôn bị chảy nước mắt và viêm kết mạc kéo dài.
– Rò túi lệ bẩm sinh: Vùng da gần góc trong của mắt có lỗ rò nhỏ gây chảy nước mắt qua lỗ rò này.
– Tắc ống lệ mũi bẩm sinh: Đây là bệnh lý bẩm sinh của lệ đạo hay gặp nhất, khoảng 2 – 4% số trẻ sơ sinh đủ tháng , ở 2- 4 tuần tuổi. Bệnh có thể xảy ra ở một mắt hoặc hai mắt, thỉnh thoảng gây chảy nước mắt sống nếu bị thường xuyên và kéo dài có thể tạo ra mủ nhầy, viêm kết mạc mắt, sưng túi lệ.
– Nguyên nhân của tắc ống lệ mũi bẩm sinh còn do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên ở đầu dưới của ống lệ mũi còn lại màng tắc, trong một số trường hợp khác thì lại do biến dạng ống xương của ống lệ mũi.
– Khi tắc lệ đạo, vùng góc trong mắt có thể nề nhẹ, căng hơn. Nếu quá trình tắc kéo dài, đặc biệt là tắc ở ống lệ mũi nếu không được điều trị có thể gây ra viêm túi lệ mạn tính.
– Nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây ra nhiễm trùng tại đường lệ, túi lệ bị viêm, có nhầy mủ. Ấn vào vùng này có nhầy mủ trào ra ở khóe mắt, gây áp xe tại túi lệ, thậm chí gây dò, thoát mủ ra ngoài da, đau nhức nhiều, vùng góc trong mắt sưng nề, tấy đỏ.

4. Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm tắc lệ đạo là gì?
Trong quá trình quan sát sự phát triển của trẻ sơ sinh, mẹ có thể nhận thấy những thay đổi bất thường từ đôi mắt của bé.
Bé dưới 6 tháng tuổi sẽ có những biểu hiện đặc trưng sau:
– Bé chảy nước mắt thường xuyên Mắt trẻ lúc nào cũng ướt
– Sau khi thức dậy vào buổi sáng, quanh mắt có nhiều gỉ vàng Thỉnh thoảng góc mắt bị sưng
– Vùng da bị tiếp xúc với nước mắt nổi ban đỏ do kích ứng Đỏ mắt

5. Biến chứng thường gặp của bệnh viêm tắc lệ đạo bẩm sinh là gì?
– Chảy nước mắt sống liên tục
– Viêm mủ túi lệ, abscess túi lệ
– Nhiễm trùng đường lệ, tắc lệ đạo

6. Điều trị bệnh viêm tắc lệ đạo bẩm sinh bằng những phương pháp gì?
 6.1  Điều trị theo nguyên nhân và độ tuổi
* Điều trị tắc lệ đạo bẩm sinh sẽ được thực hiện theo độ tuổi và nguyên nhân gây tắc lệ đạo.
– Nếu nguyên nhân do không có điểm lệ do màng ngăn ở điểm lệ thì có thể rạch làm thông lệ đạo.
– Nếu nguyên nhân do rò túi lệ thì điều trị bằng cách phẫu thuật đóng lỗ dò.
– Nếu nguyên nhân do tắc ống lệ mũi bẩm sinh thì tùy theo độ tuổi các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.
+ Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi: Việc điều trị chủ yếu là mát-xa day ấn vùng túi lệ, lau mí với nước muối sinh lý, nếu như có nhầy mủ thì dùng thêm kháng sinh nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ
+ Đối với trẻ 3 – 12 tháng: Điều trị bằng cách bơm rửa lệ đạo, kết hợp kháng sinh tại chỗ và thông lệ đạo. Tuy nhiên, việc thông lệ đạo chỉ được thực hiện sau khi bơm rửa day nắn vùng túi lệ và sử dụng kháng sinh không hiệu quả.
+ Đối với trẻ trên 1 tuổi: Phương pháp bơm thông lệ đạo thường không hiệu quả nên cần cho trẻ đi khám để đánh giá việc phẫu thuật nối thông túi lệ mũi.

7. Biến chứng gì xảy ra nếu không điều trị bệnh viêm tắc lệ đạo bẩm sinh?
– Nếu không được điều trị, viêm mạn tính có thể tiến triển thành viêm cấp tính, gây áp-xe tại túi lệ, thậm chí gây dò, thoát mủ ra ngoài da. Bệnh nhân thường đau nhức nhiều, vùng góc trong mắt sưng nề, tấy đỏ.

8. Kỹ thuật xoa nắn trong viêm tắc lệ đạo bẩm sinh là gì?
8.1 Cha mẹ có thể áp dụng kỹ thuật day, xoa nắn theo các bước sau:
– Đặt trẻ nằm, một tay giữ đầu trẻ. Dùng ngón trỏ của tay kia đặt lên góc trong mắt, hướng lên trên tạo với trục mắt một góc khoảng 10 -15 độ. Ấn nhẹ đầu ngón trỏ và day ngược lên phía trên và về phía mắt để đẩy mủ ở trong túi lệ (nếu có) qua lệ quản ra ngoài.
– Dùng bông lau sạch mủ nhầy. Nhỏ 1-2 giọt kháng sinh vào túi kết mạc. Chờ 1 – 2 phút, sau đó đặt lại đầu ngón trỏ vào vị trí cũ, ấn một áp ực vừa phải và miết dọc xuống dưới về phía cạnh mũi, lặp lại thao tác này 10 – 15 lần.
– Mỗi ngày thực hiện day, xoa nắn 3 đợt. Sau một tháng không khỏi nên đưa trẻ đi khám để bác sỹ thông lệ đạo.
* Lưu ý: trẻ từ 3 -12 tháng tuổi nên bơm thông lệ đạo ngay, kết quả tốt hơn. Trẻ trên 12 tháng tuổi, điều trị bằng phương pháp bơm thông lệ đạo đạt hiệu quả thấp, cần đợi trẻ lớn hơn sẽ tiến hành phẫu thuật nối thông túi lệ mũi.

9. Chăm sóc và phòng bệnh viêm tắc lệ đạo bẩm sinh như thế nào?
– Đến nay không có biện pháp gì để phòng tắc lệ đạo bẩm sinh. Với các trường hợp tắc lệ đạo mắc phải do chấn thương hoặc do phẫu thuật, biện pháp tốt nhất là tránh bị các tổn thương này.
– Điều trị sớm và triệt để những viêm nhiễm mạn tính ở mắt như bệnh mắt hột, viêm kết mạc cũng góp phần hạn chế tắc lệ đạo.
– Đối với trẻ sơ sinh khi phát hiện thấy trẻ bị chảy nước mắt sống hoặc thường thấy đọng nước ở khe mi cha mẹ nên đưa trẻ đi khám
ngay để các bác sỹ xác định chính xác nguyên nhân chảy nước mắt, loại trừ các nguyên nhân khác như glôcôm bẩm sinh, viêm trong mắt và có biện pháp điều trị phù hợp.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...